Trong có ấm ngoài mới êm

Trong một thông báo bất ngờ Trung Quốc cho biết, các phe phái ở Palestine, bao gồm hai phe đối địch là Fatah và Hamas, đã đạt được 'Tuyên bố Bắc Kinh' vào sáng 23.7, nhất trí xây dựng một chính phủ đoàn kết của người Palestine. Các chuyên gia cho rằng, nỗ lực ổn định tình hình nội bộ giữa các phe phái Palestine là yếu tố then chốt và mang tính quyết định để từ đó có thể thiết lập một chính phủ thống nhất và chính danh trong đàm phán hòa bình với Israel.

14 phe phái hướng tới một Chính phủ đoàn kết

Theo tin từ Đài Truyền hình Trung Quốc CCTV ngày 23.7, đây là kết quả tích cực của cuộc đối thoại hòa giải giữa 14 phe phái Palestine được tổ chức tại Trung Quốc từ ngày 21 - 23.7, trong đó có Fatah, phong trào chính trị nòng cốt của Chính quyền Palestine hiện nay, phong trào Hồi giáo Hamas và các phong trào Hồi giáo khác.

Trong tuyên bố đưa ra khi bế mạc cuộc đối thoại, đại diện các phe phái Palestine đã nhất trí thành lập một Chính phủ đoàn kết dân tộc lâm thời và thống nhất các thể chế ở Bờ Tây và Dải Gaza, khởi động công cuộc tái thiết Dải Gaza và chuẩn bị tổ chức tổng tuyển cử trong thời gian sớm nhất có thể. Các phe phái “cam kết thành lập một nhà nước Palestine độc lập với thủ đô là Jerusalem” và “bảo đảm sự hồi hương" của người tị nạn Palestine theo Nghị quyết 194 của Liên Hợp Quốc ban hành năm 1948.

Đặc phái viên Fatah Mahmoud al-Aloul, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và quan chức cấp cao Hamas Mussa Abu Marzuk tại Bắc Kinh ngày 23.7. Ảnh: AFP

Đặc phái viên Fatah Mahmoud al-Aloul, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và quan chức cấp cao Hamas Mussa Abu Marzuk tại Bắc Kinh ngày 23.7. Ảnh: AFP

Một trong những điểm quan trọng nhất của Tuyên bố đó là việc các bên cam kết đạt được "sự thống nhất toàn diện của quốc gia" dưới sự bảo trợ của Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO). Điều đó có nghĩa là các phong trào Hồi giáo khác cũng chấp nhận coi PLO là đại diện hợp pháp của mình.

“Thỏa thuận trên dành riêng cho sự hòa giải và đoàn kết tuyệt vời của tất cả 14 phe phái. Kết quả quan trọng nhất là Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) được công nhận là đại diện hợp pháp duy nhất của tất cả người dân Palestine", Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị lưu ý; ông đồng thời cho biết thêm: "Các bên đã đi tới một thỏa thuận về quản trị Gaza hậu xung đột và thành lập một chính phủ hòa giải dân tộc tạm thời".

Tuyên bố Bắc Kinh được coi là một thỏa thuận mang tính bước ngoặt nếu đặt trong bối cảnh căng thẳng và mâu thuẫn dai dẳng giữa hai phong trào chủ chốt của Palestine là Fatah và Hamas.

Fatah là lực lượng chính trị nòng cốt của PLO cũng như Chính quyền Palestine, do Tổng thống Palestine Mahmud Abbas lãnh đạo. Chính quyền này được thành lập sau khi Hiệp định Oslo được ký kết vào năm 1993 và được coi là đại diện hợp pháp của Palestine trên trường quốc tế. Trong khi đó, Hamas là tổ chức Hồi giáo vũ trang không được Israel và nhiều nước công nhận. Fatah từng kiểm soát cả Bờ Tây và Dải Gaza, nhưng vào năm 2006, Hamas giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội và nắm quyền kiểm soát Dải Gaza từ năm 2007. Kể từ đó, Hamas quản lý Gaza trong khi Fatah nắm quyền ở Bờ Tây.

Trong nhiều năm qua, hai bên đã nhiều lần nỗ lực đi tới một thỏa thuận thống nhất hai vùng lãnh thổ riêng biệt của Palestine dưới một cơ cấu quản lý chung nhưng đều thất bại. Tình trạng chia rẽ này cũng ngăn cản Palestine có thể có một cơ chế chính trị thống nhất nhằm tìm kiếm một thỏa thuận hòa bình với Israel.

“Thúc đẩy hòa giải trong nội bộ Palestine là một trong những yếu tố chính để giải quyết cuộc khủng hoảng Israel - Palestine, ông Zhu Yongbiao, Giám đốc điều hành Trung tâm nghiên cứu Vành đai và Con đường tại Đại học Lan Châu, phát biểu với tờ Global Times. "Việc thúc đẩy các cuộc đàm phán giữa hai bên có tầm quan trọng chiến lược ngay cả khi Israel rút khỏi Gaza. Vấn đề vẫn không thể được giải quyết cơ bản nếu không giải quyết được các rạn nứt nội bộ của Palestine", ông Zhu cho biết.

Những vấn đề còn băn khoăn

Là hai phong trào có vai trò chủ đạo ở Palestine, nhưng Hamas và Fatah lại theo đuổi lập trường khác nhau trong vấn đề Israel cho dù đều nhắm tới đích thành lập một nhà nước Palestine theo đường biên giới năm 1967. Trong khi Hamas chủ trương đối đầu với Israel bằng vũ lực và không công nhận Israel, không đàm phán với Nhà nước Do Thái thì Fatah theo đuổi con đường đàm phán hòa bình. Lực lượng Hamas đi theo hệ tư tưởng Hồi giáo trong khi Fatah theo thế tục. Hệ lụy của thực trạng chia rẽ này đó là các cuộc xung đột không thể ngăn chặn xảy ra thường xuyên giữa Hamas và Israel với quy mô và mức độ khác nhau.

