Trồng dó bầu lấy trầm hương: Giấc mộng giữa đại ngàn
Có một thời, khắp nơi trên vùng núi Quảng Ngãi, nhà nào cũng trồng dó bầu, ít thì vài chục cây, nhiều thì cả ngàn cây… Cơn sốt trồng dó bầu lấy trầm hương đã gieo giấc mộng tỷ phú cho biết bao người.
Giấc mộng vài thập kỷ
Ông Hồ Tấn Lĩnh (thôn Bắc 2, xã Trà Sơn, huyện Trà Bồng) được biết đến là người “kỳ cựu” trong trồng dó bầu.
Ông Lĩnh mang ra một bọc nilon lớn, trong đó là những mẩu gỗ nhiều kích cỡ. Lựa một mẩu gỗ nhỏ, ông châm lửa đốt rồi nói: “Đây là thân của cây dó bầu vừa tạo dầu, nó còn “non” nên mềm và dễ mục, mùi cũng nhẹ nữa. Tôi chặt thử để kiểm tra, có người hỏi mua nhưng không bán”.
Vườn nhà ông Lĩnh có chừng trăm cây dó bầu ngoài 20 năm tuổi. Năm 1999 bị bão đổ gần hết, gây lại. Vài năm trước thương lái cũng tới hỏi mua với giá 1 triệu đồng/cây để bơm hóa chất tạo dầu nhưng ông không đồng ý.
“Trồng cái giống này là trồng cái hy vọng đổi đời, bán cho họ có được bao nhiêu đâu, rồi cũng tiêu hết. Nếu để đó thì còn hy vọng, chỉ cần 1 cây tạo dầu là mình thu được cả trăm triệu đồng, nhiều thì bạc tỷ”, ông nói.
Đợi mãi không thấy cây tạo dầu, tỏa mùi hương, ông tự thuê người về khoan lỗ trên cây để dụ kiến vào làm tổ. “Cái giống kiến vào ở thì cây sẽ tiết ra dầu, trầm hình thành từ đó”, ông chia sẻ.
Cũng như ông Lĩnh, ông Hồ Văn Đơn (thôn Bắc 2, xã Trà Sơn) ôm mộng tỷ phú trầm hương đã hơn 2 thập kỷ. Khi còn là chàng trai chỉ đôi mươi tuổi, ông Đơn đã rong ruổi khắp các chốn núi rừng của Trà Bồng, trèo lên đỉnh Cà Đam để “săn” dó bầu về trồng trong vườn nhà.
“Hồi đó toàn đi bộ nhưng băng đèo, vượt suối, đêm ngày lùng sục trên rừng để kiếm dó bầu tự nhiên về trồng. Mỗi đợt đi mất khoảng 3, 4 ngày, đợt nào may mắn thì kiếm được vài chục cây, đợt ít thì chỉ vài cây. Không nhớ nổi đã đi hết bao nhiêu đợt mới kiếm được khoảng 100 cây trong vườn”, ông Đơn hồi tưởng.
Hơn 20 năm trôi qua, giấc mộng của ông Đơn vẫn chưa thành hiện thực. Trong vườn, lượng cây dó cứ hao hụt dần, phần chết vì bệnh, phần vì gió bão.
Kẻ tỉnh, người vẫn còn mơ
Vài chục năm trước, khởi phát từ câu chuyện người đi rừng đổi đời nhờ trúng trầm hương, phong trào trồng dó bầu lan rộng khắp các xã miền núi của Quảng Ngãi. Riêng tại xã Trà Sơn, tất cả các thôn đều trồng dó bầu. Hầu như nhà nào cũng có trồng, ít thì vài chục, nhiều thì cả ngàn cây. Nhưng sau một thời gian thấy không hiệu quả, nhiều người đã chặt bỏ để chuyển sang trồng keo, một số khác vẫn còn nuôi hy vọng.
Ông Hồ Thanh On (thôn Đông, xã Trà Sơn, huyện Trà Bồng) bén duyên với dó bầu từ năm 30 tuổi. Quyết chơi “canh bạc lớn”, ông mua hạt ươm 5.000 cây dó bầu, giữ lại 1.000 cây để trồng, còn lại bán cho hàng xóm. Ông nhẩm tính, chỉ với chừng đó cây, 10 năm sau bán mỗi cây 10 triệu thì được 10 tỷ đồng. Thế nhưng, trồng được vài năm thì cây chết hàng loạt, cây sống mòn mỏi chờ người mua.
Cách đây 3 năm, ông mới bán được 116 cây dó với giá 55 triệu đồng cho tư thương. Họ khoan đục lỗ cho thuốc vào cấy, nhưng giờ vẫn chưa tạo được trầm hương.
Bão số 9 năm ngoái làm nhiều cây dó ngã xuống mái nhà gây hư hỏng, nhưng nhiều tháng qua ông On không buồn sửa lại.
Còn ông Hồ Văn Chân (thôn Bắc 2, xã Trà Sơn), hết hy vọng đổi đời nhờ trầm hương, ông thuê người san phẳng khu vườn trồng dó bầu. “Ở đây chỉ toàn thấy bán cây chứ chưa từng thấy tạo được trầm. Mãi không thấy trầm đâu, lại thêm gió bão nên cây đổ ngã hết, thôi chặt bỏ luôn để trồng keo”, ông nói.
Trong khi đó, trải qua hơn 20 năm chờ đợi, ông Hồ Tấn Lĩnh vẫn còn theo đuổi giấc mộng đổi đời.
“Ở xứ này, người ta luôn nói rằng: Nhất ngà voi, nhì trầm hương. Cây dó còn đó thì hy vọng còn đó, mình ăn không được thì con cháu hình hưởng…”, ông Lĩnh chắc nịch.
Ông Hồ Văn Tiến - Chủ tịch Hội nông dân xã Trà Sơn trầm ngâm: “Cơn sốt trồng dó bầu đã hạ nhiệt dần theo năm tháng. Hiện giờ người vẫn còn chăm bón, nuôi cấy, có người thì chặt bỏ. Như tôi, cũng chặt hết mấy chục cây dó bầu vì đợi mãi không thấy trầm đâu”.
Theo chia sẻ của người trồng dó bầu, quá trình tạo trầm hương từ cây dó bầu là sự phản ứng của các phần tử gỗ với các tác động bên ngoài gây ra như vết nứt, các loài nấm gây bệnh,… Khi một vùng nào đó bị tổn thương, cây sẽ tự tiết ra chất nhựa như một cách để băng bó vết thương. Sự kết hợp hòa quyện giữa tinh dầu nhựa và gỗ của cây dó bầu đã hình thành nên trầm hương. Trong tự nhiên, không phải cây dó nào cũng có thể sản xuất ra trầm. Trầm thường được tìm thấy ở những cây dó từ 10 năm trở đi. Trầm hương cho giá trị kinh tế rất cao và phân làm nhiều loại, trong đó loại 1 thường dao động từ vài trăm triệu đến vài tỷ đồng.
Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/trong-do-bau-lay-tram-huong-giac-mong-giua-dai-ngan-414950.html