Trông chờ gì ở chứng khoán tuần tới?
Bước vào tuần giao dịch cuối cùng của tháng 6, khép lại nửa đầu năm, khả năng VN-Index trở lại vùng đỉnh cũ 1.300 điểm vẫn bỏ ngỏ. Sự quan tâm của giới phân tích, đầu tư tập trung vào số liệu kinh tế GDP, kết quả kinh doanh quý II sắp công bố.
Chứng khoán trong nước vừa trải qua tuần giao dịch giằng co chủ yếu trong biên độ hẹp. VN-Index kết tuần tại 1.282 điểm, tăng nhẹ hơn 2 điểm (0,16%). Trong tuần, VN-Index nhiều lần kiểm định lại mốc hỗ trợ mạnh quanh vùng 1.270 điểm và sau đó đều phục hồi lên lại vùng quanh 1.280 điểm.
Tuần giao dịch ghi nhận nhiều thông tin đáng chú ý, có tác động đến tâm lý nhà đầu tư. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước công bố số liệu tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 14/6 là 3,79% và cho biết sẽ điều chuyển hạn mức tín dụng sang ngân hàng khác với các ngân hàng không cho vay được. Thủ tướng cũng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước làm việc ngay với các tổ chức tín dụng để hạ lãi suất cho vay và điều hành cung tiền phù hợp.
Cổ phiếu thép bứt phá trước việc Bộ Công Thương ban hành quyết định điều tra biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép mạ có xuất xứ từ Trung Quốc và Hàn Quốc.
Điểm trừ là khối ngoại tiếp tục duy trì bán ròng 4.963 tỷ đồng trên HoSE, trong đó tập trung tại FPT (1.127 tỷ), HPG (399,3 tỷ), VND (378,4 tỷ) và VHM (353,9 tỷ), VRE (341,6 tỷ)…
Thanh khoản sụt giảm trong bối cảnh tuần qua có phiên đáo hạn phái sinh và tái cơ cấu danh mục của các quỹ ETF. Chuyên gia từ Chứng khoán TPS nhận định, việc thanh khoản giảm thể hiện tâm lý giằng co, lưỡng lự của cả phe mua và bán. Với diễn biến ấy, TPS cho rằng dữ liệu thị trường hiện chưa đủ để đánh giá VN-Index thời gian tới đi theo kịch bản nào. Giới phân tích cần thêm thời gian quan sát.
Tuy nhiên, xét trong khung thời gian ngắn hơn là khung ngày, 4 phiên liên tiếp, VN-Index đã tạo nền được ở vùng giá 1.270 - 1.280 điểm. Đây là vùng giá mà TPS kỳ vọng thị trường sẽ tích lũy trong tuần giao dịch kế tiếp. Kịch bản xấu chỉ xuất hiện khi VN-Index không giữ được nền giá 1.270 điểm. Nhà đầu tư vẫn nên quan sát và chỉ giao dịch với tỷ trọng nhỏ và vừa.
Trong xu hướng ngắn hạn, nhóm phân tích của Chứng khoán SHS dự báo, VN-Index duy trì tích lũy trong vùng 1.250 - 1.300 điểm, với điểm cân bằng là vùng giá quanh 1.280 điểm. Với diễn biến hiện tại, VN-Index đang kỳ vọng vượt lên vùng giá 1.285 điểm, vùng cao nhất tháng 5/2024, hướng trở lại vùng kháng cự 1.295 điểm. Trường hợp kém tích cực VN-Index sẽ quay trở lại giao dịch trong vùng 1.250 - 1.280 điểm
Xu hướng ngắn, trung hạn hiện nay cần chờ thêm các đánh giá, cập nhật mới về kết quả kinh doanh quý II, cũng như tăng trưởng GDP quý II.
Bước vào tuần giao dịch cuối cùng của tháng 6, thị trường được cho rằng không có quá nhiều thông tin hỗ trợ. Kỳ vọng sắp tới đổ dồn sự tập trung vào kết quả kinh doanh quý II. Khối chiến lược thị trường của Chứng khoán VietinBank nhận định, nhà đầu tư có thể chia kỳ vọng về kết quả kinh doanh quý II sắp tới của các doanh nghiệp niêm yết thành hai nhóm. Nhóm một bao gồm các ngành có mức nền so sánh thấp trong năm 2023 (như nhóm bán lẻ, ôtô, bất động sản, xây dựng, thép, dệt may, thủy sản…).
Với nhóm này, kết quả kinh doanh quý II năm nay chắc chắn sẽ ghi nhận mức tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ. Tuy vậy, nhà đầu tư cần theo dõi chất lượng lợi nhuận từ các số liệu trong báo cáo tài chính để đánh giá khả năng phục hồi trong các khung thời gian dài hơn.
Nhóm hai sẽ bao gồm các nhóm ngành đã phát đi các tín hiệu phục hồi sớm hơn (như nhóm ngân hàng, chứng khoán, dầu khí…). Đối với nhóm này, nhà đầu tư cần đánh giá triển vọng dài hạn của nhóm các doanh nghiệp và theo dõi mức định giá P/E để xem các yếu tố này đã được phản ánh đầy đủ vào giá cổ phiếu hay chưa để có hành động phù hợp khi số liệu này được công bố.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/trong-cho-gi-o-chung-khoan-tuan-toi-post1648704.tpo