'Trốn' xử phạt vẫn được cấp thêm giấy phép khai thác mỏ?
Mỏ cát Bãi Trằm tại Khu kinh tế Chân Mây-Lăng Cô (TT-Huế) là nỗi ám ảnh nguy hiểm nhiều năm nay đối với dân địa phương, bởi hàng loạt hố sâu chết người không được hoàn thổ.
Năm 2015, UBND tỉnh TT-Huế cấp phép cho Cty Cổ phần Vật liệu Xây dựng 368 (gọi tắt Cty 368) khai thác cát tại vùng Bãi Trằm ở xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc để làm vật liệu san lấp. Quy mô khai thác trên diện tích 3ha, độ sâu 3m so với hiện trạng, trữ lượng cát 65.000m3. Đến tháng 12/2018, giấy phép mỏ tại Bãi Trằm hết hiệu lực, hoạt động khai thác cát chấm dứt; doanh nghiệp buộc phải hoàn thổ, san lấp các hố sâu nguy hiểm. Dù vậy, vùng Bãi Trằm hiện chưa được hoàn thổ.
Người dân Lộc Tiến cho biết, thời điểm mỏ Bãi Trằm khai thác, bà con nơi đây luôn chịu trận với ô nhiễm môi trường do hàng trăm xe tải ngày đêm vào ra mỏ “ăn” cát gây ra, cuộc sống bị đảo lộn, nguy hiểm rình rập từ đường làng ngõ xóm đến các khu hồ hút cát sâu hoắm như đáy sông. Việc lấy cát sâu dưới lòng đất khiến ruộng vườn, đất lâm nghiệp của dân xung quanh bị sạt lở nặng. Doanh nghiệp còn ngang nhiên khai thác cát vượt quá độ sâu quy định, nhưng các cơ quan chức năng lại bất lực trong xử phạt.
Theo ghi nhận tại hiện trường, 9 tháng sau khi mỏ Bãi Trằm đóng cửa, nơi đây vẫn là vùng hồ nước sâu xanh ngắt, xung quanh không hề rào chắn hoặc biển cảnh báo nguy hiểm. Hồ nước sâu do đào cát gây nên hiện ăn lan vào đất ở, đất sản xuất của dân. Nhiều cây cối bật tung rễ, ngã đổ và chết héo la liệt.
“Cty 368 tới quê này “ăn” xong cát đã rời đi lâu rồi. Các hồ nước sâu chỉ cách nhà dân hơn 10m vẫn chưa được họ lấp lại. Cạnh các hồ nước là đồi núi, nếu có mưa lớn thì đất đá trên cao rất dễ sụt xuống gây lũ quét tràn qua khu dân cư, hậu quả thật khó lường. Tụi tui ngày nào cũng canh chừng trẻ nhỏ đi ra hồ nước. Cách đây chưa lâu, một con nghé rơi xuống hố sâu không thể lên được và chết luôn dưới đó. Nguy hiểm là vậy nhưng chẳng ai quan tâm xử lý”, bà Lê Thị M (56 tuổi, trú thôn Thủy Dương, xã Lộc Tiến) phản ánh.
Chưa nộp phạt đã “mất tích”
Ông Vương Đình Cẩm, Chủ tịch UBND xã Lộc Tiến cho rằng, nguy cơ lở núi, sạt đồi cạnh hố khai thác cát của Cty 368 là rất cao trong mùa mưa lũ này. Xã đã kiến nghị cấp có thẩm quyền yêu cầu doanh nghiệp sớm hoàn thổ, lấp lại các hồ sâu nhưng chưa nhận được phản hồi. Ông Phan Văn Trọng, Trưởng phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Phú Lộc, cho biết, Cty 368 hút cát tại Bãi Trằm vượt quá phạm vi ranh giới và độ sâu cho phép từ 1-2m và từng bị đình chỉ khai thác; mỏ này hiện đã hết hạn và ảnh hưởng đến người dân. Theo ông Trọng, với những vi phạm nêu trên, Phòng Tài nguyên & Môi trường huyện từng đưa ra mức phạt 30-50 triệu đồng đối với Cty 368. Tuy nhiên, doanh nghiệp này chậm chấp hành, có dấu hiệu “mất tích” vì không ai liên lạc được với họ.
Dù Cty 368 chậm khắc phục môi trường, phớt lờ chấp hành xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khai thác khoáng sản, nhưng doanh nghiệp này vẫn được tỉnh TT-Huế cấp thêm mỏ khai thác đá tại khe Diều (xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc, giáp ranh xã Lộc Tiến). Theo Ban Quản lý Khu kinh tế - Công nghiệp (KKT-CN) tỉnh TT-Huế, qua nắm bắt những vi phạm nêu trên của Cty 368, đơn vị sẽ tham mưu UBND tỉnh tạm đình chỉ mỏ đá khe Diều, cho đến khi doanh nghiệp hoàn thành nghĩa vụ ở mỏ cát Bãi Trằm.
Theo tìm hiểu của PV, mỏ đá khe Diều đã được Cty 368 bán “sang tay” cho một doanh nghiệp khác. Trong khi đó, Ban Quản lý KKT-CN tỉnh TT-Huế khẳng định, theo hồ sơ pháp lý, hiện chưa có văn bản nào chứng minh mỏ đá khe Diều đã được Cty 368 chuyển nhượng cho doanh nghiệp khác. Cty này vẫn là chủ pháp lý của hai mỏ cát và đá tại huyện Phú Lộc, do đó, Ban sẽ mời đại diện mỏ đá khe Diều và Cty 368 làm việc để xử lý dứt điểm những vấn đề bức xúc nêu trên.
Phòng Tài nguyên & Môi trường huyện từng đưa ra mức phạt 30-50 triệu đồng đối với Cty 368. Tuy nhiên, doanh nghiệp này chậm chấp hành, có dấu hiệu “mất tích” vì không ai liên lạc được với họ.