Trọn vẹn nghĩa tình với người có công

Chỉ còn vài ngày nữa là đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, công tác chăm lo tết cho gia đình chính sách, người có công với cách mạng đã được các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị chung tay thực hiện. Sự thăm hỏi, động viên và những món quà trước thềm năm mới không chỉ giúp các gia đình có thêm điều kiện đón tết đủ đầy, mà còn thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với những người đã cống hiến, hi sinh vì độc lập, tự do của tổ quốc.

Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh khám, cấp thuốc miễn phí cho người có công trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Quang Vân

Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh khám, cấp thuốc miễn phí cho người có công trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Quang Vân

Ngoài 80 tuổi, thương binh Nguyễn Xuân Hưởng, thôn Phú An, xã Khánh Phú (Yên Khánh) còn khá nhanh nhẹn. Trong căn nhà mới kiên cố, không khí mùa Xuân đã về thật gần khi được gia đình điểm tô bằng những chậu hoa cúc vàng tươi.

Ông Hưởng kể rằng, ngôi nhà khang trang này được xây dựng từ sự hỗ trợ của Ban Chỉ đạo phối hợp hoạt động vận động quần chúng xây dựng và bảo vệ Tổ quốc huyện Yên Khánh và Quỹ đầu tư và phát triển tỉnh với số tiền 70 triệu đồng.

“Rời chiến trường, trở về quê hương với thương tật mang trong mình, nhiều gia đình chính sách, người có công vẫn còn khó khăn. Nhiều người thường xuyên đau yếu, phải lo cả chi phí thuốc men, chữa bệnh. Vì vậy, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, của tỉnh thông qua các chính sách thiết thực đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người có công.

Trước thềm năm mới Ất Tỵ 2025, tôi cũng nhận được quà của tỉnh, của huyện, xã. Không chỉ được chăm lo một cái Tết đủ đầy, quan trọng hơn nữa, đó còn là nguồn động viên tinh thần lớn để tôi và nhiều người có công cảm thấy ấm lòng, thêm sức khỏe, niềm vui trong cuộc sống”-ông Hưởng phấn khởi chia sẻ.

Năm mới Ất Tỵ đang cận kề, cùng với sự quan tâm của tỉnh, của các địa phương, thời điểm này, nhiều đơn vị, cá nhân cũng đã và đang dành tặng những phần quà ý nghĩa để tri ân người có công thông qua sự kết nối, phối hợp của Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh.

Ông Phạm Ngọc Hiệu, Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh cho biết: Hàng năm, Hội đã phối hợp với chính quyền các địa phương, doanh nghiệp, trường học, nhà hảo tâm tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực nhằm tri ân các gia đình liệt sĩ như: Khám bệnh, cấp thuốc miễn phí, tặng quà tri ân các Mẹ Việt Nam Anh hùng, gia đình liệt sĩ có hoàn cảnh khó khăn nhân Ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7.

Ngoài ra, Hội còn phối hợp sửa chữa nhà ở cho gia đình liệt sĩ có khó khăn về nhà ở; tặng học bổng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn là con các đối tượng chính sách…

Từ nhiều năm nay, mỗi độ Tết đến Xuân về, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh đều phối hợp với các tổ chức, cá nhân tổ chức chương trình tri ân, tặng quà gia đình người có công với cách mạng.

Số lượng các đơn vị, cá nhân tham gia chương trình ngày càng nhiều và mở rộng, nhất là có sự tham gia nhiệt tình của các thầy, cô giáo, các em học sinh, các bậc phụ huynh.

