Trọng án thời Nguyễn giết gần 100 mạng người lại mạo xưng công

Thiều và Xích bị xử lăng trì, cho thấy mức độ phạm tội là bất dung tha. Và Tôn Thất Thiều dòng họ tôn thất bị xử, họ gốc của cha không được giữ, phải đổi sang họ mẹ.

Vụ án người viết muốn đề cập tới ở đây xảy ra vào thời nhà Nguyễn, nhằm dạo vua Tự Đức ở ngôi. Theo như ghi chép trong sử nhà Nguyễn, việc này nhằm tháng 5 năm Tân Hợi (1851), được thuật lại chi tiết, tường tận trong Đại Nam thực lục. Nay chúng tôi cứ theo bộ sử trên mà thuật lại hầu bạn đọc để đảm bảo tính trung thực của sự việc vậy.

 Sách Việt án lần theo trang sử cũ. Ảnh: Đinh Huyền.

Sách Việt án lần theo trang sử cũ. Ảnh: Đinh Huyền.

Đã gây án, lại mạo công

Kẻ gây nên vụ án được tường thuật dưới đây, toàn là quân tướng của nhà nước cả. Đáng lý phải lấy cái chức trách phục vụ nước nhà làm trọng mà tận tụy phục vụ, nhưng ngược lại, chúng gây nên tội ác, rồi đổi trắng thay đen sự thật, và liều lĩnh hơn, mạo nhận công trạng để mong được ban thưởng.

Sự thể là tháng 5 năm Tân Hợi (1851), theo nhiệm vụ được giao, Chưởng vệ là Phạm Trung Xích, cùng viên Lang trung là Tôn Thất Thiều quản suất thuyền Bằng đoàn đi tuần biển, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ biển đảo quốc gia. Sau khi thực hiện xong chuyến đi tuần biển về lại đất liền, mấy viên quản suất thuyền Bằng đoàn tâu lên vua rằng khi đi tuần nơi vùng biển thuộc về địa phận Quảng Nam, Quảng Ngãi, thuyền nhà nước gặp ba chiếc thuyền giặc. Phạm Trung Xích cùng với Tôn Thất Thiều với vũ khí được trang bị đã lệnh cho lính dùng súng lớn bắn mấy chiếc thuyền kia. Kết quả là bắn chìm một chiếc, hai chiếc còn lại thì một chiếc chạy trốn về phía đông, một chiếc khác bị súng lớn bắn phá.

Riêng về phần bọn giặc ở trên các thuyền đó nhiều tên bị thương hoặc bị chết không bắn lại được quân của triều đình. Thừa thắng thuyền Bằng đoàn tăng tốc tiến lên áp sát thuyền giặc, các biền binh xông sang thuyền giặc trấn áp và tiêu diệt được khoảng 70-80 tên giặc rồi thu giữ thuyền lai dắt về vụng Chiêm Dữ neo đậu lại.

Để ghi nhận công diệt giặc, bảo vệ biển, hai viên Chưởng vệ họ Phạm và Lang trung họ Tôn Thất đem theo những biền binh tham gia đánh giặc đắc lực để xin triều đình thưởng công. Chẳng biết việc tâu trình như thế nào, mà sự việc này vua Tự Đức khi biết được lại không vội xem xét khen thưởng, ngài lấy làm nghi ngờ tính xác thực của vụ việc nên sai quan bộ Binh tìm hiểu cho rõ sự tình.

Chân tướng tội ác

Lại nói về việc tra xét, bằng các biện pháp nghiệp vụ, bộ Binh dần lột trần được chân tướng thực sự của vụ việc. Quan bộ Binh sau khi tìm hiểu, tra vấn, thì Đội trưởng vệ Tuyển phong là bọn Trần Văn Hựu đã phải thú nhận sự thật mà chúng che giấu. Theo lời khai của chúng, tội ác của những kẻ giết người vô tội bị phơi bày trước ánh sáng luật pháp. Cụ thể là:

Ngày 18 tháng 4, khi thuyền đi tuần đang đậu ở cửa biển Thị Nại (nay thuộc Bình Định) thì nhận được tin báo có 3 chiếc thuyền hình dáng khác lạ đang xuất hiện ở địa phận biển đảo Thanh Dữ. Phạm Trung Xích liền dẫn thuyền ra tìm rồi mở súng khai hỏa tấn công. Nhưng tuyệt nhiên mấy chiếc thuyền ấy không bắn phản công mà chỉ nhằm hướng đông chạy xa. Thuyền tuần tăng tốc đuổi theo, khi đến gần một chiếc thuyền trong số ấy lại tiếp tục bắn. Mới bắn một phát thì chiếc thuyền bị đuổi cuốn buồm lên rồi tiến tới gần thuyền tuần, có 33 người trình thẻ thuyền cho đội tuần biển.

Trong số ấy, có người nói trước kia từng ngụ ở phố Thừa Thiên, có quen biết Lang trung Tôn Thất Thiều. Ấy nhưng Tôn Thất Thiều chẳng hiểu có nhớ hay không, lại cho là rằng đây là những con buôn gian lận nên lệnh bắt giữ lại rồi đem chém. Phạm Trung Xích nghe theo lời Tôn Thất Thiều liền lệnh cho Suất đội Thủy sư là Dương Cù cầm đầu một nhóm đem những người trong thuyền giết hết cả. Số nhân mạng bị chúng làm hại lên tới 76 người. Giết xong, xác ném tất xuống biển.

 Thuyền An Nam. Ảnh: Illustration.

Thuyền An Nam. Ảnh: Illustration.

