Trống, chiêng trong đời sống văn hóa của đồng bào các dân tộc
Trống, chiêng là bộ nhạc cụ có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống thường ngày và văn hóa tín ngưỡng truyền đời của đa phần đồng bào các dân tộc ở Sơn La. Nhạc cụ này gắn liền với mọi nghi lễ truyền thống, được coi là linh hồn trong văn hóa tinh thần.
Hầu hết đồng bào các dân tộc của Sơn La đều sử dụng trống hoặc cả trống và chiêng trong các nghi lễ truyền thống. Tùy theo từng nghi lễ mà tiếng trống, chiêng mang những ý nghĩa khác nhau. Với đồng bào Thái, trống và chiêng không thể thiếu trong các cuộc vui, lễ hội của bản làng. Hình ảnh bộ trống, chiêng được đặt tại sân nhà văn hóa với hai người chủ trì đánh trống, chiêng, động tác nhịp nhàng đã trở nên quen thuộc trong mỗi dịp lễ hội, tề tựu đông đủ bà con lối xóm chung vui trong dịp đặc biệt. Tiếng trống, chiêng làm nền cho điệu xòe đêm hội, gắn kết mọi người không phân biệt gái trai, già trẻ hay dân tộc.
Nghệ nhân nhân dân Điêu Văn Minh, xã Mường Giàng, huyện Quỳnh Nhai, chia sẻ: Với đồng bào Thái, trống và chiêng được sử dụng để tạo âm thanh, giữ nhịp điệu cho điệu múa xòe ngày hội hoặc cũng được dùng trong tang ma. Tùy theo nghi lễ sử dụng mà nhịp điệu trống, chiêng có sự khác nhau, chỉ cần nghe nhịp trống là biết có chuyện vui hay buồn. Kỹ thuật chế tác trống, đúc chiêng rất khó, đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo của đôi bàn tay, biết tính toán về kích thước và có khả năng thẩm âm tốt. Riêng với trống, tùy theo mục đích sử dụng trong gia đình, dòng họ hay làng bản cần kích thước lớn nhỏ khác nhau, căng bằng da bò là chủ yếu. Để có một chiếc trống âm thanh chuẩn, vang vọng núi rừng thì đường kính mặt trống phải đạt kích thước khoảng 6 nắm tay, tương đương từ 50-60 cm, chiều cao của trống bằng 10-12 nắm tay, tương đương 0,8-1 mét.
Còn với đồng bào dân tộc Dao, tiếng trống, tiếng chiêng gắn liền với những nghi lễ vòng đời từ lúc một người sinh ra, lớn lên, công nhận trưởng thành cho đến khi khuất núi. Trống của dân tộc Dao có chung một thiết kế và kích thước giống nhau, mặt trống có đường kính khoảng 40cm, cao 30-35cm, tang trống bằng nhiều miếng gỗ ghép lại với nhau, mặt trống phải căng bằng da trâu đã qua xử lý. Tiếng trống nghe giòn, vang và độ vọng không xa. Còn chiêng thường nhỏ, không có núm, đường kính chỉ khoảng 20cm, tiếng chiêng nghe trong trẻo, dễ bắt nhịp và hòa cùng vào tiếng trống.
Ông Bàn Văn Lồi ở bản Phiêng Đón, xã Tân Lập, Mộc Châu, là người am hiểu sâu sắc về văn hóa, tín ngưỡng dân tộc Dao, biết chữ Nôm Dao; ông chuyên thực hiện hát cúng các nghi lễ truyền thống của dân tộc. Ông Lồi chia sẻ: Cả trống và chiêng đều được dùng trong mọi nghi lễ của dân tộc Dao, từ lễ cấp sắc công nhận người con trai trưởng thành, dùng làm nhạc đệm múa chuông ngày hội, ngày tết cho đến lễ cúng tang ma. Tiếng trống, chiêng, kết hợp thanh ban, tiếng chuông lắc bằng tay, tù và tạo nên âm thanh tổng hợp đặc biệt, rộn ràng, vang vọng như thúc dục lòng người hướng về nguồn cội.
Còn với dân tộc La Ha, Khơ Mú, Mường... trống và chiêng cũng là nhạc cụ không thể thiếu trong đời sống tinh thần của đồng bào, xuất hiện trong ngày hội vui và các nghi lễ mang đậm phong tục tập quán truyền đời. Đặc biệt là những ngày hội lớn, tiếng trống “tùng, tùng…” vang vọng theo nhịp dẫn dắt bước chân người bước vào vòng xòe. Người người nắm tay hòa mình vào vòng xòe, nghe nhịp trống để bước chân một cách tự nhiên để cả vòng xòe cứ thế nới rộng và nhịp nhàng, uyển chuyển theo tiếng trống chiêng 2/4, 4/4 đều tăm tắp, nối dài không dứt suốt những đêm hội.
Đồng bào các dân tộc ở Sơn La có nhiều loại nhạc cụ, mỗi nhạc cụ mang những ý nghĩa riêng, giúp truyền tải những tâm tư, tình cảm, khát vọng và lời muốn nói từ trong tâm khảm. Nhưng trống và chiêng vẫn luôn là bộ nhạc cụ giữ hồn cho âm nhạc dân gian, giữ nhịp cho những điệu dân vũ truyền thống và chứa đựng trong đó cả câu chuyện về văn hóa ngàn đời của đồng bào trong kỹ thuật chế tác, quy tắc sử dụng và cách gìn giữ đầy trách nhiệm của các thế hệ nối tiếp nhau, để tiếng trống, tiếng chiêng vang vọng mãi trong văn hóa tinh thần của đồng bào các dân tộc Sơn La.