Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm trên 9.000 người chết vì Covid-19

Trong đó riêng Ấn Độ là 4.455 ca, tương đương một nửa toàn cầu, đưa tổng số ca tử vong ở nước này vượt ngưỡng 300.000 người.

Tính đến 6 giờ ngày 24/5, toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 167.497.740 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19, trong đó có 3.477.510 ca tử vong. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 459.761 và 9.187 ca tử vong mới.

Người dân đeo khẩu trang phòng dịch Covid-19 tại Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 22/5/2021.

Người dân đeo khẩu trang phòng dịch Covid-19 tại Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 22/5/2021.

Số bệnh nhân bình phục đã đạt 148.542.750 người, 15.477.480 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 96.996 ca nguy kịch.

Trong 24 giờ qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới gồm: Ấn Độ (222.835 ca), Brazil (35.819 ca) và Argentina (24.801 ca); Ấn Độ cũng dẫn đầu về số ca tử vong mới (với 4.455 ca), tiếp theo là Brazil (777 ca) và Colombia (496 ca)

Mỹ, Ấn Độ và Brazil là 3 nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Số ca nhiễm tại Mỹ hiện là 33.895.068 triệu người, trong đó có 604.075 ca tử vong. Ấn Độ ghi nhận tổng cộng 26.751.681 ca nhiễm, bao gồm 303.751 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ ba với 16.083.258 ca bệnh và 449.068 ca tử vong.

Ấn Độ: Ca nhiễm mới giảm, ca tử vong vẫn cao, nguy cơ làn sóng thứ ba

Ấn Độ đang chứng kiến số ca lây nhiễm mới giảm mạnh so với thời kỳ đỉnh cao ở mức trên 400.000 ca/ngày xuống quanh mốc trên 200.000 ca/ngày, tuy nhiên số ca tử vong mới vẫn ở mức gần 4.500 ca, tương đương một nửa của toàn thế giới.

Thủ hiến New Delhi Arvind Kejriwal ngày 23/5 cho biết thủ đô New Delhi của Ấn Độ sẽ bắt đầu nới lỏng lệnh phong tỏa vào tuần tới nếu số ca nhiễm mới tại thành phố này tiếp tục giảm. Theo ông Arvind Kejriwal, New Delhi đã áp đặt lệnh phong tỏa từ ngày 24/4 trong bối cảnh thành phố này liên tục ghi nhận số ca nhiễm mới tăng và trở thành một trong những thành phố chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch Covid-19.

Tuy nhiên, số ca nhiễm mới trong những tuần gần đây đã giảm dần với tỉ lệ ca dương tính sau khi xét nghiệm đã giảm xuống dưới mức 2,5%, thấp hơn rất nhiều so với tỉ lệ 36% ghi nhận tháng 4 vừa qua. Nếu số ca nhiễm mới tiếp tục giảm trong 1 tuần tới, từ ngày 31/5 thủ đô New Delhi sẽ bắt đầu tiến trình dỡ bỏ phong tỏa.

Mặc dù số ca nhiễm mới Covid-19 tại Ấn Độ đang giảm, song các chuyên gia y tế cảnh báo Ấn Độ có thể đối mặt với làn sóng lây nhiễm thứ 3 trong những tháng tới và nhiều bang không thể tiêm chủng cho những người dưới 45 tuối do thiếu vaccine. Tính tới thời điểm hiện tại, Ấn Độ - quốc gia sản xuất vaccine lớn nhất thế giới - mới chỉ hoàn thành tiêm chủng ngừa Covid-19 cho 41,6 triệu người, chỉ chiếm 3,8% tổng dân số nước này.

Đại sứ Ấn Độ tại Nga DB Venkatesh Varma cho biết Ấn Độ sẽ bắt đầu sản xuất vaccine Sputnik V của Nga vào tháng 8 tới, qua đó sẽ góp phần thúc đẩy đáng kể sản lượng vaccine ngừa Covid-19 tại quốc gia Nam Á này.

Theo ông Varma, Ấn Độ dự kiến sẽ bắt đầu sản xuất vaccine Sputnik V vào tháng 8 và đến tháng 9-10 tới sẽ sản xuất được 850 triệu liều vaccine này. Như vậy, Ấn Độ sẽ sản xuất khoảng 65-70% vaccine Sputnik V sản xuất trên toàn thế giới. Nga sẽ xuất khẩu vaccine này tới các nơi khác trên thế giới khi nhu cầu tại Ấn Độ được đáp ứng.

Ấn Độ đã nhận 210.000 liều vaccine Sputnik V từ Nga vào đầu tháng 5 này và sẽ nhận thêm 3 triệu liều vào cuối tháng 5. Đến tháng 6 tới, 5 triệu liều vaccine Sputnik V sẽ được cung cấp trong nước tại Ấn Độ.

