Trong 7 tháng, cả nước có 133.700 doanh nghiệp thành lập mới
Chiều 3-8, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Người phát ngôn của Chính phủ đã chủ trì họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7-2022.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, ngày 3-8, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7-2022, được kết nối trực tuyến tới các địa phương. Các báo cáo và ý kiến phát biểu tại phiên họp thống nhất đánh giá, trong bối cảnh nhiều khó khăn nhưng tình hình kinh tế - xã hội nước ta tháng 7 và 7 tháng của năm 2022 tiếp tục khởi sắc, đạt kết quả tích cực trên hầu hết các lĩnh vực, nhiều ngành kinh tế phục hồi và phát triển mạnh, được bạn bè quốc tế đánh giá cao, củng cố và tăng cường niềm tin cho người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư. Đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên thế giới, chủ yếu do các biến thể mới, song trong nước, dịch bệnh cơ bản vẫn được kiểm soát tốt trên toàn quốc.
Cùng với đó, kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát được kiểm soát trong bối cảnh chịu nhiều sức ép. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 tăng 0,4% so với tháng trước, bình quân 7 tháng tăng 2,54% so với cùng kỳ năm trước, cơ bản ổn định so với cùng kỳ từ năm 2018 đến nay; thị trường tài chính, tiền tệ cơ bản ổn định; lãi suất, tỷ giá duy trì hợp lý; tín dụng tăng 9,42% so với cuối năm 2021 và tăng 16,6% so với cùng kỳ; các cân đối lớn được bảo đảm. Thu ngân sách nhà nước 7 tháng của năm 2022 ước đạt 1.093,5 nghìn tỷ đồng, bằng 77,5% dự toán, tăng 18,1% so với cùng kỳ năm 2021.
Vốn đầu tư thực hiện từ ngân sách nhà nước tháng 7 đạt 46,2 nghìn tỷ đồng, tăng 22,5% so cùng kỳ; 7 tháng đạt trên 237,6 nghìn tỷ đồng, bằng 43,3% kế hoạch, tăng 11,9% so cùng kỳ. Vốn FDI thực hiện 7 tháng đạt 11,57 tỷ USD, tăng 10,2%, cao nhất từ 2018 đến nay; vốn đăng ký điều chỉnh tăng thêm 7,24 tỷ USD, tăng 59,3% so với cùng kỳ.
Việc phát triển doanh nghiệp đạt kết quả tích cực, số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong tháng 7 là 15.500 doanh nghiệp, 7 tháng là 133,7 nghìn doanh nghiệp (gấp 1,4 lần số doanh nghiệp rời khỏi thị trường). Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 7 tháng là trên 3,3 triệu tỷ đồng, tăng 37,2% so với cùng kỳ.
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, thời gian qua, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành tiếp tục được triển khai đồng bộ, quyết liệt, bài bản. Thống nhất với các đánh giá về những thành tựu, kết quả đạt được, Thủ tướng nêu rõ, tình hình kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, thách thức khi tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công còn thấp, 41/51 bộ, cơ quan trung ương và 18/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới mức trung bình cả nước.
Việc triển khai một số chương trình mục tiêu quốc gia, giải ngân vốn đầu tư công, xây dựng văn bản hướng dẫn và giải ngân vốn một số chính sách trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội còn chậm. Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gặp khó khăn, nhất là do giá nhiều nguyên, vật liệu đầu vào tăng cao; khó khăn về vốn, tín dụng... Số ca mắc Covid-19 tăng do sự xuất hiện của biến chủng mới; công tác tiêm vắc xin phòng Covid-19 tại một số địa phương chưa đạt mục tiêu đề ra.
Về trọng tâm chỉ đạo, điều hành, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu "4 ổn định, 3 tăng cường, 2 đẩy mạnh, 1 tiết giảm và 1 kiên quyết không". Theo đó, 4 ổn định gồm: Ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn; ổn định các loại thị trường tài chính, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản và giá cả, thị trường các loại hàng hóa phục vụ sản xuất và đời sống người dân; ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội, giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Trong đó, hai nội dung đẩy mạnh gồm đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, phát triển doanh nghiệp và tạo công ăn việc làm cho nhân dân cùng với tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư, nhất là vốn đầu tư công và công tác quy hoạch. Một tiết giảm là tiết kiệm triệt để, giảm mọi khoản chi tiêu không cần thiết. Một kiên quyết không là không điều hành giật cục, chuyển trạng thái đột ngột từ cực này sang cực kia, mà luôn chủ động, khoa học, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả.
“Về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong thời gian tới, Thủ tướng đã nêu 9 giải pháp cần triển khai thực hiện, trong đó trước hết tập trung công tác hoàn thiện thể chế theo tinh thần Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bảo đảm chất lượng, tiến độ các đề án trình Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội; triển khai, thể chế hóa, cụ thể hóa các nghị quyết, kết luận của Đảng, Quốc hội. Đồng thời, tiếp tục thực hiện nhất quán mục tiêu giữ vững ổn định nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, thúc đẩy tăng trưởng, phục hồi nhanh, phát triển bền vững. Tập trung thực hiện tốt Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, giải ngân vốn đầu tư công và các chương trình mục tiêu quốc gia”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn thông tin.