Trồng cam sinh thái hữu cơ, 9X Hà Tĩnh xây dựng sản phẩm OCOP cấp tỉnh
Kiên trì trồng cam theo hướng sinh thái hữu cơ, trang trại Bảo Phương của anh Đoàn Ngọc Bảo (SN 1990), xã Hương Thọ là mô hình cam duy nhất của huyện Vũ Quang và của thanh niên Hà Tĩnh được chọn làm điểm cấp tỉnh tham gia đề án OCOP.
Tốt nghiệp Đại học Tây Nguyên, khước từ cơ hội gắn bó lâu dài với Sở TN&MT tỉnh Đắk Nông, Đoàn Ngọc Bảo quyết tâm trở về lập nghiệp trên mảnh đất quê hương.
Nhận thấy lợi thế đất đồi phù hợp cho việc trồng cây ăn quả, anh mạnh dạn học hỏi kinh nghiệm, quyết tâm đầu tư vào việc trồng cam.
Đoàn Ngọc Bảo chia sẻ kinh nghiệm trồng cam sạch cùng thanh niên trong xã
Đoàn Ngọc Bảo chia sẻ: “Bản thân là kỹ sư nông nghiệp, lại được tham gia các lớp tập huấn trồng cam và học hỏi từ thực tiễn nên tôi quyết định phải làm điều gì đó khác biệt cho cây cam của mình. Đó chính là trồng cam theo hướng sinh thái hữu cơ. Chỉ có như vậy mới có thể đứng vững được với nhịp sống thị trường hiện nay trước những yêu cầu về sản phẩm sạch”.
Cam được anh Đoàn Ngọc Bảo trồng theo hướng sinh thái hữu cơ
Theo hướng đó, anh Bảo tập trung trồng cam theo hướng thuận tự nhiên, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; hạn chế tối đa việc sử dụng phân bón hóa học, chỉ sử dụng phân bón vi sinh hữu cơ, phân chuồng hoai mục ủ men vi sinh.
Để chống côn trùng gây hại, anh Bảo lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng ở trang trại cam
Để phòng trừ sâu bệnh, anh còn tìm tòi chế ra dung dịch đảm bảo an toàn thay vì dùng thuốc hóa học. Dung dịch được dùng gồm ớt cay, gừng, rượu, tỏi, quả bồ hòn ngâm trong vòng 1 tháng.
“Tôi chú trọng phun phòng bệnh với nguyên tắc, đúng lúc, đúng thời điểm chứ không phải phun chống” - anh Bảo nói thêm.
Dung dịch được anh Bảo tự chế phun phòng trừ sâu bệnh
Ngoài ra, anh còn trồng thêm các loại cây chống thiên địch ở các góc vườn như cây sả, chanh. Bao quanh trang trại cam trồng các loại cây đa tán như khế ngọt, cau, chuối, mít, ổi... để tạo thành hàng rào bảo vệ.
Với cách làm này, các loại thiên địch sẽ tập trung ở các cây hàng rào, từ đó người trồng có hướng xử lý dễ dàng hơn, không gây hại cho cam. Bên cạnh đó, anh còn dùng bao bọc quả, sử dụng hệ thống đèn led để chống côn trùng gây hại.
Cỏ được trồng tạo sinh khối che phủ cho cam
Không lựa chọn cách xủi sạch cỏ, anh Bảo lại chọn cách trồng cỏ dưới các gốc cam để tạo độ ẩm, hạn chế xói mòn. Cỏ tốt lên thì được cắt phủ gốc cam tạo sinh khối che phủ.
Trang trại cam của anh Bảo rộng gần 6ha.
Cùng với việc tập trung sản xuất, anh còn chú trọng xây dựng bộ nhận diện thương hiệu riêng cho sản phẩm cam của mình; tận dụng lợi thế mạng xã hội để quảng bá thương hiệu cam.
Không những thế, mỗi năm anh Bảo còn cần mẫn thực hiện chiết, ghép cam để bán cây giống. Mỗi năm số lượng gốc cam giống được anh Bảo bán đi lên đến hàng nghìn gốc.
Anh Bảo cần mẫn chiết ghép cam
Với cách làm như vậy, hiện anh Bảo đang là chủ trang trại Bảo Phương sở hữu gần 6ha cam, trong đó 3ha đã cho thu hoạch, 3ha trồng mới. Năm 2019 này, vườn cam của anh dự kiến cho thu hoạch khoảng 5 tấn cam sạch, giải quyết việc làm cho 10 lao động thời vụ và 4 lao động thường xuyên.
Hiện nay, cam của trang trại Bảo Phương đang trong quy trình hoàn thiện bộ truy xuất nguồn gốc. Đặc biệt, đây cũng là sản phẩm duy nhất của cam Vũ Quang, cũng là mô hình duy nhất của thanh niên Hà Tĩnh được lựa chọn là 1 trong 10 sản phẩm điểm của tỉnh tham gia đề án OCOP.
Cam của của trang trại Bảo Phương đã xây dựng bộ nhận diện thương hiệu...
Đoàn Ngọc Bảo chia sẻ: “Được chọn là sản phẩm điểm của đề án OCOP là niềm vinh dự nhưng cũng là trọng trách nặng nề, đòi hỏi tôi phải nỗ lực hơn nữa trong nâng cao năng suất, chất lượng quả cam cũng như quảng bá thương hiệu sản phẩm cam Vũ Quang.
Đây sẽ là động lực để tôi cũng như những thanh niên huyện nhà tiếp thêm động lực, niềm tin phát triển cây cam trên mảnh đất quê hương”.
...và tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm ở nhiều chương trình, hội chợ.
“Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục phát triển thêm mô hình nông trại trải nghiệm ăn nghỉ dưới gốc cam để thu hút du khách” - anh Bảo nói thêm.
Bí thư Đoàn xã Hương Thọ Trần Văn Mừng cho biết: “Anh Đoàn Ngọc Bảo là một thanh niên siêng năng, chịu khó, đặc biệt là đã mạnh dạn đi đầu trong phát triển mô hình trồng cam theo hướng hữu cơ. Anh luôn tích cực nghiên cứu, tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình trồng cam tiên tiến khác ở trong và ngoài tỉnh để về áp dụng cho mô hình của mình và còn nhiệt tình trao truyền kinh nghiệm cho các thanh niên khác trong xã. Đây là mô hình mẫu để các thanh niên trên địa bàn học hỏi và phát triển cây cam theo xu hướng hữu cơ”.