Trốn tránh cách ly: Không vì lợi riêng mà bỏ qua mối nguy chung

Những ngày qua, vì thiếu ý thức, một số người có nguy cơ lây nhiễm Covid-19 cao khi về nước đã trốn tránh việc cách ly. Hành vi này đang đe dọa phá hủy những thành công bước đầu trong công tác phòng, chống dịch tại Việt Nam suốt thời gian qua, đòi hỏi các cấp chính quyền và cơ quan chức năng có những biện pháp quyết liệt hơn nữa, bên cạnh việc nâng cao ý thức phòng dịch và trách nhiệm xã hội cho mỗi người dân.

Thanh niên khoe "chiến tích" trốn cách ly.

Vì lợi riêng bỏ qua mối nguy chung

Ngày 26-2, trên mạng xã hội lan truyền hình ảnh livestream của N.T.T, cô gái trở về từ Daegu (thành phố tâm dịch Covid-19 của Hàn Quốc), nhập cảnh tại sân bay Tân Sơn Nhất. T khoe, nhờ khai báo không đúng sự thật nên đã trốn được việc phải cách ly y tế 14 ngày và được nhập cảnh bình thường. Clip phổ biến "bí quyết" mà T đưa lên mạng khiến dư luận hết sức bất bình.

Trước đó, ngày 25-2, một thanh niên tên V.H.L (trú tại xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm, Hà Nội) cũng đã lên mạng xã hội khoe không bị cách ly dù vừa trở về từ Daegu, Hàn Quốc ngày 22-2. Thanh niên này còn đùa vui về việc sẽ lây lan vi rút ra cho cả làng.

Một trường hợp khác đáng lo ngại hơn, bà N.T.D (44 tuổi; huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng) đã bỏ trốn khỏi khu vực cách ly các công dân trở về từ Trung Quốc tại tỉnh Lạng Sơn, với lý do nhớ nhà và “còn một đống hàng phải lo”.

Tất nhiên, các trường hợp trốn tránh sau đó đều bị phát hiện, xử lý phù hợp. Ngay sau khi thông tin về những trường hợp trốn cách ly được ghi nhận, cơ quan chức năng đã nhanh chóng xác minh và thực hiện các biện pháp nghiệp vụ cần thiết. Sau 2 ngày, bà N.T.D được xác định đang ở khu vực cửa khẩu Pò Chài, Trung Quốc, và được đưa trở về Việt Nam tiếp tục thực hiện cách ly. Hiện, V.H.L và gia đình đã nghiêm chỉnh chấp hành cách ly tại nhà riêng. Cô gái tại tỉnh Bình Dương cùng mẹ và em trai cũng đã được đưa đến khu cách ly tập trung của tỉnh để thực hiện cách ly trong 14 ngày.

N.T.T, cô gái trở về từ Daegu, Hàn Quốc, tại khu vực cách ly tập trung tỉnh Bình Dương.

Tuy nhiên, điều đáng buồn và đáng trách, những trường hợp trốn cách ly kể trên đều là những người đã được cung cấp thông tin về dịch bệnh và nhận thức được tính nguy hiểm của vi rút gây bệnh khi lây lan. Do thiếu ý thức phòng dịch, để tránh bất tiện cho bản thân hay vì lợi ích riêng, họ đã cố tình lẩn tránh quy định về cách ly y tế, bất chấp những hệ lụy khôn lường về sức khỏe cho chính mình, cho những người thân và cả cộng đồng.

Sự thiếu trách nhiệm này, trong bối cảnh hiện nay, còn là mối nguy hủy hoại nỗ lực to lớn của cả hệ thống, của lực lượng phòng, chống dịch đã và đang gồng mình chiến đấu với dịch Covid-19.

Mềm dẻo nhưng cương quyết

Với tất cả các trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam, ngoài khai báo với cơ quan quản lý xuất nhập cảnh, trong trường hợp phòng ngừa dịch bệnh, cơ quan y tế có quyền yêu cầu một người khai báo thông tin điểm đến, điểm đi nhằm mục đích dịch tễ.