Vụ việc đã rõ ràng, những kẻ giết người càn bậy lại mạo xưng là có công giết giặc biển. Tội lại thêm chất chồng hơn.

Sau khi vụ việc được điều tra làm rõ, những kẻ phạm tội bị giao cho Pháp ty đại diện triều đình luận tội và kết án. Thực lục cho biết chi tiết tội trạng và mức xử những bị can này. Khi đem ra nghị xử thì “cho Thiều là thủ mưu, bắt đổi theo họ mẹ là Đặng Thiều, cùng với Phạm Xích là người đồng mưu đều xử tội lăng trì; còn vợ con cũng phải chiểu án chia đi ghép ở một nơi. Dương Cù xử tội trảm quyết. Trần Văn Hựu biết thú ra trước tình trạng việc án, cho miễn nghị”.

Bản án trên liên quan đến mạng người, nên vua là người quyết định cuối cùng. Sau khi lời nghị án được dâng lên, vua Tự Đức xem xong, đều chuẩn y cả. Thế là Tôn Thất Thiều, Phạm Trung Xích chẳng những chẳng được thưởng công, thêm chức tước bổng lộc gì, mà thân thể còn phải chịu đau đớn, chết dần chết mòn khi từng mảnh thịt bị xẻo mà hồn chưa lìa xác.

Luật pháp nghiêm minh

Từ tội trạng của những viên quan trên đại diện triều đình thi hành việc công tuần canh biển đảo nhưng lại lạm sát người vô tội, chẳng những thế còn tâu bày gian dối, biến tội thành công, nên việc bị luật pháp triều đình, mà cụ thể ở đây là Hoàng Việt luật lệ (luật Gia Long) trừng trị đích đáng là điều hẳn nhiên. Xem qua Hoàng Việt luật lệ ứng với vụ án này, ta thấy vài điểm đáng lưu ý.

Luật nhà Nguyễn quy định kẻ phạm tội chịu một trong năm hình phạt tùy theo mức độ phạm tội với mức độ từ nhẹ đến nặng. Năm hình phạt đó gồm: Đánh roi (đánh bằng gậy nhỏ); đánh trượng (đánh bằng gậy to); tội đồ (đày có thời hạn); tội lưu (đày ra vùng biên ải vô thời hạn); xử tử (giết chết).

Riêng với tội tử hình, luật Gia Long quy định có hai bậc là xử trảm và xử giảo. Hai bậc tử hình này trong vụ án trên, đều được thực thi tùy vào mức độ phạm tội của kẻ thủ ác. Với Tôn Thất Thiều và Phạm Trung Xích, kẻ chủ mưu, kẻ đồng mưu nên cùng tội, bị xử lăng trì. Luật này cũng ghi rõ “Lăng trì là cực hình ngoài mức cực hình” chỉ dùng để xử tội những kẻ bất trung bất hiếu. Vì số nhân mạng bị chết oan quá lớn, nên Thiều, Xích bị án cao nhất trong các mức án.

 Hoàng Việt luật lệ nghiêm trị tội giết người.

Hoàng Việt luật lệ nghiêm trị tội giết người.

Miêu tả về cách thức thực thi việc xử lăng trì này, ta thấy được mức độ khắc nghiệt của nó. Sách Cổ luật Việt Nam: Quốc triều hình luật và Hoàng Việt luật lệ ghi: “Cách xử tội này là cắt từng miếng thịt một cho đến khi nào không còn thịt mới thôi, sau đó nếu là nam giới thì cắt dương vật, nếu là nữ giới thì cắt bỏ âm hộ. Tiếp đó là mổ bụng moi hết phủ tạng ra, để cho chết đi. Sau đó lại chặt nát xương chân tay ra thành từng khúc mới thôi”. Với hình thức xử tử này, tội nhân không chết ngay tức khắc mà chết dần, chết mòn, da thịt nát bấy, nhưng trí não vẫn còn hoạt động.

Thiều và Xích bị xử lăng trì, cho thấy mức độ phạm tội là bất dung tha. Và Tôn Thất Thiều thuộc dòng họ tôn thất, để không làm vấy bẩn gia phả dòng họ, hắn bị xử tội lăng trì, mà họ gốc của cha cũng không được giữ, phải đổi sang họ Đặng của mẹ.

Suất đội Thủy sư là Dương Cù thì trong vụ trọng án này bị xử trảm quyết, tức là bị tội chết nhưng là chết chém đầu lìa cổ. Mức độ xử tử này dưới lăng trì nhưng lại trên mức xử giảo (tức là chết nhưng tội nhân được giữ toàn thân xác). Thiều, Xích, Cù còn mắc vào cái tội nơi Điều 1 trong Hoàng Việt luật lệ “Mưu giết người” của Chương Nhân mạng là “Phàm mưu (hoặc lập mưu tự trong tâm mình, hoặc cùng người khác lập mưu) giết người. Người tạo ý xử tội trảm giam hậu, người đi theo tham gia xử tội trảm giam hậu”. Đồng thời Hoàng Việt luật lệ cũng thể hiện sự nhân văn, khoan hồng khi tội nhân thành khẩn khai báo. Bởi vậy mà trường hợp Trần Văn Hựu nhờ thành khẩn khai báo sự vụ nên được miễn nghị, thoát khỏi án tử.

Vậy là được thưởng công chẳng thấy đâu, nhưng kẻ phạm tội thì đầu lìa xác là có thực.

Trần Đình Ba. Trích sách "Việt án lần theo trang sử cũ"

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/trong-an-thoi-nguyen-giet-gan-100-mang-nguoi-lai-mao-xung-cong-post1067583.html