Trong cuộc chiến giành quyền lực xuyên suốt lịch sử Trung Hoa, đa số các Hoàng đế đều thất bại trước Thái hậu, rốt cuộc là vì điều gì?
Trên đời này có một người thật sự có ảnh hưởng đến Hoàng đế mà ông khó lòng chống đối.
Từ trước đến nay, địa vị của Hoàng đế là thứ mà ai ai cũng ít nhất 1 lần nghĩ đến trong đời. Tuy nhiên, mặc dù có thân phận tối cao nhưng nếu có một chút bất cẩn thì Hoàng đế sẽ ngay lập tức trở thành một con rối trong tay kẻ khác. Kẻ khác đó có thể là thái giám, quyền thần, thậm chí là một nữ nhân nào đó trong hậu cung.
Xét cho cùng, dù là thái giám hay quyền thần có năng lực xuất sắc thế nào, chỉ cần Hoàng đế có một chút bản lĩnh thì sẽ có thể thay đổi thế cục ngay tức khắc.
Nhưng cũng có ngoại lệ, trên đời này có một người thật sự có ảnh hưởng đến Hoàng đế mà ông khó lòng chống đối. Đó chính là thân mẫu (mẹ ruột) của Hoàng đế. Xuyên suốt lịch sử Trung Hoa phong kiến, có thể dễ dàng thấy rõ, hầu như các Hoàng đế đều thất bại trong quá trình chống lại Thái hậu.
Lã Hâụlà người đứng sau Hán Huệ Đế Lưu Doanh. Hán Huệ Đế đăng cơ khi còn quá bé, lúc đó quyền lực trong triều nhanh chóng bị Lã Hậu thâu tóm. Vừa không có quyền quyết định chính sự, vừa bất lực trước sự độc ác của mẹ ruột, Hán Huệ Đế ngày càng sa vào những cuộc vui trác táng, sau đó sinh bệnh rồi qua đời ở tuổi 22.
Trong hơn 10 năm đầu tiên thời Hoàng đế Tống Nhân Tông tại vị, quyền lực đều nằm trong tay Chương Hiến Thái hậu Lưu thị (còn gọi làLưu Thái hậu). Sau khi trưởng thành, Tống Nhân Tông cũng không thể đích thân xử lý chính sự khiến quan hệ giữa Hoàng đế và Lưu Thái hậu ngày càng căng thẳng hơn. Mãi đến khi Lưu Thái hậu qua đời, ông mới chính thức có được thực quyền.
Trên đây chỉ là 2 trong số nhiều trường hợp Hoàng đế thất bại trong cuộc chiến đoạt lại quyền lực từ Thái hậu. Nguyên nhân khiến cuộc chiến giành quyền lực trong Hoàng tộc lại nghiêng về Thái hậu rất đơn giản.
Đầu tiên là, lợi thế về thân phận của Thái hậu. Với tư cách là thân mẫu (trong một số trường hợp khác là dưỡng mẫu), Thái hậu can thiệp triều chính với danh nghĩa hỗ trợ Hoàng đế dường như là một chuyện quang minh chính đại. Ngay cả khi các đại thần bất mãn với sự can thiệp này thì Thái hậu cũng có thể lấy lý do Hoàng đế còn nhỏ tuổi và thiếu kinh nghiệm để tước đi quyền lực của Hoàng đế.
Ngoài ra, một nguyên nhân khác liên quan đến "chữ hiếu". Hoàng đế luôn phải là tấm gương hiếu thảo cho toàn dân, chính vì vậy họ không thể trực tiếp đối đầu với sự độc chiếm quyền lực của Thái hậu, đây là một hành động được cho là bất hiếu với mẫu thân.
Và một nguyên nhân lớn khác, chính là bản lĩnh của Thái hậu hoàn toàn vượt trội so với những nữ nhân khác. Để có thể có được vị trí cao quý, bà vốn dĩ phải trải qua nhiều "cuộc chơi" quyền lực khác để từng bước trở thành Hoàng hậu và sau đó là Thái hậu.
Và để có thể chiến thắng hàng trăm, hàng nghìn nữ nhân khác trong hậu cung, chắc chắn bà không phải là kẻ tầm thường. Mà nếu như vậy thì làm sao Thái hậu lại dễ dàng bị Hoàng đế đánh bại.