Trong 'cơn sốt' phá bỏ cây công nghiệp trồng cây ăn trái (Bài 2)

TIN LIÊN QUAN

Trong "cơn sốt" phá bỏ cây công nghiệp trồng cây ăn trái (Bài 3)
Trong "cơn sốt" phá bỏ cây công nghiệp trồng cây ăn trái (Bài 1)

Khi cây bơ lên ngôi

Trước thực tế, nhiều vườn cà phê già cỗi, một số diện tích hồ tiêu bị nhiễm bệnh, giá hồ tiêu xuống mức thấp nhất trong vòng 10 năm qua, nhiều nông dân chuyển đổi sang trồng cây ăn trái. Và với giá bán cao từ 40.000 đến 150.000 đồng/kg, cây bơ đang được chọn lựa trồng trên diện tích lớn.

Mỗi ha bơ cho hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với cà phê, chè.

“Nóng” bởi bơ 034

Thực tế, trong thời gian qua, giá bơ liên tục tăng cao đã giúp nông dân trồng bơ ở Lâm Đồng dễ dàng bỏ túi từ vài trăm đến cả tỷ đồng lợi nhuận/ha. Vì vậy, tại một số huyện như Bảo Lâm, Di Linh, nhiều nông hộ đã thay thế các cây công nghiệp hiệu quả thấp bằng cây bơ, trong đó chủ yếu là giống bơ 034 được thị trường ưa chuộng. Ghi nhận tại xã Lộc Quảng, huyện Bảo Lâm, ông Nguyễn Đức Cường - Chủ tịch UBND xã cho biết: Từ năm 2015 đến nay, diện tích trồng chè trong xã đã sụt giảm hơn 50%, từ 900 ha xuống còn hơn 400 ha. Những vườn cho năng suất, chất lượng thấp, thu nhập mỗi năm chỉ 45 triệu đồng/ha, thì việc phá bỏ là điều bình thường. Nhưng điều không bình thường ở đây là có vườn chè chất lượng cao cũng bị chặt bỏ và thay vào đó, nông dân rầm rộ chuyển sang cây trồng khác, trong đó chủ yếu là cây bơ 034.

Gặp anh Nguyễn Vũ Hòa ở Thôn 5, xã Lộc Quảng khi anh đang tiến hành “hủy” 7 sào chè trồng từ năm 2008 để trồng bơ 034 cho hay: Trung bình 1 ha chè cho thu tầm 160 triệu đồng/năm, sau khi trừ chi phí chỉ lãi trên dưới 50 triệu đồng. Tính ra, giá trị kinh tế từ cây chè chỉ hơn cây điều và lúa. Trong khi đó chè là loại cây trồng cần nhiều công lao động, từ khâu chăm sóc đến thu hái...

Tương tự, gia đình Lê Sỹ Huế ở xã Tân Lạc, huyện Bảo Lâm trước đây chuyên canh tác cà phê, hồ tiêu xen canh bơ. Sau khi hồ tiêu bước vào giai đoạn suy thoái, anh đã trồng thử giống bơ 034 và tính đến thời điểm hiện tại, diện tích bơ của gia đình anh đã lên đến 11 ha.

Anh Huế cho biết: Trang trại bơ được chăm sóc theo quy trình đạt chuẩn VietGAP cho trái năng suất cao, trung bình mỗi cây đạt 40 kg trái, dự kiến vụ năm nay sẽ thu về 100 tấn trái. Với giá bán tại vườn khoảng 70.000 đồng/kg, sẽ cho thu nhập khoảng 7 tỷ đồng, cao gấp nhiều lần so với trồng cà phê và giống bơ sáp trước đây. Tính ra, trung bình mỗi 1 ha bơ ghép 034 cho lợi nhuận từ 400 - 600 triệu đồng/năm.

Ông Đậu Văn Xuân, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Bảo Lâm cho biết, trong số các loại cây trồng đang được nông dân chuyển đổi tại địa phương thì cây bơ có diện tích tăng với tốc độ nhanh nhất. Hiện toàn huyện có gần 1.100 ha bơ, diện tích trồng mới tăng hơn 200 ha mỗi năm.

Nguyên nhân là do giá bơ liên được bán với mức giá cao, từ 50 - 150.000 đồng/kg, thời điểm trái mùa là 200.000 đồng/kg. Tính ra, 1 ha bơ trưởng thành có thể cho thu hoạch 20 tấn quả, với giá bán cao, người nông dân có thể thu nhập hàng tỷ đồng sau khi trừ chi phí đầu tư.

Ðề phòng giống bơ mới trôi nổi

Phong trào trồng bơ lan rộng đã tạo điều kiện cho hàng loạt cơ sở bán cây giống cũng nở rộ. Hiện tại, giống siêu bơ 034 đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Lâm Đồng công nhận là cây đầu dòng tại TP Bảo Lộc, huyện Bảo Lâm và được Trung tâm Nghiên cứu chuyển giao kỹ thuật cây công nghiệp và cây ăn quả Lâm Đồng tiến hành nhân giống. Giống bơ ghép này được bán với giá từ 45.000 - 60.000 đồng/cây, cao hơn 10 - 20% so với năm ngoái. Từ đầu năm đến nay Trung tâm sản xuất được 22.000 cây nhưng hiện tại không còn hàng để bán.

