Trồng cây cần sa là vi phạm pháp luật

Việc trồng cây cần sa (một loại cây có chứa chất ma túy) trái phép sử dụng vào bất cứ mục đích nào, biện hộ với bất kỳ lý do nào đều bị pháp luật ngăn cấm. Bên cạnh đó, pháp luật còn quy định hình thức xử phạt vi phạm hành chính hoặc hình sự đối với việc trồng cây này với số lượng lớn, kinh doanh, chiết xuất chất gây nghiện…

Lực lượng chức năng nhổ bỏ cây cần sa trong vườn nhà ông V.N.K. (ngụ xã Bàu Hàm 2, H.Thống Nhất). Ảnh: Công an cung cấp

Lực lượng chức năng nhổ bỏ cây cần sa trong vườn nhà ông V.N.K. (ngụ xã Bàu Hàm 2, H.Thống Nhất). Ảnh: Công an cung cấp

Luật Phòng, chống ma túy năm 2013 quy định, cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức có trách nhiệm phát hiện, báo cáo kịp thời cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền việc trồng cây có chứa chất ma túy; tham gia triệt phá cây có chứa chất ma túy do chính quyền địa phương tổ chức.

* Tập quán lạc hậu cần loại bỏ

Việc trồng cây cần sa dùng làm thuốc chữa bệnh cho gia súc, gia cầm được xem là tập quán sản xuất, canh tác lạc hậu của một bộ phận nông dân tại những vùng sâu, xa, vùng kinh tế - xã hội khó khăn, miền núi… Hiện tại, tập quán này đã dần được xóa bỏ khi trình độ canh tác, sản xuất của nông dân ngày càng được ứng dụng khoa học, kỹ thuật tiên tiến. Đồng thời, ý thức của người dân được nâng cao khi chính sách tuyên truyền, giáo dục của chính quyền, cấp ngành về xóa bỏ tập quán lạc hậu này sâu rộng, cụ thể tới từng hộ dân, khu dân cư, vườn rẫy.

Nông dân S.A.N. (ngụ xã Phú Lợi, H.Định Quán) kể lại, hơn 14 năm về trước ông cũng “lén lút” trồng vài cây cần sa trong vườn rẫy gia đình để phòng các bệnh cúm cho gia cầm những lúc thời tiết chuyển mùa. Sau đó, được cán bộ, chính quyền ấp, xã, người có uy tín tiếp cận tuyên truyền, giáo dục, phân tích đúng sai và ông ý thức được việc làm sai trái trên nên dứt khoát không trồng nữa.

Tập quán trên đã được nhiều nông dân loại bỏ, vậy mà, ngày 7 -12, lực lượng chức năng lại phát hiện ông V.N.K. (ngụ xã Bàu Hàm 2, H.Thống Nhất) trồng một cây cần sa cao hơn 3m ở trong vườn nhà. Ông K. khai không biết đó là cây cần sa và chỉ biết đó là cây thuốc “lạ” dùng làm thuốc chữa bệnh cho gia súc, gia cầm.

Hiện tượng tái diễn trồng cây cần sa trong dân như trên, tuy chỉ là cá biệt đối với tỉnh Đồng Nai nhưng cũng là điều cần phải cảnh báo. Vì địa phương giáp ranh với tỉnh Đồng Nai là tỉnh Lâm Đồng, tình hình trồng và tái trồng cây cần sa trên địa bàn diễn biến phức tạp, có nguy cơ bùng phát ở một số địa phương trong tỉnh. Theo Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng, từ đầu năm 2020 đến nay, các cơ quan chức năng đã phát hiện, xử lý nhiều vụ với 322 cây cần sa được người dân ở các huyện: Lâm Hà, Di Linh, Đơn Dương và TP.Đà Lạt trồng sử dụng dưới nhiều mục đích khác nhau nhưng phần lớn khai báo trồng để phục vụ chăn nuôi gia súc.

* Xử phạt nghiêm đối với hành vi trồng cần sa

Luật sư Nguyễn Đức, Hội Luật gia tỉnh cho biết, việc trồng cây có chứa chất ma túy bị pháp luật nghiêm cấm. Cây có chứa chất ma túy bao gồm: cây thuốc phiện (cây anh túc), cây cô ca, cây cần sa hoặc cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định.

Tại Điều 21, Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày
12-11-2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình quy định, hành vi trồng các loại cây thuốc phiện, cây cần sa và các loại cây khác có chứa chất ma túy bị phạt tiền từ 2-5 triệu đồng. Ngoài ra, người vi phạm còn bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

Bên cạnh đó, tại Điều 247, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định, người nào trồng cây thuốc phiện, cây cô ca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm: đã được giáo dục 2 lần và đã được tạo điều kiện ổn định cuộc sống; đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; với số lượng từ 500 cây đến dưới 3 ngàn cây. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 3-7 năm: có tổ chức; với số lượng 3 ngàn cây trở lên; tái phạm nguy hiểm.

Luật sư Vũ Văn Tăng, Đoàn Luật sư tỉnh cho biết, Khoản 1, Điều 249, Bộ luật Hình sự năm 2015 (tội tàng trữ trái phép chất ma túy) quy định, người nào tàng trữ trái phép chất ma túy mà không nhằm mục đích mua bán, vận chuyển, sản xuất trái phép chất ma túy thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 1-5 năm: lá cây cô ca; lá khác (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng từ 1kg đến dưới 10kg… Như vậy, tùy theo mức độ, hành vi vi phạm mà người tàng trữ cây cần sa để dùng vào mục đích chăn nuôi sẽ bị xử phạt hành chính, hình sự.

Đoàn Phú

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/phapluat/202012/trong-cay-can-sa-la-vi-pham-phap-luat-3034829/