Trong bão dịch tả lợn châu Phi, Thanh Hóa kiểm soát chặt việc tái đàn
Sau hơn 9 tháng xảy ra dịch bệnh, diễn biến dịch tả lợn Châu Phi vẫn rất phức tạp tại Thanh Hóa, trong khi đó giá thịt lợn hơi đã tăng nhanh.
Sau 9 tháng xuất hiện, dịch tả lợn Châu Phi tại tỉnh Thanh Hóa vẫn chưa dừng lại. Vì vậy, Thanh Hóa xác định nếu không có giải pháp tái đàn, chuyển đổi mô hình chăn nuôi từ nay đến tết Nguyên đán thì nguồn cung thịt lợn sẽ khó đảm bảo. Thế nhưng việc tái đàn đối với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ rất mạo hiểm, tỉnh Thanh Hóa đang khuyến khích tái đàn tại các trang trại chăn nuôi quy mô lớn, đáp ứng các yêu cầu về an toàn sinh học tái đàn.
Mặc dù dịch tả lợn châu Phi xuất hiện sớm và là địa phương chịu thiệt hại nặng nề, thế nhưng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa dịch chủ yếu xuất hiện tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ mà ít xảy ra tại các trang trại chăn nuôi lớn. Do đó, thời gian qua các trang trại trên địa bàn một mặt ngăn chặn, phòng chống dịch, mặt khác vẫn kiểm soát, duy trì tổng đàn.
Ông Lê Văn Thể, hộ chăn nuôi tại huyện Thiệu Hóa cho biết, trong tình hình dịch tả lợn châu Phi như hiện nay việc chăn nuôi và tái đàn phải đảm bảo tuyệt đối đúng quy trình và sự quản lý của cơ quan Nhà nước.
Cùng với việc triển khai các nhiệm vụ phòng chống dịch tả lợn châu Phi, yêu cầu đảm bảo nguồn cung là cần thiết. Chỉ trong vòng một tháng các trang trại chăn nuôi đã đưa vào nuôi gần 7.000 con lợn thương phẩm; nhập từ các tỉnh ngoài và tái đàn tại chỗ trên 6.000 con; số lợn nái hậu bị của các công ty đạt trên 1.000 con, sẵn sàng để chuẩn bị nguồn cung về giống, cũng như chuẩn bị nguồn lợn để phục vụ Tết Nguyên đán 2020, cũng như cung cấp ra thị trường ngoài tỉnh.
Ông Đặng Văn Hiệp, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Thanh Hóa cho biết, các hoạt động tái đàn được kiểm soát chặt chẽ.
"Thứ nhất là hướng dẫn chăn nuôi an toàn sinh học đối với các trang trại. Thứ hai là tăng cường kiểm tra giám sát chăn nuôi lợn và cương quyết không tái đàn đối với những hộ gia đình chưa đủ an toàn sinh học để nhằm giảm những hạn chế rủi ro cho người dân cũng như ngân sách Nhà nước. Thứ ba là chỉ đạo UBND các xã phường, thị trấn thống kê hoạt động chăn nuôi. Đối với các trường hợp tái đàn phải được sự đồng ý của Chủ tịch UBND xã và kể từ ngày 10/11/2019 các cơ sở chăn nuôi chưa được Chủ tịch UBND xã đồng ý bằng văn bản mà tái đàn để xảy ra dịch bệnh thì sẽ không được hỗ trợ của nguồn ngân sách Nhà nước", ông Hiệp nói.
Trong chuyến thị sát tình hình phòng chống dịch tả lợn châu Phi tại tỉnh Thanh Hóa, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường khẳng định, nhiệm vụ của tỉnh Thanh Hóa là kiểm soát chặt chẽ tái đàn. Nếu để các hộ dân, cơ sở chăn nuôi chưa đủ điều kiện an toàn tái đàn thì không thể ngăn chặn, đẩy lùi dịch tả lợn Châu Phi.
Trước tình hình cấp bách của việc đảm bảo nguồn cung thịt lợn từ nay đến Tết Nguyên đán, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Chỉ thị về việc tập trung chỉ đạo thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, kiểm soát tái đàn lợn để phòng, chống bệnh dịch tả Lợn Châu Phi trên địa bàn tỉnh. Theo đó, người đứng đầu các địa phương, đơn vị nếu để xảy ra tình trạng tái đàn tự phát, tái đàn lợn khi chưa đủ điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học, làm lây lan dịch bệnh trên địa bàn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và Chủ tịch UBND tỉnh./.