Trồng bù rừng
Ðể thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua, Nhà nước đã cho phép nhiều địa phương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang thực hiện các dự án xây dựng công trình thủy điện, giao thông, thủy lợi, khai thác khoáng sản... Theo đó, một diện tích lớn đất rừng đã được chuyển đổi mục đích sử dụng. Theo quy định, nơi nào được Nhà nước cho phép lấy đất rừng để sử dụng vào mục đích khác, phải trồng bù rừng thay thế. Tuy vậy, thực tế việc trồng bù rừng hiện đạt tỷ lệ rất thấp, khoảng 3,7% diện tích rừng chuyển đổi.
Cùng suy ngẫm
Muốn thực hiện hiệu quả việc trồng rừng sau khi chuyển đổi, cùng với quản lý, cần có các biện pháp, chế tài xử lý vi phạm. Thực tế công tác này thời gian qua còn bị buông lỏng tại nhiều nơi và các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền chưa thật sự quan tâm, vào cuộc mạnh mẽ thông qua các công cụ chính sách phù hợp, hiệu quả. Mới đây, để bảo đảm hiệu lực của công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, buộc các cá nhân, tổ chức thực hiện nghiêm các quy định về trồng bù rừng, Chính phủ đã ban hành Nghị định 157/2013/NÐ-CP, trong đó quy định các chế tài xử lý vi phạm. Theo đó, cá nhân vi phạm quy định về trồng bù rừng sẽ bị xử phạt tiền đến 500 triệu đồng, tổ chức vi phạm bị xử phạt gấp đôi cá nhân. Trường hợp được Nhà nước giao, cho thuê đất để trồng rừng bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước đầu tư 100% nhưng thực hiện trồng rừng không đúng quy định của Nhà nước cũng bị xử phạt đến 100 triệu đồng. Ngoài các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật, Nghị định cũng quy định các tổ chức, cá nhân buộc trồng lại rừng hoặc thanh toán chi phí trồng lại rừng theo suất đầu tư được áp dụng ở địa phương tại thời điểm vi phạm hành chính; buộc trả lại diện tích rừng bị lấn, chiếm và buộc thực hiện ngay việc hoàn thổ. Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị về việc tăng cường chỉ đạo thực hiện trồng rừng thay thế diện tích rừng chuyển sang sử dụng mục đích khác. Yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương tổ chức rà soát các dự án đầu tư có chuyển mục đích sử dụng đất lâm nghiệp có rừng sang mục đích khác trên địa bàn. Ðồng thời, yêu cầu chủ đầu tư phải trồng lại rừng theo đúng quy định về việc trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác. Thủ tướng cũng chỉ đạo, đối với các dự án đầu tư đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và đã chuyển mục đích sử dụng đất lâm nghiệp có rừng sang mục đích khác, phải thực hiện trồng rừng thay thế ngay trong năm 2014 và bảo đảm hoàn thành toàn bộ trong năm 2015. Ðối với các dự án đầu tư đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đang thực hiện quy trình, thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất lâm nghiệp có rừng sang mục đích khác, phải có phương án trồng rừng thay thế và hoàn thành việc trồng rừng thay thế ít nhất bằng diện tích rừng được chuyển mục đích sử dụng cho dự án trong thời gian 18 tháng kể từ khi phương án trồng rừng thay thế được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Ðối với các dự án đầu tư mới, khi xem xét phê duyệt dự án đầu tư phải đồng thời phê duyệt phương án trồng rừng thay thế. Mọi trường hợp không có phương án trồng rừng thay thế được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, thì kiên quyết không phê duyệt phương án đầu tư. Chính phủ yêu cầu vào tháng 1 hằng năm, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức đánh giá việc thực hiện trồng rừng mới thay thế diện tích rừng chuyển sang mục đích sử dụng khác trên địa bàn, báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng.
Cùng với các quy định của pháp luật, việc Chính phủ vừa ban hành hàng loạt các chính sách về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, hy vọng thời gian tới rừng sẽ được quản lý tốt hơn, các tổ chức, cá nhân sẽ có trách nhiệm hơn trong việc sử dụng đất rừng hiệu quả, hạn chế tới mức thấp nhất việc phá rừng để thực hiện các dự án phục vụ lợi ích trước mắt.
Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/chinhtri/cung-suy-ngam/item/22693602-trong-bu-rung.html