Trong 'cơn sốt' phá bỏ cây công nghiệp trồng cây ăn trái (Bài 1)

LTS: Những năm gần đây, người dân trồng cà phê, hồ tiêu, chè ở Lâm Đồng đang đối mặt với giá cả đầu ra giảm mạnh, trong khi chi phí cho vật tư đầu vào sản xuất lại không ngừng tăng lên, kèm theo nhiều diện tích nhiễm dịch bệnh sụt giảm năng suất, thậm chí mất trắng. Một diện tích lớn cây công nghiệp đang được nông dân chuyển đổi sang trồng cây ăn quả và đó có phải là 'lối thoát' mang tính bền vững hay không khi mà hầu hết việc chuyển đổi hiện nay đều tự phát theo kiểu phong trào?

Sầu riêng “tiền tỷ”, canh bạc mới của nông dân?

TIN LIÊN QUAN

Trong "cơn sốt" phá bỏ cây công nghiệp trồng cây ăn trái (Bài 3)
Trong "cơn sốt" phá bỏ cây công nghiệp trồng cây ăn trái (Bài 2)

Những năm gần đây, do giá sầu riêng tăng mạnh nên bà con nông dân trong tỉnh rầm rộ chuyển sang đầu tư loại cây này. So với cây công nghiệp truyền thống khác như: cà phê, hồ tiêu, chè,… thì sầu riêng đang mang lại giá trị kinh tế rất cao cho người nông dân. Ðây có lẽ là nguyên nhân chính khiến nông dân đang đổ xô vào trồng sầu riêng.

Cơn sốt trồng sầu riêng đang lan nhanh tại các huyện phía nam. Ảnh: H.Sa

Nhộn nhịp kẻ bán người mua

Vụ sầu riêng 2019 trong tỉnh bắt đầu cũng là lúc hàng ngàn hộ nông dân ở các huyện Đạ Huoai, Bảo Lâm, Bảo Lộc, Di Linh vui mừng phấn khởi vì bỏ túi hàng tỷ đồng nhờ giá bán trái sầu riêng liên tục tăng cao. Năm nay, giá sầu riêng tiếp tục tăng hơn so cùng kỳ năm 2018.

Cụ thể, sầu riêng ghép các giống Thái Lan được thương lái thu mua tại vườn như Đôna dao động từ 57.000 - 60.000 đồng/kg, Ri6 từ 38.000 - 42.000 đồng/kg. Riêng giống sầu riêng hạt các loại có giá từ 20.000 - 25.000 đồng/kg. So với cùng thời điểm niên vụ năm 2018, giá sầu riêng đầu mùa năm nay tăng 4.000 - 7.000 đồng/kg.

Vì thu nhập từ trồng sầu riêng quá hấp dẫn nên hàng ngàn nông hộ trong tỉnh đang chuyển mạnh sang loại cây “tiền tỷ” này.

Có mặt tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh cây giống huyện Bảo Lâm, chúng tôi chứng kiến cảnh người mua kẻ bán cây giống sầu riêng vô vùng nhộn nhịp. Có người còn thuê cả xe tải chở hàng ngàn cây giống sầu riêng về nhà trồng trước khi mùa mưa kết thúc.

Theo khảo sát của phóng viên, thời điểm hiện tại, giá cây giống sầu riêng vẫn cao chót vót bởi đây là loại trái cây “hót” nhất thị trường cây giống hiện nay. Cụ thể, giá cây giống sầu riêng cơm vàng hạt lép đang ở mức 100.000 - 120.000 đồng/cây, Ri6 có giá 160.000 - 180.000 đồng/cây, Monthong 140.000 - 160.000 ngàn đồng/cây.

Đang chọn lựa cây giống, vợ chồng anh Trần Xuân Phú, nông dân xã Lộc Lâm, huyện Bảo Lâm cho hay: Nhà anh có 1,1 ha cà phê xen hồ tiêu, tuy nhiên năm vừa rồi năng suất kém quá, hồ tiêu bị bệnh chết nhiều, hơn thế giá cả lại xuống thấp, trong khi bà con Đạ Huoai đang trúng đậm sầu riêng. Thấy vậy, vợ chồng anh gom hết tiền, tính mua vài trăm cây sầu riêng về trồng thay thế. Phương châm của anh là sầu riêng phát triển tới đâu thì chặt bỏ hồ tiêu với cà phê tới đó.

“Tính kỹ, mỗi ha sầu riêng có thể “chấp” từ 7 - 10 ha cà phê; trong khi một lao động có thể làm từ 2 - 3 ha sầu riêng. Đó là chưa kể, lao động cà phê khó tìm vì khắp nơi đều cần, trong khi gọi lao động sầu riêng thì cực dễ vì thời điểm, thời vụ khác với cà phê” - anh Phú cho hay.