Nhiều trường học và phụ huynh trên địa bàn thành phố đã đồng hành với Hội trong mỗi hoạt động và coi đây là một phần việc ý nghĩa để giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

Cùng với các chính sách của Đảng, Nhà nước, sự quan tâm của tỉnh, những hoạt động thiết thực của Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ đã góp phần từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho các gia đình liệt sĩ, nhất là những gia đình liệt sĩ có hoàn cảnh khó khăn…

Trong các cuộc kháng chiến của dân tộc, tỉnh ta có trên 235 nghìn cán bộ, chiến sĩ tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên các mặt trận. Đã có hơn 16.900 người con ưu tú anh dũng hi sinh được công nhận là liệt sĩ; hơn 13.000 thương binh đã bỏ lại một phần xương máu ở chiến trường; trên 8.000 bệnh binh; trên 8.900 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học mang bệnh tật trong người đến hết đời…

Những năm qua, cùng với sự hỗ trợ từ chính sách của Đảng, Nhà nước, tỉnh ta cũng đã ban hành nhiều nghị quyết, chương trình, kế hoạch, văn bản chỉ đạo hướng dẫn chuyên đề về công tác người có công hoặc lồng ghép với các chương trình kế hoạch kinh tế-xã hội.

Nổi bật là Nghị quyết số 03- NQ/BCSĐ ngày 8/1/2019 của Ban cán sự đảng UBND tỉnh về đổi mới, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác người có công và giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết của HĐND về việc ban hành chính sách hỗ trợ điều dưỡng phục hồi sức khỏe tập trung cho người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ trên địa bàn tỉnh và đặc biệt là Nghị quyết số 23/2020/ NQ-HĐND ngày 27/5/2020 của HĐND tỉnh quy định chính sách hỗ trợ các đối tượng thuộc hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh. Đây là một chính sách đậm tính nhân văn, riêng có của tỉnh Ninh Bình dành cho người có công.

Đến nay, các chính sách vẫn đang được thực hiện đầy đủ, kịp thời, góp phần quan trọng vào việc cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người có công.

Năm 2024, tỉnh đã cấp kinh phí hỗ trợ 395 đối tượng thuộc 261 hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng theo Nghị quyết số 23 với tổng kinh phí hơn 5,8 tỷ đồng. Hỗ trợ nhà ở cho gia đình người có công có khó khăn về nhà ở cũng là một trong những hoạt động nổi bật được tỉnh ta thực hiện có hiệu quả trong nhiều năm qua.

Mới đây nhất, HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết số 31 sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 43 ban hành quy định chính sách hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025, với điểm nhấn là mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách. Theo đó, chính sách còn bao phủ tới đối tượng thụ hưởng là hộ người có công, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn.

Hoạt động hỗ trợ nhà ở cho người có công còn thu hút được sự quan tâm, ủng hộ của các tổ chức, cá nhân thông qua các hoạt động như: Ủng hộ kinh phí, vật liệu xây dựng, ngày công lao động…

Hiện nay, 100% người có công thoát nghèo, có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú. Đặc biệt, việc thăm hỏi, tặng quà tri ân người có công, gia đình chính sách vào dịp Tết đến Xuân về là một hoạt động rất ý nghĩa, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, được các cấp, các ngành, các tổ chức, đoàn thể và mỗi tấm lòng hảo tâm trên địa bàn tỉnh quan tâm thực hiện tốt trong suốt những năm qua.

Năm 2024, tỉnh ta đã thăm, tặng quà người có công tiêu biểu và chuyển trên 173 nghìn suất quà, trị giá hơn 51,6 tỷ đồng cho người có công và thân nhân liệt sĩ. Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 đang tới rất gần.

Với truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, bên cạnh quà của Chủ tịch nước, tỉnh ta cũng đã dành nguồn ngân sách hàng chục tỷ đồng để thăm hỏi, tặng quà các đối tượng là người có công với cách mạng.

Cùng với đó, các tổ chức, cá nhân cũng tổ chức nhiều chương trình, hoạt động có ý nghĩa hướng về các gia đình người có công với cách mạng.

Những món quà thể hiện tình cảm, sự tri ân của cộng đồng đến với người có công trước thềm năm mới không chỉ tạo thêm nguồn lực giúp các gia đình đón Tết cổ truyền đầm ấm, đủ đầy mà còn là nguồn động viên tinh thần rất lớn, phần nào bù đắp nỗi đau thương, mất mát bởi chiến tranh đối với những người có công và thân nhân người có công với cách mạng.

Đào Hằng

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/tron-ven-nghia-tinh-voi-nguoi-co-cong-149202.htm