Trống đánh xuôi, sao kèn thổi ngược?

Việt Nam và Hoa Kỳ thiết lập quan hệ song phương vào năm 1995. Đánh giá về mối quan hệ giữa 2 quốc gia trong hơn 27 năm qua, trên trang Facebook của Đại sứ quán và Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Việt Nam đã viết:… Hoa Kỳ và Việt Nam đã trở thành đối tác đáng tin cậy với tình hữu nghị dựa trên nền tảng tôn trọng lẫn nhau. Hoa Kỳ - Việt Nam có mối quan hệ hợp tác ngày càng tích cực toàn diện và đã phát triển thành quan hệ đối tác vững chắc trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, an ninh và giao lưu giữa nhân dân 2 nước… Mối quan hệ song phương được định hướng bởi quan hệ đối tác toàn diện Hoa Kỳ - Việt Nam ký kết năm 2013 - đây là một khuôn khổ tổng thể nhằm thúc đẩy mối quan hệ song phương; và các tuyên bố chung do lãnh đạo 2 nước ban hành vào các năm 2015, 2016 và tháng 5, tháng 11-2017.

Đặc biệt, từ ngày 24 đến 26-8-2021, nhận lời mời của Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, Phó tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ Kamala Harris đã thực hiện chuyến công du chính thức tới Việt Nam. Chuyến thăm mang ý nghĩa hết sức đặc biệt vì bà Kamala Harris là Phó tổng thống Hoa Kỳ đương nhiệm đầu tiên sang thăm Việt Nam sau khi 2 nước bình thường hóa quan hệ kể từ năm 1995 và là quan chức cấp cao nhất của chính quyền Tổng thống Joe Biden đến Việt Nam. Thành công và kết quả của chuyến thăm đã tái khẳng định cam kết của Hoa Kỳ đối với một Việt Nam mạnh mẽ, thịnh vượng và độc lập. Bằng chứng là chỉ tính trong 7 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt 53,7 tỷ USD, tăng 37,7% so với năm 2020. Hiện nay, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất và đang chiếm tỷ trọng ngày càng lớn đối với các nhà xuất khẩu của Việt Nam. Việt Nam cũng đang trở thành đối tác quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu và là đối tác thương mại lớn thứ 13 của Hoa Kỳ.

Cũng trong chuyến thăm của Phó tổng thống Kamala Harris, lãnh đạo 2 nước đã thống nhất trong thời gian tới, sự hỗ trợ mà 2 bên dành cho nhau sẽ được tiếp tục củng cố và phát triển hơn nữa. Đồng thời, Hoa Kỳ khẳng định sẵn sàng hợp tác với Việt Nam trong nhiều lĩnh vực mới, như chuyển đổi sang nền kinh tế số, phát triển nông nghiệp số...

Nhưng thật đáng tiếc, giữa lúc quan hệ 2 quốc gia đang phát triển tốt đẹp thì ngày 14-12-2021, cũng trên trang Facebook của Đại sứ quán và Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Việt Nam đã đăng một đoạn thông tin về cái gọi là “Tuyên bố báo chí của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Ned Price về việc kết án tác giả, nhà báo Việt Nam Phạm Đoan Trang”. Đây được xem là hòn đá cản đường hợp tác phát triển giữa 2 nước. Bởi nội dung của cái gọi là “Tuyên bố báo chí” này đi ngược lại nguyện vọng của lãnh đạo và nhân dân Việt Nam, Hoa Kỳ.

Cụ thể, nội dung của tuyên bố này có đoạn viết: Hoa Kỳ lên án việc kết tội và tuyên án 9 năm tù đối với tác giả, nhà báo Phạm Đoan Trang, người không làm gì hơn ngoài bày tỏ ý kiến của mình một cách ôn hòa… Việc giam giữ bà Trang là tùy tiện và vi phạm các cam kết và nghĩa vụ quốc tế của Việt Nam về nhân quyền. Hoa Kỳ kêu gọi chính phủ Việt Nam trả tự do cho bà Trang, người đã được quốc tế công nhận về nỗ lực thúc đẩy nhân quyền và quản trị tốt ở Việt Nam, đồng thời cho phép tất cả cá nhân ở Việt Nam tự do bày tỏ quan điểm của mình...