Tiềm năng thị trường bơ lên đến tỉ USD

Ông Vũ Tuấn Hoàng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Sam Nông nghiệp công nghệ cao (Sam Agritech), đánh giá: Năm 2017, giá trị thị trường bơ thế giới là 13 tỉ USD, dự báo 10 năm tới tăng lên 23 tỉ USD. Nhu cầu thị trường tiêu thụ bơ trên thế giới tăng mạnh như Trung Quốc năm 2017 nhập khẩu 32.000 tấn bơ, gấp 1.000 lần so với năm 2011; Hàn Quốc nhập 5.000 tấn bơ, gấp 11 lần so với năm 2010. Nếu làm tốt công tác thị trường, giải được bài toán chuỗi giá trị sản phẩm thì cây bơ có thể nhanh chóng trở thành cây tiền tỉ USD tại Việt Nam.

Trang trại cây giống Trung Hiếu ở xã Lộc Đức, huyện Bảo Lâm có 2.500 cây bơ trồng xen 10 ha cà phê đã cho thu hoạch. Trong đó, có 3 giống bơ ghép BLD/05, BLD/034 và BLD/036 được Sở NN-PTNT công nhận cây bơ đầu dòng để sản xuất giống. Năm nay, trang trại này sản xuất được 60.000 cây bơ giống và bán hết ngay từ đầu mùa mưa.

Tương tự, các cơ sở sản xuất giống bơ ghép đã được Sở NN-PTNT công nhận cây đầu dòng ở TP Bảo Lộc, huyện Bảo Lâm… đều đã bán hết giống từ đầu tháng 6 vừa qua.

Mặc dù các cơ sở sản xuất giống bơ có uy tín đã hết cây giống để bán, nhưng nhu cầu của nông dân vẫn còn rất lớn. Nắm bắt được điều này, nhiều cơ sở đã vận chuyển cây bơ giống từ miền Tây về bán. Hầu hết là giống trôi nổi, chưa được cơ quan có thẩm quyền công nhận. Vì thế, chất lượng bơ giống vẫn còn bỏ ngỏ.

Diện tích bơ được trồng mới liên tục mở rộng khiến cho không ít địa phương lo lắng, bởi kể cả những vùng không phù hợp về điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng nông dân cũng cố gắng trồng cho bằng được.

Ông Đặng Văn Khá, Phó phòng Nông nghiệp huyện Di Linh cho biết: Theo thống kê sơ bộ, toàn huyện hiện có gần 2.100 ha bơ trồng thuần lẫn xen canh với cà phê, sản lượng hiện khoảng 15.000 tấn/năm.

Tuy nhiên, với diện tích trồng bơ đang tăng “phi mã” như hiện nay thì trong vòng 5 năm tới, diện tích và sản lượng bơ của Di Linh sẽ tăng lên gấp đôi. “Trước mắt, thị trường thu mua bơ trái tương đối ổn định, nhưng tương lai 5 năm nữa thì không thể nói trước điều gì” - ông Khá nói.

Ông Lại Thế Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết, đến hết năm 2018 diện tích bơ toàn tỉnh đạt gần 4.300 ha, tăng 1.000 ha so với 2017.

Lý giải về diện tích trồng bơ liên tục tăng, ông Hưng cho biết: Thời điểm này người nông dân đang trồng bơ theo kích thích thị trường, bởi mỗi cây bơ có thể thu được đến 200 kg/cây và có lúc giá bán lên đến 150 ngàn đồng/kg. Một héc ta bơ trưởng thành có thể cho thu hoạch 20 tấn quả, với giá bán cao, người nông dân có thể thu nhập hàng tỷ đồng sau khi trừ chi phí đầu tư.

Mặt khác, với đặc điểm địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp cho quả bơ nên Lâm Đồng trồng được nhiều giống bơ cho quả gần như quanh năm (chỉ trừ tháng 12 là không có bơ thu hoạch). Trái bơ Lâm Đồng đang được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng, bởi trái to hơn, dẻo hơn, màu vàng sậm hơn, mẫu mã đẹp hơn và thời gian chín kéo dài so với bơ các địa phương khác.

Tuy nhiên, nếu diện tích cứ đà tăng nhanh như hiện nay, sản lượng tạo ra hàng năm cũng rất lớn, nếu đạt sản lượng khoảng 20 tấn/ha thì mỗi năm có khoảng 90 ngàn tấn bơ được cung cấp ra thị trường. Đặc biệt, không chỉ Lâm Đồng mà nhiều tỉnh Tây Nguyên, Nam Bộ cũng trồng bơ, dẫn đến việc nguồn cung lớn, việc tiêu thụ sẽ gặp khó khăn, trong khi đó thị trường bơ chưa ổn định do đầu ra chưa được đảm bảo nên nông dân cần xem xét cẩn thận trước khi trồng với diện tích lớn.

(CÒN NỮA)

HOÀNG SA

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/201906/trong-con-sot-pha-bo-cay-cong-nghiep-trong-cay-an-trai-bai-2-2951015/