Trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con sẽ bị xử lý
Hiện nay có không ít vụ ly hôn, trong quyết định của tòa án tuyên người vợ hoặc người chồng phải có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con nhưng nhiều trường hợp không thực hiện dẫn đến phát sinh các vấn đề pháp lý liên quan.
* Có thể bị xử lý hình sự
Chị L.T.Q. (ngụ xã Bàu Trâm, TP.Long Khánh) trình bày, chị và anh T. (chồng cũ) ly hôn được hơn 1 năm. Trong quá trình giải quyết vụ án ly hôn của chị, tòa án đã phán quyết cho chị trực tiếp nuôi con (13 tuổi) và anh T. phải có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con cho tới khi con chung của 2 người đủ 18 tuổi. Tuy nhiên, đã hơn 1 năm trôi qua, anh T. vẫn không thực hiện điều này.
Đối với trường hợp của chị L.T.Q., luật sư Ngô Văn Định, Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật (Hội Luật gia tỉnh)cho biết, theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, sau khi ly hôn, cha mẹ không trực tiếp nuôi con phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con. Trường hợp, chồng cũ của chị Q. không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con là trái với quy định của pháp luật.
Người có hành vi trốn tránh cấp dưỡng sẽ bị xử phạt hành chính theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12-11-2013 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình. Cụ thể: phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100-300 ngàn đồng đối với hành vi từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, chăm sóc con sau ly hôn.
Ngoài ra, theo Điều 186, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng như sau: Người nào có nghĩa vụ cấp dưỡng và có khả năng thực tế để thực hiện việc cấp dưỡng đối với người mà mình có nghĩa vụ cấp dưỡng mà từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, làm cho người được cấp dưỡng lâm vào tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
“Tuy nhiên, việc từ chối nghĩa vụ cấp dưỡng của anh T. nếu có lý do chính đáng như: không có thu nhập, bị bệnh tật, hoàn cảnh bất khả kháng... khi anh có yêu cầu tòa án giải quyết thì sẽ được xem xét, không phải bị xử lý hành chính, hình sự” - luật sư Định nói.
* Thi hành án dân sự vào cuộc
Theo quy định, khi bản án, quyết định của tòa án về ly hôn, thuận tình ly hôn có hiệu lực thì trách nhiệm trợ cấp nuôi con của người không trực tiếp nuôi con cùng lúc có hiệu lực. Để người có trách nhiệm cấp dưỡng nuôi con thực hiện đầy đủ nghĩa vụ cấp dưỡng theo bản án, quyết định của tòa án thì người trực tiếp nuôi dưỡng con có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự (THADS) buộc người có trách nhiệm cấp dưỡng phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ đó.
Tuy nhiên, một trong những khó khăn, vướng mắc của công tác THADS liên quan đến việc yêu cầu trả tiền cấp dưỡng nuôi con hiện nay là người có trách nhiệm cấp dưỡng chưa có điều kiện thi hành án.
Ông Nguyễn Công Phúc, Phó cục trưởng Cục THADS tỉnh cho biết, rất nhiều vụ việc, tại thời điểm cơ quan thi hành án xác minh, người có trách nhiệm cấp dưỡng (thuộc trường hợp người phải thi hành án) chưa có điều kiện thi hành. Do vậy, việc thi hành án bị hoãn theo quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 48, Luật THADS năm 2008 (sửa đổi năm 2014).
Để bảo vệ quyền cho người yêu cầu thi hành án, cơ quan THADS sẽ phải tiếp tục xác minh điều kiện thi hành án ít nhất 6 tháng/lần. Nếu sau 2 lần xác minh mà người phải thi hành án vẫn chưa có điều kiện thi hành án thì cơ quan này sẽ thông báo bằng văn bản cho người yêu cầu thi hành án về kết quả xác minh. Khi có thông tin mới về điều kiện thi hành án, cơ quan thi hành án sẽ xác minh lại để tiến hành thi hành án theo quy định của pháp luật.
Cũng theo ông Nguyễn Công Phúc, nếu người có trách nhiệm cấp dưỡng (bị thi hành án) không kê khai hoặc bị phát hiện việc kê khai không trung thực về tài sản, thu nhập, điều kiện thi hành án thì có thể bị xử phạt tiền từ 3-5 triệu đồng (đối với hành vi không thực hiện công việc phải làm, không chấm dứt thực hiện công việc không được làm theo bản án, quyết định), theo quy định tại Điểm a, Khoản 3, Điều 52 Nghị định số 110/2013/NĐ-CP ngày 24-9-2013 về quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, THADS, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã.
Ông Nguyễn Công Phúc, Phó cục trưởng Cục THADS tỉnh cho biết, bản án, quyết định có hiệu lực tính từ thời điểm sau 15 ngày đối với bản án, 7 ngày kể từ ngày quyết định mà đương sự (bao gồm: người khởi kiện, người bị kiện, người có quyền và nghĩa vụ liên quan) phải thực hiện theo quyết định cơ quan nhà nước. Trường hợp người phải thi hành án vẫn không tự nguyện thi hành án (người có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con) hoặc thi hành không đầy đủ ảnh hưởng đến quyền lợi các bên thì người được hưởng khoản tiền cấp dưỡng có quyền làm đơn yêu cầu cơ quan THADS tổ chức thi hành án đối với bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực.