Trông bờ ra ruộng

Trông ra bờ ruộng năm nào/Mưa bay trắng cỏ, cào cào cánh sen/Mẹ tôi nón lá bước lên/Mạ non đầu hạ trăng liềm cuối thu...

Quanh quanh vẫn một mảnh bờ

Bấy nhiêu toan tính đến giờ chưa yên

Mẹ tôi gạt cỏ bước lên

Cỏ dày, cây lúa phải chen nhọc nhằn.

Xòe tay tính tháng tính năm

Tính người? Nào biết xa xăm cõi người

Gié thơm ai đã gặt rồi

Đồng quang bóng mẹ nắng nôi một mình...

Làm đẹp thêm hình tượng người phụ nữ Việt Nam

HỮU THỈNH

"Trông ra bờ ruộng" của nhà thơ Hữu Thỉnh là một trong những bài thơ hay, cảm động về mẹ, một đề tài vĩnh cửu của văn học Việt Nam nói riêng, văn học thế giới nói chung. Thơ viết về mẹ thường xoay quanh một vài cảm hứng chủ đạo như ngợi ca tình mẫu tử thiêng liêng, ngợi ca những đức tính, phẩm chất tốt đẹp của người mẹ trong chiến tranh loạn lạc hay hoàn cảnh bất thường; bày tỏ nỗi cảm thương xót xa, sự hiếu thuận của người con trước những vất vả, nhọc nhằn bao phủ đời mẹ. "Trông ra bờ ruộng" của Hữu Thỉnh cũng không nằm ngoài những mạch cảm hứng chung ấy. Ngoài ra, viết về mẹ, ông cũng như nhiều nhà thơ khác lựa chọn lục bát-thể thơ truyền thống của dân tộc-êm đềm, giàu nhạc điệu, cân đối, uyển chuyển để gợi nên sự tảo tần, lam lũ của người mẹ bình dị gắn bó cả cuộc đời với làng quê.

Bài thơ được mở đầu bằng những hình ảnh dung dị của thôn quê với bờ ruộng, với những cơn mưa bay nặng hạt “trắng cỏ” và loài vật quen thuộc của nơi “đồng chiều cuống rạ”, “cào cào cánh sen”. Trên nền không gian ấy, hình ảnh người mẹ của nhà thơ hiện ra: Mẹ tôi nón lá bước lên. Nếu hình ảnh nón lá gợi nên sự bình dị, thô mộc trong cuộc sống thì cụm từ “bước lên” lại tạo ấn tượng về sự khỏe khoắn, xốc vác trong công việc của người mẹ. Tuy nhiên điểm nhấn (và sự tài hoa của nhà thơ Hữu Thỉnh) trong khổ thơ này nằm ở phương thức miêu tả thời gian. Chỉ trong 4 câu lục bát, ông đã tái hiện 3 khoảng thời gian khác nhau. Ở câu thơ mở đầu Trông ra bờ ruộng năm nào, cụm từ phiếm chỉ “năm nào” mang lại cái cảm giác mênh mang, hoài niệm về quá khứ. Hai cụm từ “đầu hạ”, “cuối thu” trong câu thơ cuối khổ vừa chỉ những mùa trong năm, vừa mang tính biểu tượng, ẩn dụ về quãng thời gian lao động cấy cày không ngơi nghỉ của mẹ. Gieo mạ, chăm sóc rồi gặt hái thu hoạch, cứ thế, mẹ luôn tay luôn chân theo nhịp tuần hoàn của năm tháng. Chính sự luân chuyển về thời gian từ “năm nào”, đến “đầu hạ” rồi “cuối thu” đã làm bật lên cái cặm cụi, chịu thương chịu khó, một nắng hai sương với đồng quê của mẹ.

Cặm cụi là vậy, chịu thương chịu khó, một nắng hai sương với đồng quê cả 4 mùa trong năm là vậy nhưng mẹ vẫn một đời cơ cực, nhọc nhằn: Quanh quanh vẫn một mảnh bờ/ Bấy nhiêu toan tính đến giờ chưa yên/ Mẹ tôi gạt cỏ bước lên/ Cỏ dày, cây lúa phải chen nhọc nhằn. Hình ảnh Quanh quanh vẫn một mảnh bờ là nỗi xót xa thầm lặng của nhà thơ khi thấy cả đời mẹ chưa có giây phút nào được ngơi nghỉ, có khi chưa bước ra khỏi lũy tre làng, chưa từng đi thăm đây đó mà chỉ lụi cụi bên ruộng đồng. Câu thơ thứ hai Bấy nhiêu toan tính đến giờ chưa yên phản ánh trực tiếp những trăn trở, vất vả của mẹ trong cuộc sống. Bình luận về câu thơ này, nhà văn Nguyễn Ngọc Phú đã rất tinh tế khi nhận xét rằng: “Nhà thơ nói “toan tính” chứ không nói tính toán. Ở đây có những lưỡng lự đắn đo thao thức, đó là phẩm hạnh của một người mẹ Việt thuần nông trước một mảnh bờ quanh quẩn níu bước chân người”. Và những lưỡng lự, đắn đo thao thức ấy còn như được nhân lên gấp bội, càng ngày càng nặng trĩu trong lòng mẹ thông qua cụm từ chỉ thời gian “đến giờ” và kết quả “chưa yên”. Cũng ở khổ thơ này, chúng ta thấy có sự thay đổi, biến chuyển trong việc khắc họa hình ảnh người mẹ. Hình ảnh mẹ không gắn với chiếc nón lá quen thuộc trong khổ thứ nhất mà hiện lên với hành động gạt cỏ. Nếu hình ảnh “nón lá” phản ánh cái bình dị thì hành động “gạt cỏ” vừa gợi lên sự quả quyết, quyết tâm, vừa kín đáo phản ánh vẻ đẹp trong tâm hồn, thái độ sống của mẹ như lời bình rất tinh và xác đáng cũng của nhà văn Nguyễn Ngọc Phú: “Có cả sự hy sinh, cam chịu, nhường nhịn hết thảy không yếu mềm, khuất phục trước những đám cỏ dày chen lấn cây lúa-cỏ hay là những bon chen giành giật đời thường. Hình ảnh mẹ hiện lên thật đẹp khi “Mẹ tôi gạt cỏ bước lên”. Gạt cỏ chứ không phải là nhổ cỏ! Gạt là một ứng xử nhiều trải nghiệm sống”.

Nỗi thương cảm mẹ của nhà thơ được đẩy lên đến tận cùng trong khổ thơ cuối. Ở khổ thơ này, chúng ta một lần nữa lại được “thưởng thức” biệt tài trong miêu tả mối quan hệ giữa người với người của nhà thơ Hữu Thỉnh. Dường như ông sở hữu một năng lực đặc biệt, rất nhạy cảm với con người nên mới có thể “hạ bút” viết nên những tứ thơ làm người đọc cảm thấy “giật mình” về con người đến vậy. Ở khổ cuối này nhà thơ lại khiến chúng ta không khỏi ngẫm ngợi với những câu thơ chứa đầy chiều sâu triết lý nhân sinh: Xòe tay tính tháng tính năm/ Tính người nào biết xa xăm cõi người. Mới hay, cái vất vả, lam lũ nơi ruộng đồng đâu có thấm thá gì so với cái gian nan, nhọc nhằn khi phải đối phó, va chạm với con người trong trường đời. Mẹ có thể Xòe tay tính tháng tính năm nhưng với lòng người, với dòng đời thì làm sao mà đo nổi nông sâu, xa gần: Tính người? Nào biết xa xăm cõi người. Cũng bởi vậy nên Gié thơm ai đã gặt rồi để cho mẹ đồng quang phải chịu cảnh nắng nôi một mình. Câu thơ chứa đựng sự ngậm ngùi, thương cảm của nhà thơ trước cuộc sống cả đời thua thiệt của mẹ. Hình ảnh bóng mẹ bơ vơ lạc lõng, đơn độc giữa cánh đồng trơ trụi đầy nắng như một dấu hỏi về thân phận con người trong kiếp nhân sinh vô thường.

"Trông ra bờ ruộng" nhờ vậy đã không chỉ đơn thuần là một bài thơ hay, cảm động về người mẹ mà còn là một thi phẩm tiêu biểu cho phong cách, nghệ thuật thơ của Hữu Thỉnh, một trong những gương mặt nổi bật của thơ ca Việt Nam hiện đại.

Tiến sĩ ĐOÀN MINH TÂM

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/trong-bo-ra-ruong-653256