Trồng dứa liên kết mang nhiều triển vọng phát triển kinh tế

Mô hình liên kết sản xuất dứa tại Hà Tĩnh không chỉ góp phần khai phá tiềm năng sản xuất tại những vùng đất hoang hóa mà còn tạo việc làm cho lao động địa phương. Mô hình sản xuất mới này được đánh giá cao và mang nhiều triển vọng.

Những ngày này, từ sáng sớm, hàng chục công nhân thuộc tổ hợp tác (THT) sản xuất dứa Ngân Hà (xã Kỳ Hoa) tất bật bám đồi để thu hoạch vụ đầu tiên.

Năng suất khá

Được biết, từ vùng đất hoang hóa, 13 hộ dân thuộc THT đã phát triển và nhân rộng mô hình trồng dứa với tổng diện tích 8,5 ha. Đây là mô hình được hỗ trợ kỹ thuật trồng, chăm sóc và bao tiêu sản phẩm.

Theo tìm hiểu, cây dứa thường cho thu hoạch lứa đầu tiên sau 14-16 tháng xuống giống, lứa thứ hai sau khoảng 10 tháng. Sau 2 lần thu hoạch, nông dân sẽ tiến hành nhổ bỏ để trồng lại cây mới nhằm đảm bảo năng suất, chất lượng.

THT sản xuất dứa Ngân Hà tất bật thu hoạch vụ đầu tiên.

THT sản xuất dứa Ngân Hà tất bật thu hoạch vụ đầu tiên.

Toàn bộ diện tích dứa của THT được xuống giống từ tháng 5/2024, đến nay, 30% diện tích đã cho quả chín bói, số diện tích còn lại dự kiến sẽ cho thu hoạch vào cuối năm nay.

Anh Trương Xuân Hà, Tổ trưởng THT sản xuất dứa Ngân Hà chia sẻ, sau chuyến tham quan mô hình sản xuất dứa tại tỉnh Ninh Bình, nhận thấy cây dứa là loài cây chịu hạn tốt, phù hợp với vùng đất đồi, anh và các hộ gia đình đã quyết tâm xuống giống loại cây này trên vùng đất bỏ hoang thuộc xã Kỳ Hoa.

Sau khi được học hỏi kỹ thuật chuyển giao, các hộ dân THT đã đầu tư hơn 130 triệu đồng/ha để mua giống, xử lý đất, bón phân, thuê nhân công chăm sóc.

Trải qua hơn 1 năm, đến nay, 30% diện tích đã bắt đầu thu hoạch lứa đầu tiên với năng suất ước đạt từ 40-45 tấn/ha.

“Các thành viên THT và người dân đều rất phấn khởi. Sau khi thu hái, dứa được công nhân tập kết vào chân đồi để thuận tiện cho việc thu mua”, anh Hà cho biết.

Mô hình liên kết sản xuất dứa không chỉ góp phần khai phá tiềm năng sản xuất tại vùng đất hoang hóa mà còn tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương. Thời điểm này, có hơn 20 công nhân được huy động để thu hoạch dứa nhằm đảm bảo năng suất, chất lượng và tránh ảnh hưởng của thời tiết cực đoan.

Bà Hồ Thị Nga (thôn Nam Xuân, xã Kỳ Văn) chia sẻ: "Từ khi cây dứa được các thành viên THT triển khai trồng trên đất đồi Kỳ Hoa, tôi được thuê làm công nhân thời vụ với mức thu nhập từ 280.000 - 350.000 đồng/ngày. Trước đây, chúng tôi được thuê để trồng, bón phân, làm cỏ; khoảng 3 ngày nay, chúng tôi được huy động thu hoạch".

Theo đánh giá của các thành viên THT, vụ dứa đầu tiên cho năng suất khá, mỗi quả có trọng lượng từ 0,3 - 1kg, năng suất ước đạt từ 40-45 tấn/ha, tổng sản lượng dự tính hơn 400 tấn. Hiện nay, dứa đang được thu mua với giá 6.000 đồng/kg.

Ông Trương Văn Minh, thành viên THT cho biết: "Đây là lần đầu tiên, chúng tôi được cầm trên tay thành quả lao động là những quả dứa chín tự nhiên, thơm nức, ai nấy đều vui mừng. Trung bình mỗi ngày, chúng tôi thu hoạch từ 8-10 tấn quả, thu hái đến đâu được thu mua đến đó nên bà con yên tâm sản xuất. Cũng qua vụ mùa đầu tiên, chúng tôi sẽ đúc rút thêm nhiều kinh nghiệm để vụ tới đạt năng suất và chất lượng cao hơn".

Hứa hẹn nhiều triển vọng

Trước đó, tại huyện Kỳ Anh cũ, mô hình trồng dứa liên kết đã cho kết quả tích cực, hứa hẹn nhiều triển vọng sau nửa năm xuống giống.