Cho đến nay, vấn đề nan giải nhất của tiến trình hòa giải đoàn kết dân tộc ở Palestine nằm ở chỗ: cộng đồng quốc tế, trong đó đặc biệt là Israel chỉ công nhận một Chính quyền Palestine không có Hamas. Mỹ cũng tuyên bố sẽ chỉ công nhận một Chính phủ đoàn kết Palestine nếu Hamas công nhận Nhà nước Do Thái.

Trong khi đó, tuyên bố của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị chưa nói rõ Hamas, vốn không phải là một phần của PLO, sẽ giữ vai trò như thế nào hoặc ảnh hưởng tức thời của thỏa thuận sẽ ra sao. Tuyên bố Bắc Kinh cũng không bao gồm những lập trường chính trị của các phong trào Hồi giáo đối với Israel, trong khi đây vốn là yếu tố then chốt quyết định tính chính danh của Chính phủ đoàn kết.

Trong một thông tin gây lo ngại, nhóm chiến binh Hồi giáo Jihad, một nhóm chiến binh nhỏ là đồng minh với Hamas, đã đưa ra tuyên bố hôm 23.7 sau các cuộc đàm phán rằng họ vẫn "phản đối bất kỳ công thức chính quyền nào bao gồm việc công nhận Israel một cách rõ ràng hoặc ngầm định" và rằng họ đã "yêu cầu Tổ chức Giải phóng Palestine rút lại sự công nhận Israel".

Sứ mệnh của Bắc Kinh

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, Tuyên bố Bắc Kinh vừa đạt được sẽ đặt nền móng cho những thảo luận chi tiết hơn về một Chính phủ đoàn kết dân tộc trong tương lai; đồng thời lưu ý, Trung Quốc, vốn có mối quan hệ tốt đẹp với PLO trong khi không có thù địch với các cánh vũ trang ở Palestine, có thể tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong tiến trình này. Mối quan hệ của Trung Quốc với người Palestine bắt đầu từ những năm 1960 khi Bắc Kinh cung cấp lương thực, vũ khí, đào tạo và hỗ trợ cho PLO; trong khi Bắc Kinh cũng chưa có tuyên bố thù địch nào với Hamas hay các phong trào vũ trang khác ở Palestine.

Sự thành công Tuyên bố Bắc Kinh chính là minh chứng cho uy tín của Trung Quốc. Bởi trong nhiều năm qua, rất nhiều vòng đàm phán tương tự đã được tổ chức với vai trò trung gian của các nước Arập, Thổ Nhĩ Kỳ, Algeria và Ai Cập, nhưng không có vòng nào mang lại bước đột phá trong tiến trình hòa giải của người Palestine.

Phát biểu về kết quả của tiến trình đối thoại, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cũng khẳng định, Bắc Kinh sẵn sàng đóng vai trò tích cực hơn. "Hòa giải là vấn đề nội bộ của các phe phái Palestine, nhưng đồng thời không thể đạt được nếu không có sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế".

Bình luận về sự kiện này, một số báo ở Trung Đông cho biết vai trò của Trung Quốc đối với hai phe phái xung đột tham dự các cuộc đàm phán tại Bắc Kinh "làm nổi bật sự tự tin và sức mạnh của Trung Quốc", bài bình luận nêu rõ. "Động thái ngoại giao này của Trung Quốc chứng tỏ trách nhiệm của nước này với tư cách là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc".

Trung Quốc, trong nỗ lực củng cố vị thế quốc gia như một thế lực toàn cầu, đã thúc đẩy những sứ mệnh ngoại giao ở các cuộc xung đột quốc tế và khu vực, đặc biệt đáng chú ý ở Trung Đông. Năm 2023, Bắc Kinh trở thành cầu nối thành công cho Ảrập Xêút và Iran. Sau hơn 4 thập kỷ đối đầu do những chia rẽ sâu sắc về chính trị, tôn giáo, hai nước đạt được thỏa thuận nối lại quan hệ ngoại giao. Theo giới quan sát, sự kiện mang tính bước ngoặt này một lần nữa nhấn mạnh vai trò cũng như tầm ảnh hưởng của Trung Quốc ở Trung Đông.

Đối với cuộc xung đột Israel - Palestine, Trung Quốc cũng từng đề xuất Kế hoạch hòa bình vào tháng 11 năm ngoái, nhấn mạnh lập trường nhất quán của Bắc Kinh đối với hòa bình Trung Đông, đó là sự ủng hộ hai bên hướng tới mục tiêu thành lập hai quốc gia độc lập như một giải pháp cho cuộc xung đột kéo dài dai dẳng.

Tuy nhiên, các chuyên gia nhấn mạnh thêm rằng vai trò đơn lẻ của Trung Quốc đối với hòa bình Trung Đông sẽ khó có thể thành công nếu thiếu sự ủng hộ Hoa Kỳ, quốc gia có ảnh hưởng lớn đối với Israel; nếu Bắc Kinh và Washington, cùng với các nước lớn khác có thể hợp tác và hình thành lập trường thống nhất về xung đột Palestine - Israel, cuộc khủng hoảng có thể được giải quyết nhanh chóng và hiệu quả hơn.

Quốc Đạt

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/trong-co-am-ngoai-moi-em-i381919/