Chung suy nghĩ, chị Trần Thị Hải ở xã Phước Lộc, huyện Đạ Huoai cũng đang tiến hành cưa cành cà phê, dọn đất thuê nhân công đào hố chuẩn bị trồng thêm hơn 200 cây sầu riêng Ri6. “Mấy năm nay, nông dân trong huyện đang trúng đậm sầu riêng. Bây giờ trong xã, nhà nào đã trồng trước đó thì giờ trồng thêm, nhà chưa trồng cũng lo học hỏi kinh nghiệm rồi trồng mới - chị Hải nói.

Để đáp ứng nhu cầu của bà con nông dân trong tỉnh, các cơ sở sản xuất, kinh doanh cây giống trên địa bàn cũng hoạt động hết công suất, đưa các giống như Dona, Monthong, Ri6… về bán. Đây là những loại giống được đánh giá là có chất lượng và năng suất cao hiện nay.

Anh Nguyễn Thành Trung, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh cây giống nhiều năm huyện Bảo Lâm cho biết: Mấy năm nay, nhu cầu cây giống sầu riêng của bà con tăng lên đột biến, giống nào bán chạy thì nhập về nhiều. Nếu năm 2016, cơ sở chỉ bán được 10.000 cây, năm nay chưa hết mùa mưa đã bán tới 30.000 cây. Còn giá bán bình quân tăng lên khoảng 10.000 đồng/cây”.

Cơn sốt đang lan nhanh

Theo các chuyên gia nông nghiệp, trồng sầu riêng đúng quy trình, sau 3 - 4 năm tuổi cho thu hoạch, 5 - 7 năm tuổi đạt năng suất ổn định. Hiện nay sầu riêng ở Tây Nguyên bán được giá, tuy nhiên khi diện tích sầu riêng đang tăng phi mã như hiện nay thì điều chắc chắn là vài năm nữa khi diện tích này cho thu hoạch, sản lượng tăng cao đột biến liệu rằng trái sầu riêng sẽ mất giá, bởi lúc đó “cung” sẽ gấp bội “cầu”?

Ngoài ra, cây sầu riêng là loại cây khó tính, dễ bị sâu bệnh, đòi hỏi người trồng phải nắm vững kỹ thuật và đầu tư mạnh vào khâu chăm sóc, phòng bệnh. Nếu người dân chưa có kinh nghiệm mà ồ ạt trồng theo kiểu phong trào dễ thất bại.

Theo ông Nguyễn Duy Lực, Chủ tịch UBND xã Phước Lộc, hiện toàn xã có gần 300 ha sầu riêng; trong đó, có hơn 100 ha đang trong giai đoạn kinh doanh. Với sự lên ngôi của cây sầu riêng thời gian qua, diện tích trồng sầu riêng trên địa bàn xã dự kiến sẽ tăng lên rất nhanh khi rất nhiều nông dân đang ra sức trồng loại cây này.

Theo số liệu thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Đạ Huoai, hiện toàn huyện có gần 2.800 ha sầu riêng các loại; trong đó, sầu riêng ghép các giống Thái Lan như Monthong, Đô Na và Ri6 chiếm khoảng 90% diện tích sầu riêng của toàn huyện. Năm nay, Đạ Huoai có khoảng 2.000 ha sầu riêng cho thu hoạch với tổng sản lượng ước tính trên 30.000 tấn.

Còn tại huyện Bảo Lâm, diện tích trồng sầu riêng trong huyện cũng đang tăng lên rất nhanh với gần 1.900 ha. Trong đó diện tích trồng mới mỗi năm tăng hơn 300 ha. Trước tình hình trên, Phòng NN&PTNT huyện Bảo Lâm cũng đã thông báo đến các xã, thị trấn để khuyến cáo người dân cần tỉnh táo trong việc chuyển đổi cây trồng, đừng vì lợi trước mắt mà chuyển đổi cây trồng ồ ạt sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy về sau.

Ông Lại Thế Hưng - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết: Diện tích trồng sầu riêng trên toàn tỉnh đang tăng lên rất nhanh. Theo số liệu thống kê, tính đến hết năm 2018 toàn tỉnh có 8.520 ha sầu riêng, tăng hơn 1.700 ha so với năm 2017.

Ðặc biệt, số diện tích trồng mới có xu hướng tăng dần qua các năm. Nếu năm 2017 diện tích trồng mới có 1.285 ha thì năm 2018 diện tích trồng mới đã tăng lên 2.088 ha.

“Đáng lo ngại là hiện nay, không chỉ nông dân trong tỉnh tìm cách tăng diện tích sầu riêng mà hầu hết các tỉnh Tây Nguyên cũng đang rầm rộ chuyển đổi sang loại cây này. Chưa kể các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long như: Tiền Giang, Bến Tre…, diện tích trồng sầu riêng cũng đã lên đến hàng chục ngàn ha. Do đó, trồng sầu riêng mặc dù hiệu quả kinh tế mang lại là rất lớn nhưng tiềm ẩn cũng rất nhiều rủi ro” - ông Hưng cho hay.

(CÒN NỮA)

HOÀNG SA

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/201906/trong-con-sot-pha-bo-cay-cong-nghiep-trong-cay-an-trai-bai-1-2950676/