Trong các sự cố, phản ứng của chính quyền rất chậm!
ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) nhận xét, qua một số sự cố xảy ra, đơn cử như vụ cháy Công ty Bóng đèn Rạng Đông gây nguy cơ ô nhiễm thủy ngân. Vụ nguồn nước sông Đà bị đổ dầu thải cho thấy 'phản ứng của chính quyền rất chậm'.
Chiều 30-10, các ĐBQH tiếp tục thảo luận về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019; kế hoạch năm 2020.
ĐB Nguyễn Lân Hiếu, PGS-TS-BS, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội tranh luận về ý kiến cho rằng thời gian qua chúng ta đã có nhiều giải pháp để bảo vệ môi trường. Nhưng thực tế, theo ĐB Nguyễn Lân Hiếu, trong thời gian gần đây rất nhiều vụ việc gây tàn phá môi trường đã bị dư luận lên án. Cả môi trường không khí, nguồn nước và núi rừng đều bị xâm phạm nghiêm trọng gây nên sự bất an trong người dân.
“Việt Nam đã có những tiến bộ vượt bậc trong tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo. Tuy nhiên, điều này cũng đi cùng với suy thoái môi trường, suy yếu tiềm năng phát triển bền vững kinh tế -xã hội, tác động tiêu cực đến nhóm thu nhập thấp. Tình hình ô nhiễm không khí đặc biệt là ở các thành phố lớn đã lên mức báo động đỏ”, ĐB Nguyễn Lân Hiếu nói.
Theo ĐB Nguyễn Lân Hiếu, không như chúng ta thường nghĩ, nguồn khí thải độc hại không phải chủ yếu từ các phương tiện giao thông đường bộ mà chiếm tới 75% là từ các nguồn thải khác (nguồn thải công nghiệp: công nghiệp năng lượng, công nghiệp sản xuất hóa chất, phân bón, luyện kim, xi măng, đốt rơm rạ…).
Chính vì vậy, việc can thiệp của chính sách, sự phối hợp của nhiều ban ngành, địa phương mới có khả năng khắc phục được vấn đề này. “Không thể cải tạo môi trường khí chỉ bằng những biện pháp đơn lẻ, những giải pháp che giấu kết quả quan trắc, hay xử phạt vi phạm… mà cần sự vào cuộc thực sự của các cơ quan chức năng và toàn xã hội”, ĐB Nguyễn Lân Hiếu nêu.
Theo ĐB Nguyễn Lân Hiếu, chúng ta đã có quỹ bảo vệ môi trường chống ô nhiễm khí thải (chủ yếu từ thuế xăng, dầu) nhưng hoạt động của quỹ này vẫn còn là dấu hỏi lớn cho cử tri.
“Liệu chúng ta có thể đưa ra tiêu chí rất cụ thể là cải thiện chất lượng không khí năm sau ít nhất không xấu hơn năm trước. Chỉ cần theo dõi chỉ số bụi mịn (PM 2.5) biến động theo thời gian đã là một tiêu chí rất tốt để đánh giá chất lượng không khí nói riêng và môi trường sống nói chung”, ĐB Nguyễn Lân Hiếu đặt vấn đề.
“Vấn đề nước sạch vừa qua tạo nên hình ảnh đặc biệt, Thủ đô Hà Nội như thời bao cấp - người dân đi xếp hàng lấy nước. Sự việc này làm lộ ra việc lỏng lẻo trong quản lý nguồn nước, tạo ra kẽ hở để những kẻ không có lương tâm luồn lách, thu lợi trên sức khỏe người dân”, ĐB Nguyễn Lân Hiếu nêu.
ĐB cho rằng, cần rà soát lại các văn bản pháp luật cổ phần hóa các công ty nước sạch. Cần phải rà soát để tìm những bất cập, những khuyết điểm đã bị nhân dân, dư luận phanh phui; các cách che đậy, lấp liếm tội ác đã được bộ phận những người có trách nhiệm "tặc lưỡi" cho qua.
Cũng về vấn đề này, ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) thì nhận xét, qua một số sự cố xảy ra, đơn cử như vụ cháy Công ty Bóng đèn Rạng Đông gây nguy cơ ô nhiễm thủy ngân. Vụ nguồn nước sông Đà bị đổ dầu thải cho thấy "phản ứng của chính quyền rất chậm".
"Chính quyền đô thị lúng túng, chưa thực thi tốt trách nhiệm với dân. Rất ít cảnh báo sớm cho người dân, nhất là trong trường hợp sức khỏe, sự an toàn của người dân bị đe dọa, ảnh hưởng. Chính phủ cần hết sức chú ý vấn đề này, có những chỉ đạo để cải thiện vấn đề này. Nên giảm bớt họp hành, hội thảo mít tinh để nâng cao năng lực của chính quyền địa phương", ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy nói và đề nghị xử lý nghiêm tập thể, cá nhân liên quan để "làm thay đổi tình trạng đáng buồn này".
Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/trong-cac-su-co-phan-ung-cua-chinh-quyen-rat-cham-625608.html