Trồng bưởi theo hướng hữu cơ
Thực tế cây bưởi da xanh không còn xa lạ với người nông dân. Tuy nhiên, chọn lựa phát triển theo hướng hữu cơ, tạo ra nông sản sạch, chất lượng cung ứng cho người tiêu dùng… sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao. Anh Lê Minh Triết (ngụ ấp Bình Phú 2, xã Bình Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang) là một trong những nông dân tiên phong chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây bưởi da xanh theo mô hình này.
Thay đổi thói quen
Ban đầu, khi mới chuyển đổi từ đất ruộng kém hiệu quả sang vườn cây ăn trái, anh Triết rất đắn đo chọn lựa cây trồng. Đến khi chọn được cây bưởi da xanh, anh muốn trồng thử nghiệm trên diện tích nhỏ, trước khi phát triển mô hình lớn hơn. Với 1.000m2 đất, anh Triết trồng 30 gốc bưởi da xanh. Do trước giờ làm ruộng, gắn bó với cây lúa, nên khi chuyển qua trồng cây ăn trái, anh phải học hỏi thêm rất nhiều. Đầu tiên, anh tham quan, học hỏi nông dân nhiều kinh nghiệm sản xuất, rồi tìm hiểu thông tin trên mạng internet, xem video hướng dẫn chăm sóc, xử lý ra hoa của cây bưởi da xanh trên mạng xã hội...
Thay vì canh tác theo kiểu truyền thống, sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, anh Triết mạnh dạn áp dụng phương pháp hữu cơ để chăm sóc cây bưởi da xanh. “Tôi nghĩ, trồng loại cây nào cũng vậy, muốn phát triển tốt, cho năng suất cao, đạt hiệu quả kinh tế thì việc tạo được nền đất màu mỡ, nhiều dinh dưỡng, đầu tư cây giống chất lượng sẽ là điều kiện tiên quyết để thành công. Bởi vậy, khi mới bắt đầu lên liếp làm vườn, tôi đã sử dụng các loại phân chuồng để cải tạo, giúp đất tơi xốp, cây bưởi thuận lợi phát triển” - anh Triết chia sẻ.
Mô hình trồng bưởi da xanh theo hướng hữu cơ của anh Triết đang được hỗ trợ, tạo điều kiện để phát triển thành sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) của địa phương.
Do được chăm sóc tốt, dinh dưỡng đầy đủ, nên cây bưởi da xanh lớn nhanh, cành nhiều, tán rộng. Sau 3 năm canh tác, anh Triết thu hoạch đợt trái đầu tiên vào đầu năm nay. Điều đáng mừng là trái bưởi rất to, tròn đều, trọng lượng từ 2,9-3,2kg/trái. Bưởi được người tiêu dùng đánh giá rất cao về chất lượng, từ trái to, da xanh bóng, vỏ mỏng, múi mọng nước, đến vị ngọt thanh, không bị the hay đắng.
“Tết Nguyên đán vừa rồi, tôi thu hoạch trên 400kg, bán giá 35.000 đồng/kg, chủ yếu cho người dân địa phương. Tôi chọn lựa trồng bưởi hữu cơ, sử dụng các loại phân chuồng, phân rơm, kèm với phân từ tro trấu… giúp đất có dinh dưỡng, tạo thêm độ ngọt cho trái. Bởi vậy, khi nghe mọi người khen ngon, tôi vui lắm, xem như mình phát triển đúng hướng” - anh Triết phấn khởi.
Hướng tới sự bền vững
Để thử nghiệm hiệu quả lâu dài, anh Triết chọn cây giống được chiết cành và cả gốc ghép để canh tác. “Quan sát thực tế, tôi thấy cây giống từ nhánh chiết sẽ cho trái ngọt, vỏ mỏng, người tiêu dùng thích hơn. Còn với cây gốc ghép thì trái vỏ dày, độ ngọt, độ thuần sẽ lâu hơn, dù thời gian cho trái như nhau. Bởi vậy, nếu bà con muốn trồng cây bưởi da xanh, nên chọn lựa nhánh chiết, chất lượng trái tốt hơn, hiệu quả kinh tế nhiều hơn” - anh Triết chia sẻ.
Sau thời gian trồng thử nghiệm, thấy cây bưởi da xanh thích nghi tốt với thổ nhưỡng, khí hậu địa phương, anh Triết mở rộng mô hình thêm 1ha ở ấp Hòa Lợi. Hiện nay, vườn bưởi đã được 2,5 năm, bắt đầu có trái lai rai. Anh đang tập trung xử lý ra hoa, chuẩn bị cho vụ bưởi Tết vào cuối năm nay. Trong vườn, ngoài cây trồng chính là bưởi da xanh, anh Triết còn xen canh thêm cây tắc để “lấy ngắn nuôi dài”. Trên 1.000 gốc tắc được trồng xen canh, mỗi ngày anh Triết đều đặn thu hoạch được 40-50kg, giá từ 10.000-15.000 đồng/kg, mỗi khi hút hàng còn có thể lên đến 20.000 đồng/kg.
Bên cạnh việc học hỏi kỹ thuật chăm sóc từ mạng internet, anh Triết tự làm rồi đúc kết kinh nghiệm cho bản thân. Theo anh, tùy thuộc vào thực tế cây trồng trong vườn, mỗi nhà nông có kỹ thuật chăm sóc phù hợp nhất. “Chăm sóc cây bưởi da xanh nói khó không khó, nói dễ không dễ, chủ yếu là do kỹ thuật chăm sóc cây của nhà vườn nhất là việc dưỡng cây khi bắt đầu trồng. Trong quá trình chăm sóc cây, không được chủ quan, khi thấy cây phát triển tốt rồi bỏ phế. Đó là chưa nói đến việc, cây bưởi có thể cho trái quanh năm, thu hoạch xong đợt này là tới đợt khác. Do đó, không tập trung số lượng trái nhiều, vì nếu không tính toán kỹ sẽ dẫn đến tình trạng thu hoạch ồ ạt, mất giá”- anh Triết phân tích.
Theo đánh giá của anh Triết, cây bưởi được trồng, chăm sóc theo hướng hữu cơ khoảng 1,5 năm sau khi trồng có thể ra trái tự nhiên. Tuy nhiên, tránh để cây mất sức, nông dân nên lặt bỏ trái đợt này, để cây tập trung dưỡng thân, lá. Đến khoảng 2,5-3 năm là thời điểm cây bưởi da xanh đã phát triển tốt, tán rộng, đủ sức xử lý cho cây bưởi ra hoa, đậu trái.
Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/trong-buoi-theo-huong-huu-co-a332361.html