Trồng dâu nuôi tằm giúp đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo

Trồng dâu nuôi tằm được đánh giá là một mô hình sản xuất phù hợp, mang lại nguồn thu nhập ổn định, giúp nhiều hộ gia đình vươn lên.

Thời gian qua, các vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Lâm Đồng có bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng rất hiệu quả. Nhiều loại cây trồng mới có giá trị kinh tế cao đã được vào sản xuất, đã giúp bà con nâng cao đời sống, khắc phục tình trạng bấp bênh khi phải dựa quá nhiều vào cây cà phê, lúa.

2 năm qua, kể từ khi đưa mô hình trồng dâu nuôi tằm vào sản xuất, kinh tế gia đình anh K’Du ở thôn 4, xã Tam Bố, huyện Di Linh (Lâm Đồng) được nâng lên thấy rõ. Chỉ hơn 1 sào dâu lai cung cấp đủ nguồn thức ăn nuôi 1 hộp tằm giống, nghề trồng dâu nuôi tằm đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình anh K’Du, với mức lãi 8 triệu đồng/tháng. Anh K’Du cho biết, kết quả này có sự hỗ trợ tích cực về mọi mặt từ phía các cơ quan chức năng và Hội nông dân của huyện.

Trồng dâu nuôi tằm giúp đồng bào dân tộc thiểu số ở Lâm Đồng thoát nghèo. (Ảnh: Báo Lâm Đồng)

Trồng dâu nuôi tằm giúp đồng bào dân tộc thiểu số ở Lâm Đồng thoát nghèo. (Ảnh: Báo Lâm Đồng)

“Được Hội nông dân huyện hỗ trợ tiền mua né, và gia đình có hơn 1 sào dâu để nuôi tằm. Mình cứ nuôi mỗi lứa nửa hộp tằm giống. Từ khi đến với nghề trồng dâu nuôi tằm, thì đời sống của gia đình mình ổn định hơn. Mình có ý định mở rộng thêm diện tích trồng dâu để nuôi tằm được nhiều hơn” - anh K’Du nói.

Tương tự, bà Ka Đim ở thôn 2, xã Gia Hiệp, huyện Di Linh cũng đưa kinh tế gia đình phát triển đi lên nhờ trồng dâu nuôi tằm. Theo bà Ka Đim, với mức giá kén tằm dao động từ 130 ngàn đồng đến 150 ngàn đồng/kg như hiện nay, gia đình bà luôn thu lãi trên 10 triệu đồng/tháng.

“Gia đình mình có 2 sào dâu lai trồng xem trong vườn cà phê để nuôi tằm. Mình cứ nuôi mỗi lứa từ nửa hộp đến 1 hộp tằm giống. Từ khi trồng dâu nuôi tằm, cuộc sống kinh tế gia đình ổn định hơn rất nhiều” - bà Ka Đim chia sẻ.

Ông K’Xuyên, cán bộ khuyến nông xã Gia Hiệp, huyện Di Linh, đánh giá: với chi phí đầu tư thấp, quay vòng vốn nhanh và tận dụng được nguồn lao động nhàn rỗi, trồng dâu nuôi tằm là một hướng sản xuất phù hợp với đa số hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương. Thêm vào đó, đầu ra sản phẩm đang thuận lợi, giá kén ổn định, nghề trồng dâu nuôi tằm đã được người dân và chính quyền nơi đây coi trọng.

“Trong những năm qua, địa phương chúng tôi rất chú trọng phát triển kinh tế trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có đẩy mạnh phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm. Chính nhờ nuôi tằm đã giúp các hộ dân thời điểm nào cũng có thu nhập. Từ đó có điều kiện để đầu tư những giống cây trồng, vật nuôi dài ngày khác hiệu quả hơn. Hiện nay xã chúng tôi có hàng trăm hộ trồng dâu nuôi tằm với diện tích trên 200 ha” - ông K’Xuyên cho biết.

Theo Đề án phát triển bền vững ngành dâu tằm tơ đã được UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt, đến năm 2023, diện tích trồng dâu tằm trong tỉnh đạt 10.000 ha, sản lượng lá dâu đạt 210.000 tấn, cung cấp đủ giống tằm đảm bảo chất lượng phục vụ nhu cầu sản xuất, nâng sản lượng kén tằm đạt 14.500 tấn và sản lượng tơ tằm đạt 1.900 tấn.

Cùng với đó, Lâm Đồng cũng chú trọng hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, giúp người nông dân yên tâm, ổn định sản xuất, từng bước nâng cao giá trị sản phẩm tơ tằm của địa phương. Đề án này đang từng bước được triển khai sâu rộng, tạo thêm điều kiện thuận lợi cho người dân ở các vùng trong tỉnh vươn lên thoát nghèo, cải thiện cuộc sống./.

Quang Sáng/VOV-Tây Nguyên

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/trong-dau-nuoi-tam-giup-dong-bao-dan-toc-thieu-so-thoat-ngheo-973503.vov