Israel đón du khách nước ngoài

Tại Trung Đông, Israel ngày 23/5 đã mở cửa cho du khách nước ngoài nhằm vực dậy ngành du lịch trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 giảm. Theo đó, Israel sẽ bắt đầu tiếp nhận các nhóm nhỏ du khách đến từ những nước sử dụng các vaccine đã được cấp phép. Theo chương trình thử nghiệm này, dự kiến sẽ kéo dài đến ngày 15/6 tới, 20 nhóm du khách có từ 5 đến 30 người đến từ các nước như Mỹ, Anh và Đức sẽ được phép nhập cảnh Israel.

20 nhóm tiếp theo sẽ được đưa vào danh sách chờ nếu bất kỳ nhóm nào trong 20 nhóm đầu tiên không đáp ứng được các điều kiện của Israel. Chính phủ Israel cho rằng việc mở cửa cho các du khách đi theo từng nhóm nhỏ là cách tốt nhất để ngăn chặn dịch lây lan.

Campuchia chạy đua tiêm chủng trước những đợt bùng phát mới

Ngày 23/5, Bộ Y tế Campuchia thông báo ghi nhận thêm 560 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 và 9 ca tử vong, trong bối cảnh dịch Covid-19 có dấu hiệu bùng phát mạnh trở lại ở nhiều tỉnh của nước này. Như vậy đến nay Campuchia ghi nhận 25.205 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó 17.701 người đã được điều trị bình phục.

Tại Phnom Penh, chính quyền thủ đô Campuchia đã thiết lập 20 điểm tiêm vaccine ngừa Covid-19 tại 3 quận gồm Chamkar Mon, Prampi Makara và Chbar Ampov để đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm chủng. Theo kế hoạch, 1 triệu liều vaccine Sinovac sẽ được chuyển tới Phnom Penh tối 23/5.

Tính đến ngày 21/5, Bộ Y tế và Bộ Quốc phòng Campuchia đã triển khai tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 cho 2.226.446 người sau khi khởi động chiến dịch từ ngày 10/2/2021. Tính đến nay, nước này đã nhận được khoảng 4,5 triệu liều vaccine gồm 1,7 triệu liều Sinopharm (Trung Quốc viện trợ), 2,5 triệu liều Sinovac mua của Trung Quốc, và 324.000 liều AstraZeneca (từ Tổ chức Y tế Thế giới theo cơ chế COVAX). Kế hoạch của Thủ tướng Hun Sen là triển khai tiêm chủng 20 triệu liều vaccine cho 10 triệu dân trong cuộc chiến chống dịch Covid-19.

Trong khi đó, một số tỉnh Campuchia đang phải đối mặt với những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 với một loạt đợt bùng phát mới. Chính quyền tỉnh Banteay Meanchey (giáp Thái Lan) đã phong tỏa thành phố vùng biên Poipet để phòng chống dịch từ ngày 23/5-7/6. Theo đó, mọi lối ra vào thành phố đã bị phong tỏa, người dân không được ra khỏi nhà (trừ trường hợp cần thiết) để phòng ngừa nguy cơ các ca lây nhiễm lan rộng.

Indonesia: Ổ dịch mới liên quan đến thủy thủ Philippines

Ngày 23/5, giới chức Indonesia thông báo ghi nhận 42 nhân viên y tế nhiễm mới virus SARS-CoV-2. Những người này đã điều trị cho 13 thủy thủ Philippines mắc Covid-19.

Tỉnh trưởng Trung Java Ganjar Pranowo cho biết khoảng 140 nhân viên y tế khác đã tiếp xúc gần với thủy thủ đoàn trên tàu Hilma Bulker treo cờ Philippines. Tàu này vận chuyển đường tinh luyện từ Ấn Độ và cập cảng Trung Java ngày 25/4 vừa qua. Các thủy thủ nói trên đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.

Kết quả giải trình tự gen cho thấy các thủy thủ này nhiễm biến thể của virus SARS-CoV-2 có ký hiệu B.1617.2 phát hiện đầu tiên tại Ấn Độ. Một thủy thủ trong số này đã tử vong tại bệnh viện.

Ông Pranowo cho biết hiện lực lượng chức năng đang tích cực truy vết các nhân viên y tế khác có tiếp xúc trực tiếp hoặc tiếp xúc gần với nhóm thủy thủ trên. Tất cả 49 quan chức Indonesia giám sát việc dỡ hàng từ tàu Hilma Bulker đều có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2.

Với hơn 1,7 triệu ca mắc và 49.000 ca tử vong, Indonesia hiện là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch Covid-19 tại Đông Nam Á. Một số chuyên gia y tế lo ngại các cuộc tụ họp quy mô lớn trong dịp lễ Eid al-Fitr, đánh dấu kết thúc tháng lễ Ramadan của tín đồ Hồi giáo, và sự xuất hiện các biến thể mới có thể làm gia tăng số ca mắc mới tại nước này. Tháng trước, Indonesia đã ngừng cấp visa cho người nước ngoài từng ở Ấn Độ gần đây.

Theo TTXVN

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/the-gioi/359673/trong-24-gio-qua-the-gioi-ghi-nhan-them-tren-9-000-nguoi-chet-vi-covid-19.html