Trong cái khó, ló cái khôn
Trong bão dịch Covid 19, mảng thương mại điện tử của các siêu thị vốn ì ạch nay bỗng 'bứt tốc': Lượng giao dịch của Aeon Mall tăng 3 lần, Co.op Mart tăng 10 lần…
Trên website chính thức, chuỗi siêu thị thông báo miễn phí vận chuyển cho đơn hàng trị giá trên 500.000 đồng và chỉ thu phí 10.000 đồng với đơn hàng giá trị nhỏ hơn, thời gian giao hàng trong vòng 24 giờ. Năm 2018, nhóm DN siêu thị tại Việt Nam đã đầu tư ít nhất 50 triệu USD cho các kênh phân phối trực tuyến qua website hay app di động. Hiện tại, quy mô đầu tư đã tăng gấp 2 - 3 lần.
Chủ một DN tư chuyên về xuất khẩu nông thủy sản cho rằng, bí quyết để tránh được những rủi ro như dịch bệnh là đầu tư làm hàng hóa chất lượng, gắn chế biến sâu. Nhiều mặt hàng nông sản của DN này qua chế biến đang xuất chủ yếu đi EU, Nhật Bản và Mỹ… với giá cao.
Còn lãnh đạo một DN trong ngành dệt may cho hay, trong dài hạn nếu dịch bệnh kéo dài 2 - 3 tháng ngành dệt may Việt Nam dự báo ảnh hưởng do Việt Nam xuất khoảng 50 - 60% sợi và nhập số lượng lớn vải từ Trung Quốc. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, cơ hội cho DN Việt Nam là người mua hàng trước kia đặt hàng ở Trung Quốc có thể chuyển sang các nước khác nên các DN tự sản xuất được nguyên liệu đặc biệt vải sẽ được hưởng lợi.
Với ngành du lịch, cắt giảm chi phí chỉ là giải pháp tạm thời, vấn đề đặt ra là các DN cần chung tay xây dựng các gói kích cầu du lịch, đưa ra các sản phẩm phù hợp. Một công ty du lịch tại Hà Nội đã nghiên cứu và xây dựng sản phẩm tour tại các điểm đến nội địa được khuyến cáo an toàn khi chưa xuất hiện trường hợp nghi nhiễm do Covid 19.
Đó là những nơi sở hữu thời tiết khô ráo, khí hậu nóng ấm để hạn chế, giảm thiểu tối đa khả năng phát triển mầm bệnh như Tây Nguyên, Quy Nhơn, Tuy Hòa, Đà Lạt, Phú Quốc... Với các điểm đến này, DN đưa ra sản phẩm tour với mức giá siêu tiết kiệm đến 70% để khách hàng tìm được cho mình những lựa chọn thích hợp.
Trong “tâm bão” dịch bệnh, tăng cường chất lượng dịch vụ, mở rộng quy mô. Đây chính là dịp để các DN cơ cấu lại đầu ra, khả năng ứng biến, đồng thời làm mới mình với những sản phẩm có chất lượng. Các DN cần triển khai quyết liệt các giải pháp để tự cứu lấy mình trong giai đoạn hết sức khó khăn này.
Tuy nhiên, cần khẳng định tầm quan trọng của các cơ quan quản lý nhà nước, như hoãn, miễn giảm thuế, giảm lãi suất…; cần khuyến khích các DN cung ứng không tăng giá dịch vụ, giá cước vận tải, giá vật tư trong thời gian tới và cố gắng giảm giá, cước phí cho DN. Nếu không có sự hỗ trợ của Chính phủ ở tầm quốc gia và chính quyền địa phương thì rất khó thành công.
Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/so-tay-kinh-te-trong-cai-kho-lo-cai-khon-376944.html