Trồng cây là trách nhiệm của toàn xã hội

Nhân dịp 'Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ' xuân Nhâm Dần, phóng viên Báo Ninh Bình có cuộc phỏng vấn đồng chí Nguyễn Văn Dương, chi cục Trưởng Chi cục Kiểm Lâm tỉnh về ý nghĩa truyền thống, nét đẹp văn hóa cũng như việc duy trì hoạt động này trên địa bàn tỉnh.

Lễ phát động "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ" tại huyện Hoa Lư. Ảnh: Minh Đường

Lễ phát động "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ" tại huyện Hoa Lư. Ảnh: Minh Đường

Phóng viên: Cứ mỗi độ Xuân về các địa phương lại ra quân tổ chức "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ". Xin đồng chí cho biết ý nghĩa của hoạt động này?

Đ/c Nguyễn Văn Dương: "Tết trồng cây" do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng năm 1959 là một hoạt động có ý nghĩa nhân văn, chính trị sâu sắc, thiết thực và hiệu quả trên mọi mặt. Đến nay, đã trải qua 63 năm, lời kêu gọi "Tết trồng cây" của Bác đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của nhân dân cả nước và trở thành phong trào sâu rộng, một nét đẹp văn hóa truyền thống Việt Nam. Việc tổ chức "Tết trồng cây" không chỉ duy trì nét đẹp văn hóa dân tộc mà còn góp phần giáo dục các thế hệ trẻ, nâng cao trách nhiệm cá nhân với cộng đồng trong bảo vệ môi trường sinh thái và bảo vệ chính cuộc sống của chúng ta.

Phóng viên: Thực hiện Tết trồng cây do Bác Hồ khởi xướng, trong những năm qua, Ninh Bình đạt được những kết quả nổi bật gì thưa đồng chí?

Đ/c Nguyễn Văn Dương: Trong những năm qua, các địa phương trong tỉnh luôn hưởng ứng và long trọng tổ chức Tết trồng cây đầu Xuân, đồng thời thực hiện tốt công tác trồng rừng, khoanh nuôi bảo vệ rừng. Việc trồng cây không còn theo phong trào mà dần đi vào thực chất, trồng đi đôi với chăm sóc, bảo vệ, quản lý, giám sát để bảo đảm cây trồng, rừng trồng sinh trưởng và phát triển tốt.

Đặc biệt, bắt đầu từ năm 2021, hoạt động trồng cây đầu Xuân càng thiết thực hơn khi Ninh Bình cùng với cả nước hướng đến mục tiêu trồng một tỷ cây xanh trong giai đoạn 2021-2025 theo Đề án của Chính phủ. Chúng ta đã huy động mọi nguồn lực, nhất là nguồn xã hội hóa để hoàn thành kế hoạch theo phân bổ. Trong 3 năm từ 2019 đến 2021, toàn tỉnh đã trồng được gần 2 triệu cây xanh phân tán các loại và 172,5 ha rừng.

Riêng năm 2021, các địa phương đã trồng được tổng cộng 882,759 nghìn cây (vượt 118% kế hoạch). Trong đó, nổi bật là huyện Nho Quan trồng trên 266 nghìn cây (đạt 126,7% kế hoạch), huyện Kim Sơn trồng gần 181 nghìn cây (đạt 180,9% kế hoạch).

Các hoạt động trồng cây, trồng rừng góp phần tạo thêm cảnh quan, bóng mát, nâng cao tỷ lệ cây xanh trên đầu người. Tỷ lệ che phủ rừng của Ninh Bình đã tăng từ 19,3% (năm 2019) lên 19,65% (năm 2021).

Phóng viên: Năm nay, Ninh Bình chọn Cồn Nổi (Kim Sơn) để phát động Tết trồng cây. Phải chăng trồng rừng ngập mặn là vấn đề cần quan tâm nhiều hơn trong thời gian tới?

Đ/c Nguyễn Văn Dương: Trong những năm gần đây, công tác bảo vệ và phát triển rừng được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT đặc biệt quan tâm, chỉ đạo sát sao, đặc biệt đối với nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ ven biển. Đứng trước các thách thức của biến đổi khí hậu, nước biển dâng nhiệm vụ phát triển bền vững rừng phòng hộ ven biển ngày càng mang tính cấp thiết.

Để góp phần bảo vệ những vùng sản xuất phía trong đê Bình Minh 3, các tuyến đê được xây dựng, cố định các cồn cát, từng bước mở rộng diện tích vùng ven biển thì việc phát triển rừng phòng hộ vùng ven biển cần được quan tâm hơn nữa để có định hướng rõ nét phạm vi phát triển rừng, quỹ đất dành cho trồng rừng, xây dựng các vành đai xanh hợp lý, bền vững cho các mục tiêu cần bảo vệ và phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của khu vực và ứng phó với biến đổi khí hậu..

Phóng viên: Vai trò của cây xanh, của rừng đối với việc bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu ngày càng được thể hiện rõ nét và giữ vị trí rất quan trọng. Vậy để hoàn thành mục tiêu đến hết năm 2025 toàn tỉnh trồng được 5,5 triệu cây xanh phân tán các loại chúng ta sẽ phải tập trung vào các nội dung gì?

Đ/c Nguyễn Văn Dương: Hướng đến mục tiêu trồng một tỷ cây xanh theo Đề án của Chính phủ, Ninh Bình cũng lên kế hoạch trồng 5,5 triệu cây xanh trong giai đoạn 2021-2025. Con số đề ra là không nhỏ, nên cần sự chung tay của các cơ quan, đơn vị, địa phương và cả cộng đồng xã hội. Phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp và nhân dân toàn tỉnh đối với công tác trồng cây, trồng rừng để mọi người nhận thấy rằng đây không chỉ là nghĩa vụ, trách nhiệm công dân mà là niềm vui, niềm vinh hạnh.

Về phía cơ quan chuyên môn, chúng tôi sẽ cập nhật thường xuyên các loại cây trồng có giá trị kinh tế, các cây đa tác dụng để khuyến cáo người dân đưa vào sản xuất lâm nghiệp, xây dựng các chuỗi liên kết góp phần ổn định và nâng cao giá trị sản phẩm lĩnh vực lâm nghiệp. Tuy nhiên, các địa phương cũng cần rà soát hiện trạng quỹ đất lâm nghiệp trên địa bàn, trên cơ sở chỉ tiêu kế hoạch về trồng cây, trồng rừng đã được giao, phân bổ chỉ tiêu cho các xã, phường, thị trấn.

Cùng với đó, yêu cầu các cơ sở sản xuất kinh doanh giống có kế hoạch sản xuất bảo đảm đủ về số lượng, đáp ứng yêu cầu về chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp, tranh thủ thời vụ và thời tiết thuận lợi để trồng cây, trồng rừng. Đồng thời, giao trách nhiệm cụ thể cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân quản lý, chăm sóc, bảo vệ cây phân tán và cây rừng sau trồng để đạt tỷ lệ cây sống cao, cây sinh trưởng, phát triển tốt.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện chỉ tiêu kế hoạch của các đơn vị; xử lý nghiêm các cơ sở cung ứng dịch vụ giống lâm nghiệp vi phạm các quy định của pháp luật về giống cây trồng lâm nghiệp.

Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!

Nguyễn Lựu (thực hiện)

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/trong-cay-la-trach-nhiem-cua-toan-xa-hoi/d202202110852438.htm