Trong du lịch không có khái niệm ranh giới giữa tỉnh nọ và tỉnh kia!
Ông Vũ Thế Bình - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, mọi người cần phải làm quen với khái niệm an toàn mới và du lịch an toàn không có nghĩa là chỉ đi trong địa phương!
Chương trình phục hồi du lịch nội địa vừa được Hiệp hội Du lịch Việt Nam phát động trên toàn quốc. Theo ông, thực hiện chương trình vào thời điểm này liệu đã bảo đảm tiêu chí an toàn đặt ra chưa?
Theo tôi, đây là công việc cần phải làm dù còn đầy thử thách chưa thực sự làm rõ, hay thống nhất được khái niệm du lịch an toàn. An toàn hiện nay phải đi vào tất cả các khâu của hoạt động du lịch, đã đi là phải đi an toàn và phải ở chỗ an toàn.
Mặt khác, các dịch vụ cũng phải an toàn, gặp gỡ những người an toàn và đến thăm những điểm an toàn. Chuỗi an toàn này phải được thể hiện rõ bằng những tiêu chí cụ thể và từng bước hoàn thiện. Các doanh nghiệp du lịch sẽ khởi động và tạo điều kiện để mọi người quen với khái niệm an toàn mới.
Trên thực tế, một số địa phương đã bắt đầu mở cửa du lịch an toàn nội tỉnh. Xu hướng này sẽ tác động ra sao với sự phục hồi du lịch toàn quốc?
Tôi cho rằng du lịch an toàn không có nghĩa là chỉ đi trong địa phương đấy. Nếu địa phương bên cạnh an toàn thì chúng ta cũng có thể đi. Trong du lịch không có khái niệm ranh giới giữa tỉnh nọ và tỉnh kia mà chỉ có giới hạn các vùng an toàn.
Vì vậy chúng ta mới có khái niệm “bong bóng du lịch” - là con đường nối các vùng an toàn lại với nhau.
Vậy còn câu chuyện “vùng xanh”, không ít người vẫn e ngại thế nào là “vùng xanh” thực sự?
Khó khăn của chúng ta hiện nay chính là vấn đề nhận thức. Thực tế, có nhiều địa phương rất tích cực triển khai hoạt động du lịch, coi du lịch là công cụ để khôi phục kinh tế, nhưng nhiều địa phương lại chưa sẵn sàng ủng hộ việc này.
Chúng ta nên coi vùng xanh là điểm nhỏ nhất về an toàn ở trong một địa bàn nhất định, có thể một phường, một xã, một phố an toàn, một ngôi chùa an toàn là có thể khởi động đi thăm được.
Đương nhiên, việc triển khai chương trình phục hồi sẽ rất vất vả, vì chưa có sự thống nhất được về mặt nhận thức và trong các hoạt động của ngành du lịch. Thế nhưng, nếu không có sự mở lại thì sẽ khó có thể giải quyết được những tồn tại của ngành hiện nay.
Khi quyết định phát động chương trình này, Hiệp hội đã tính đến những khó khăn phải đối mặt?
Chúng tôi phải chấp nhận một thực tế là lực lượng làm du lịch đã “sứt mẻ” quá nhiều do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Bởi vậy, khó khăn lớn nhất là hầu hết các doanh nghiệp du lịch chỉ còn một lực lượng lao động rất nhỏ.
Chúng tôi cũng xác định khôi phục du lịch nội địa trong bối cảnh hiện nay còn nhiều khó khăn khác, trong đó có khó khăn về quan điểm an toàn của khách, quan điểm về an toàn của địa phương khác nhau, thể hiện bằng chính sách của các địa phương khác nhau.
Nỗi sợ về sự không an toàn trong đại dịch chắc sẽ ảnh hưởng lớn đến tâm lý của người dân khi quyết định đi du lịch. Ngoài ra, vấn đề vận chuyển cũng vô cùng khó khăn. Hiện nay, hàng không chưa có những chuyến bay nội địa bình thường.
Khi khởi động chương trình, chúng tôi biết hàng không đã trình các phương án mở lại đường bay nội địa. Thậm chí, các doanh nghiệp du lịch đã bàn với nhau sẽ dùng các chuyến bay riêng để bay từ tỉnh nọ đến tỉnh kia.
Tuy nhiên, theo tôi, trước tiên hãy đi du lịch nội địa bằng các phương tiện đường bộ, bằng xe riêng của mỗi người. Gần đây, chúng tôi phát triển loại hình du lịch caravan bằng xe tự lái, đảm bảo an toàn nhất định cho mọi người. Như vậy, tùy các điều kiện hiện tại cho phép mà chúng ta có những giải pháp để khắc phục.
Những địa phương tiềm năng nào ở trong “tầm ngắm” được Hiệp hội lựa chọn để khởi động chương trình phục hồi du lịch?
Trước tiên, chương trình phục hồi du lịch sẽ đến với những địa phương đã sẵn sàng đón khách. Ngay trong lễ phát động ngày 28/9 vừa qua, chúng tôi đã có 25 hiệp hội du lịch các tỉnh, thành phố đã tham dự, cam kết triển khai, 11 sở quản lý du lịch của các tỉnh cũng có mặt.
Hiện tại, Hiệp hội đã nhận được sự ủng hộ của nhiều địa phương như Lào Cai, Quảng Ninh… Chúng tôi cũng phải chọn lựa địa phương nào có đủ điều kiện thì sẽ triển khai trong đợt đầu, địa phương nào chưa đủ điều kiện thì triển khai đợt sau.
Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam Phạm Văn Thủy: “Sau bốn đợt dịch hoành hành ở hầu hết các tỉnh thành trong cả nước, du lịch Việt Nam có lẽ đã thực sự chạm đáy khi không thoát khỏi tình trạng khủng hoảng chung của du lịch toàn cầu. Có thể nói, đây là giai đoạn khó khăn nhất trong lịch sử của du lịch Việt Nam, với các chỉ số tăng trưởng sụt giảm lớn so với cùng kỳ. Bởi vậy, việc khởi động lại các hoạt động du lịch có ý nghĩa quan trọng, nhất là đối với cộng đồng doanh nghiệp nhằm từng bước vượt qua khó khăn, bắt nhịp lại trong điều kiện bình thường mới”.