Việc khai báo y tế chủ yếu dựa trên ý thức và tính tự giác của người khai, các cơ quan chức năng không thể kiểm chứng hoàn toàn độ chính xác. Nếu người này đi từ vùng dịch mà cố tình không khai báo việc đã đi từ vùng dịch thì cơ quan quản lý xuất nhập cảnh không thể quản lý được.

Đơn cử một ví dụ, như trường hợp của N.T.T, cô gái trở về từ Daegu. Cô gái đã xuất cảnh từ sân bay Busan nên thông tin trên hộ chiếu không ghi đến từ Daegu, mà cô lại không khai việc ở Daegu, chỉ nói đến từ Busan thì không bị phát hiện, bởi cơ quan quản lý xuất nhập cảnh chỉ xác định trên thông tin đầu - cuối. Đó cũng là một lỗ hổng trong công tác phát hiện ban đầu.

Chính vì vậy, việc nâng cao nhận thức cho người dân, phát huy vai trò của người dân trong công tác phát hiện các trường hợp có khả năng lây nhiễm, đồng thời giải tỏa được tâm lý cho những người phải cách ly vẫn đang là giải pháp được Chính phủ và các cơ quan chức năng đặc biệt lưu tâm để sự trung thực trong khai báo các yếu tố về dịch tễ được thực hiện một cách hiệu quả nhất.

Tuyên truyền phòng dịch Covid-19 tại khu chung cư.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, trong hội nghị trực tuyến triển khai thực hiện kế hoạch công tác năm 2020 và phòng, chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế, ghi nhận người dân đã hiểu biết đúng hơn về nguy cơ lây nhiễm Covid-19 và các cách tự phòng bệnh cho mình, nhưng với nguy cơ dịch bệnh như hiện nay,cách ly là biện pháp tốt nhất, dù có sự bất tiện đối với người được cách ly, nhưng đây là trách nhiệm đối với sức khỏe của chính những người này và cộng đồng.

"Chúng ta thuyết phục mềm dẻo nhưng kiên quyết”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Cũng cần nhắc lại, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 173/QĐ-TTg về việc công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona gây ra, nên các hành vi trốn tránh các biện pháp phòng, tránh dịch bệnh đều bị xử lý. Tùy tính chất và mức độ của hành vi mà người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hay xử lý hình sự.

Cụ thể, điều 10, Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định, người nào từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, sẽ bị phạt tiền 5-10 triệu đồng. Bên cạnh đó, nếu người có hành vi trốn khỏi nơi cách ly mà mang mầm bệnh, lây nhiễm cho người khác còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 240 Bộ luật hình sự về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người. Nếu bị truy tố, tùy theo mức độ gây thiệt hại mà người phạm tội có thể bị phạt tù lên đến 12 năm và có thể bị phạt tiền 20-100 triệu đồng.

Tuy nhiên, những nỗ lực của ngành Y tế, sự quyết liệt trong phòng, chống dịch của các cấp chính quyền sẽ chỉ thành công nếu có sự đồng hành của người dân. Suy cho cùng, không gì hiệu quả hơn trong phòng, chống dịch là mỗi người dân tự nâng cao ý thức bảo vệ mình và cộng đồng. Chúng ta đều đã hiểu rõ sự nguy hiểm và tốc độ lây lan của dịch bệnh. Giờ là lúc để mỗi người chung tay hành động, tiếp tục đồng hành cùng hệ thống chính trị các cấp thực hiện nghiêm và thống nhất các biện pháp phòng, ngừa dịch bệnh. Có như vậy, chúng ta mới giành được thắng lợi cuối cùng trong cuộc chiến với Covid-19.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo các địa phương kiên quyết rút Giấy phép lao động của công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam thuộc diện cách ly mà không thực hiện cách ly hoặc tự ý rời khỏi nơi cách ly.

Bộ Thông tin và Truyền thông đẩy mạnh việc đưa tin lên án những trường hợp không chấp hành các giải pháp của Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, nhất là tự ý rời khỏi nơi cách ly.

Khánh Vũ

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/959720/tron-tranh-cach-ly-khong-vi-loi-rieng-ma-bo-qua-moi-nguy-chung