Trồng dâu tây trên sỏi

Sau hơn 2 năm thử nghiệm trồng dâu tây ở xã Ninh Gia (huyện Đức Trọng), bà Huỳnh Thị Lệ (65 tuổi) đã khiến nhiều người ngỡ ngàng khi cây dâu tây phát triển xanh tốt, trĩu quả ở nơi có nhiệt độ cao hơn xứ sở của loài cây này rất nhiều.

Liều lĩnh lựa chọn khác biệt giúp bà Lệ có được những thành quả xứng đáng. Ảnh: H.T

“Nói thật là tôi cũng phải lấy hết can đảm mới dám thử nghiệm bởi chi phí đầu tư để làm nhà kính cũng như mua thùng, sỏi... không phải là nhỏ. Nhưng giờ thì có thể nhẹ nhàng mỉm cười khi đi thăm vườn mỗi ngày”, bà Huỳnh Thị Lệ nhớ lại quãng thời gian đầu tiên.

Không trăn trở sao được khi để làm được 300 m2 nhà kính trồng dâu tây như hiện tại, bà Lệ phải bỏ ra chi phí đầu tư rất lớn, vào khoảng 700 triệu đồng, cộng thêm một lần thất bại khi chưa tìm được phương pháp thích hợp nhất. Lúc ấy, mọi người đến với bà đều đặt ra những câu hỏi cây trồng trên sỏi, không có đất thì làm sao sống được? Sống rồi đến lúc ra bông có đậu trái không? Ra trái thì có ăn được không?... Những câu hỏi đó đôi lúc khiến bà suy nghĩ về sự liều lĩnh của mình.

Thế nhưng sau hơn 2 năm, kết quả đã làm đẩy lùi những nỗi lo. Điều đặc biệt tạo nên công thức dâu trong vườn dâu công nghệ cao này chính là giá thể gồm sỏi perlite, hạt xốp và viên đất nung. Và người cùng hỗ trợ để làm nên sự khác biệt này là ông Nguyễn Tiến Kiên (80 tuổi). Từng có thời gian bôn ba nơi xứ người, cũng từ xuất thân là một người nông dân nên ông Kiên bảo rằng trong ông luôn đau đáu làm sao để giúp người nông dân quê mình áp dụng khoa học, kỹ thuật để đạt năng suất cây trồng cao nhưng cũng vẫn phải đảm bảo các tiêu chí xanh, sạch, bền vững.

Ông Kiên cho biết, sỏi perlite là loại nham thạch núi lửa sau khi phun trào, khô tạo thành các mảng lớn chứa nhiều khoáng chất, chủ yếu là SiO2. Sỏi perlite có trọng lượng nhẹ, nổi trên mặt nước, đồng thời được bao phủ bởi nhiều tế bào nhỏ hấp thụ độ ẩm bên ngoài của hạt, làm cho nó đặc biệt hữu ích trong việc tạo điều kiện độ ẩm cho rễ cây, tạo nhiều khoảng hở, thoáng khí giúp cho bộ rễ hô hấp tốt, phát triển mạnh. Nhờ khả năng ngậm nước tốt đã tạo nên môi trường vô cùng lý tưởng cho các rễ cây non giúp sản lượng cây trồng cao mà không cần có đất. Chất dinh dưỡng được giữ trong các lỗ xốp nhỏ trên bề mặt của các hạt sỏi perlite, sẵn sàng được sử dụng bởi rễ cây. Nhờ những tính năng ưu việt đó mà ở các nước trên thế giới, đá perlite được sử dụng nhiều trong canh tác thủy canh.

Bằng việc thử nghiệm với các mẫu dâu tây và một số loại cây trồng trên xơ dừa (xơ dừa + 30% sỏi perlite) và 100% sỏi perlite cho kết quả sinh trưởng khác nhau, ông Kiên càng khẳng định hướng đi đúng đắn của mình. “Sỏi perlite sạch, khắc phục được hạn chế có các mầm bệnh tồn tại sẵn trong đất. Với sỏi, rễ cây thoáng, quá trình hô hấp của cây ở mức cao, dẫn đến phát triển nhanh. Dẫu giá thành của sỏi đắt hơn những loại nguyên liệu giá thể khác nhưng có thể tái sử dụng bằng cách rửa sạch, tiệt trùng và dùng được mãi mãi. Đầu tư ban đầu rất cao nhưng càng về sau thì sẽ càng có lợi”, ông Kiên chia sẻ.

Cùng với đó, ông Kiên lắp đặt hệ thống điều chỉnh nhiệt độ. Nếu trời không có nắng, hay vào mùa mưa thì hệ thống tự động nhả khí CO2 để quá trình hô hấp của cây vẫn được đảm bảo. Trong trường hợp nhiệt độ cao thì hệ thống phun sương tự động, giúp điều tiết, kiểm soát nhiệt độ trong nhà kính, giữ độ ẩm ở mức cân bằng. Khu vườn có thiết kế 3 tầng linh động, tiết kiệm diện tích đồng thời có thể dễ dàng thay đổi vị trí từng chậu cũng như thay thế cây mới trong trường hợp bị nhiễm bệnh.

Với việc đầu tư bài bản, cùng với sự hỗ trợ tích cực về mặt kỹ thuật của ông Kiên, vườn dâu đã đem lại những thành quả tương xứng. Trên diện tích gần 300 m2, vườn dâu cho sản lượng xấp xỉ 1 tấn/năm. Giờ đây, khoảng không gian ấy trở thành niềm vui trong lao động của bà Lệ khi ngày ngày tự tay chăm sóc, hái những trái dâu chín, căng mọng cho khách hàng. Trong quá trình làm, bà Lệ cũng tìm tòi, học hỏi để giờ đây hoàn toàn tự tin một mình có thể chăm bẵm vườn dâu, tự biết pha các công thức để bổ sung dưỡng chất cho cây. Qua đó, dần khẳng định chỉ cần chịu đầu tư tìm tòi để áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật trên thế giới thì các yếu tố về nhiệt độ, môi trường cũng không hoàn toàn làm khó được người nông dân.

HỒNG THẮM

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/201908/trong-dau-tay-tren-soi-2959969/