Anh Nguyễn Văn Cường (thị xã Kỳ An cũ) cho biết: "Nhờ có nguồn giống tốt, phân bón phù hợp, thời tiết khá thuận lợi và được sự theo dõi, hỗ trợ kỹ thuật thường xuyên nên sau 6 tháng xuống giống, cây dứa sinh trưởng và phát triển tốt.

Lần đầu tiên tham gia phát triển thí điểm một loại cây trồng mới như cây dứa, với quy mô diện tích khá lớn, tôi cũng có phần lo lắng. Tuy nhiên, bước đầu, tôi thấy cây dứa đã thích nghi với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng ở đây, mặt khác nhờ sản xuất liên kết, có sự đồng hành thường xuyên của chính quyền, doanh nghiệp, đặc biệt được bao tiêu sản phẩm nên tôi khá yên tâm”.

Mô hình trồng dứa của anh Cường đã tạo việc làm cho nhiều lao động trên địa bàn với mức thu nhập bình quân 300.000 đồng/ngày.

Được biết, mô hình trồng dứa được triển khai là quá trình trăn trở tìm hướng phát triển kinh tế phù hợp với tiềm năng, lợi thế của lãnh đạo huyện Kỳ Anh cũ, đặc biệt trong điều kiện diện tích đồi, rừng trên địa bàn còn bỏ hoang nhiều hoặc đang trồng các loại cây cho hiệu quả kinh tế thấp.

Qua đánh giá bước đầu, cây dứa phát triển rất tốt. Ban lãnh đạo huyện và đại diện các hộ dân đều đánh giá cao và kỳ vọng vào mô hình sản xuất mới đầy triển vọng này.

Năm 2024, toàn tỉnh trồng được trên 180 ha tập trung ở các huyện Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Vũ Quang, Hương Khê (cũ).

Các hộ dân đều đánh giá cao và kỳ vọng vào mô hình sản xuất dứa liên kết.

Các hộ dân đều đánh giá cao và kỳ vọng vào mô hình sản xuất dứa liên kết.

Đại diện tỉnh nhận xét, việc trồng dứa theo mô hình liên kết đã đem lại những tín hiệu tích cực trong phát triển kinh tế, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.

Chương trình giảm nghèo bền vững tại Hà Tĩnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực, với việc giảm tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo, đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều đến cuối năm 2024, toàn tỉnh Hà Tĩnh có 9.236 hộ nghèo, tỷ lệ 2,40% (giảm bình quân 0,76%/năm); 11.736 hộ cận nghèo, tỷ lệ 3,04% (giảm bình quân 0,68%/năm).

Hỗ trợ mở rộng diện tích

Với những thành quả bước đầu, Hà Tĩnh vẫn đang hướng tới mở rộng thêm diện tích trồng dứa, đặc biệt là trên đất đồi, núi, thay thế các loại cây trồng kém hiệu quả.

“Là địa phương có diện tích đồi núi lớn, việc phát triển cây dứa thương phẩm sẽ là hướng đi mới, phát triển bền vững cho người dân Hà Tĩnh trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, thay đổi cho cây keo, cây ăn quả, cây ngắn ngày kém hiệu quả”, đại diện tỉnh cho biết.

Việc mở rộng diện tích trồng dứa tại Hà Tĩnh được đánh giá là một hướng đi hiệu quả, mang lại lợi ích kinh tế và góp phần vào sự phát triển nông nghiệp bền vững của địa phương.

Để tăng giá trị kinh tế trên đơn vị diện tích, thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân bố trí các diện tích đất phù hợp để phát triển cây dứa nguyên liệu, chuyển đổi các đồi keo, đất màu kém hiệu quả sang liên kết trồng dứa với doanh nghiệp, HTX để được hỗ trợ kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm, chế biến sâu. Mục tiêu sớm đưa cây trồng này thành cây chủ lực song hành cùng một số cây trồng hiệu quả khác.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác tập huấn, chuyển giao kỹ thuật trồng và chăm sóc; triển khai áp dụng quy trình sản xuất theo các quy chuẩn (VietGAP, hữu cơ) để tạo ra sản phẩm chất lượng, nâng cao hiệu quả sản xuất trên đơn vị diện tích.

Theo đó, sẽ cử cán bộ kỹ thuật thường xuyên phối hợp với địa phương trong quá trình quy hoạch vùng trồng, chăm sóc, thu hoạch; đảm bảo cung ứng giống đúng số lượng, chất lượng, chủng loại, quy cách và thời hạn đã cam kết; có cơ chế phù hợp để hỗ trợ sản xuất...

Ngoài ra, phối hợp với Liên minh HTX Việt Nam, Liên minh HTX tỉnh thành lập thêm nhiều HTX hiệu quả để liên kết, hỗ trợ người dân bao tiêu sản phẩm, tạo đầu ra ổn định giúp người dân yên tâm nâng cao sản xuất.

Linh Đan

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//kinh-doanh-xanh/trong-dua-lien-ket-mang-nhieu-trien-vong-phat-trien-kinh-te-1108298.html