Trước hết xin hỏi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, ông Ned Price rằng, căn cứ vào đâu mà ông cho rằng Phạm Đoan Trang là nhà báo? Vì theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, nhà báo, còn gọi là ký giả, là người làm công tác báo chí chuyên nghiệp như: phóng viên (viết hoặc quay phim, chụp ảnh), biên tập viên, thư ký tòa soạn, tổng biên tập, phó tổng biên tập, các trưởng ban nghiệp vụ báo chí… Cũng theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, phóng viên (còn gọi là nhà báo hay ký giả) là người làm việc cho đài phát thanh, đài truyền hình, hãng thông tấn, báo chí... với vai trò, nhiệm vụ chính là viết tin, bài và ký tên cho bài báo bằng chính tên người viết hay bút danh.

Còn theo sách Từ điển tiếng Việt của Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn, do Nhà xuất bản Văn hóa Sài Gòn phát hành năm 2005, thì phóng viên là: Người sống bằng nghề thu thập tin tức, tài liệu để công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng (tr 1283). Nhà báo là người chuyên nghề viết báo (tr 1154). Như vậy, xét về bản chất thì nhà báo là người hoạt động báo chí được cấp thẻ nhà báo theo quy định của Luật Báo chí năm 2016. Còn phóng viên được hiểu là những người hoạt động báo chí, đưa tin, viết bài, chụp ảnh được tòa soạn cử đi tác nghiệp mà chưa có thẻ nhà báo.

Nói tóm lại, nhà báo và phóng viên đều hoạt động trong lĩnh vực báo chí và trong đội ngũ cập nhật tin tức để đưa tin. Tuy nhiên, điểm khác biệt là nhà báo thì có thẻ nhà báo do Nhà nước cấp theo Luật Báo chí. Còn phóng viên thì làm việc theo sự chỉ định của cơ quan báo chí và được cấp giấy giới thiệu. Do đó, xét về các tiêu chí nêu trên, Phạm Đoan Trang không phải phóng viên, càng không phải là nhà báo. Trong khi đó, bị cáo Trang không là nhân viên của bất kỳ cơ quan báo chí nào. Hơn nữa, đối tượng này còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì đã vi phạm pháp luật. Vì vậy, đây là điều phi lý thứ nhất trong tuyên bố nêu trên.

Thứ hai, trong Điều 1 của Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị khẳng định: Mọi dân tộc đều có quyền tự quyết. Xuất phát từ quyền đó, các dân tộc tự do quyết định thể chế chính trị của mình và tự do phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa. Như vậy, Việt Nam hoàn toàn có quyền tự do quyết định thể chế chính trị của mình. Suy ra, Việt Nam có quyền xây dựng hệ thống pháp luật để bảo vệ Tổ quốc và thể chế mà người dân đã chọn. Vậy cớ sao ông Ned Price cho rằng, “việc giam giữ bà Trang là tùy tiện”. Trong khi đó, cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân TP. Hà Nội, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đã làm rõ hành vi phạm tội và đã tuyên phạt 9 năm tù giam đối với bị cáo Trang.

Thứ ba, trong tuyên bố nêu trên, ông Ned Price còn lên giọng kẻ cả rằng “Hoa Kỳ kêu gọi chính phủ Việt Nam trả tự do cho bà Trang”. Đây là hành vi can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam, đồng thời vi phạm nghiêm trọng đến quy định trong Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị.

Thứ tư, cũng trong tuyên bố này, ông Ned Price còn đưa ra yêu cầu Việt Nam “cho phép tất cả cá nhân ở Việt Nam tự do bày tỏ quan điểm của mình”. Chỉ riêng điều này đã cho thấy ông Ned Price không hiểu gì pháp luật Việt Nam. Bởi lẽ, tại Điều 25 của Hiến pháp hiện hành có quy định rõ: Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định. Điều này hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế. Tức là công dân được thực hiện các quyền này, nhưng không vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác. Vì vậy, tuyên bố nêu trên của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ là không có cơ sở pháp lý, không phù hợp với lợi ích chung cũng như mong muốn của lãnh đạo và nhân dân 2 nước.

Diệp Viên

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/33/129843/trong-danh-xuoi-sao-ken-thoi-nguoc