Trồng dưa chuột Nhật cho hiệu quả kinh tế cao
'Giống dưa chuột Nhật này dễ trồng, ít rủi ro, mau thu hoạch. Vào mùa thu hoạch, tôi còn tạo việc làm cho hàng chục lao động ở địa phương…', anh Đinh Đức Cường, thôn Tiền Phương 1, xã Văn Phương (Nho Quan) chia sẻ về mô hình trồng dưa chuột Nhật của gia đình.
Anh Cường vốn là đầu bếp của một nhà hàng tại thành phố Ninh Bình, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, các nhà hàng đóng cửa trong thời gian dài, không có việc làm, từ đó anh quyết định về làm nông nghiệp ở địa phương.
Qua thời gian tự mày mò nghiên cứu, tìm hiểu thực tế về chất đất ở địa phương, đầu năm 2021 anh Cường bắt tay vào trồng thử nghiệm 2 ha giống dưa chuột Nhật, cho năng suất đạt 60 tấn. Nhận thấy loại cây trồng này cho năng suất cao, năm nay anh thuê lại ruộng của nhiều bà con trong xã, mở rộng diện tích lên hơn 10 ha. Ngoài ra, đầu tư nâng cấp, sắp thêm nhiều máy móc, nông cụ phục vụ cho việc trồng.
"Trồng dưa chuột đòi hỏi nhiều công, ngoài việc phải chuẩn bị nhiều cọc, lưới làm giàn leo cho cây, cây leo đến đâu cần buộc ngọn và nhánh vào giàn tới đó và phải thường xuyên cắt tỉa các loại lá vàng, đốm héo nhằm tránh lây lan bệnh cho ruộng. Dưa chuột Nhật là loại cây cho thu hoạch ngắn ngày, chỉ trong vòng 30 - 40 đã bắt đầu ra quả và thời gian thu hoạch có thể kéo dài từ 1,5 đến 2 tháng sau đó", anh Cường cho hay.
Các giống dưa Nhật đều thích nghi tốt với khí hậu và đất đai ở các tỉnh phía Bắc. Anh Cường trồng 2 vụ/năm, vụ thu đông và đông xuân là vụ chính, dưa chuột phát triển và cho năng suất cao nhất. Năng suất có thể đạt 40-60 tấn/ha, cho doanh thu từ 120 - 150 triệu đồng/ha/vụ.
Đến vụ thu hoạch, dưa chuột của gia đình anh Cường trồng được chuyển về nhà máy chế biến ở tỉnh Hòa Bình để chế biến đóng hộp và trực tiếp chuyển sang tiêu thụ tại thị trường Nhật Bản. Vụ này ước đạt 40 - 45 tấn/1ha, doanh thu ước đạt trên 1 tỷ đồng.
Dưa chuột Nhật Bản là loại cây lưỡng tính không cần ong thụ phấn, cho năng suất gấp 3 lần so với những giống dưa chuột thông thường. Việc trồng dưa chuột Nhật để xuất khẩu đòi hỏi phải đảm bảo theo tiêu chuẩn, quy trình chăm sóc cây qua nhiều bước như: theo dõi hồ sơ và nhật ký canh tác ở từng khâu; đất trồng phải tránh khu vực bị ô nhiễm; rễ của dưa chuột yếu nên khi làm đất phải cày bừa kỹ cho đất tơi xốp và dùng bột vôi để xử lý sâu bệnh.
Ngoài việc đầu tư phát triển diện tích trồng dưa chuột của gia đình, anh Cường còn hướng dẫn và cung cấp giống cho bà con trong xã có nhu cầu trồng và bao tiêu sản phẩm. Hiện mô hình gia đình anh Cường đang tạo việc làm cho hơn 30 lao động địa phương, với thu nhập dao động 160.000 - 200.000 đồng/ngày/lao động.
Có thể thấy, mô hình liên kết trồng dưa chuột Nhật xuất khẩu của anh Cường bước đầu đã thành công và mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực. Mô hình đã mở ra cơ hội mới trong sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung và nâng cao hệ số sử dụng đất, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người nông dân địa phương.
Bài, ảnh: Hoàng Hiệp