Trồng hoa bán Tết và những nỗi lo

Trái với không khí mua sắm đang tất bật, cũng như niềm hân hoan, đón chờ một mùa xuân mới lại về, nhưng với những tiểu thương bán hoa Tết đó là bao nỗi âu lo đang chất chứa. Bởi với họ, bán hoa Tết không khác một 'canh bạc' là mấy. Chăm sóc, vun trồng nhiều tháng trời ròng rã: hết lo thời tiết 'đỏng đảnh', lại cầu mong hoa trúng mùa, rồi mong ước bán hết sớm… để về nhà 'ăn' Tết.

Thích mắt với luống hoa cúc rực vàng bên đường quê, tôi tìm người gieo trồng với ý định hỏi thăm về tình hình buôn bán hoa năm nay như thế nào. Tiếp tôi là người phụ nữ ngoài 40 tuổi tên Trúc Ly (ngụ ấp Hòa Tân, xã Định Thành, Thoại Sơn, An Giang).

Trong chiếc áo bà ba lấm tấm giọt mồ hôi, chị Trúc Ly vừa mời khách tách trà, vừa tâm sự về cái nghề bán hoa Tết lắm niềm vui, nhưng không ít nỗi lo này.

Đưa mắt nhìn luống hoa trước nhà, chị Trúc Ly cho biết: “Nhìn thấy vậy chứ năm nay thất mùa lắm! Năm ngoái, tôi trồng ít hơn nhưng được cái thời tiết “đãi” nên cũng trúng được mùa Tết. Thế là năm nay “thừa thắng xông lên”, tôi ươm giống nhiều hơn (1.500 chậu) nhưng không được mùa. Có lẽ sự thất thường của tiết trời ảnh hưởng nhiều đến hoa, nên gần 500 chậu cúc đương ra hoa tôi dày công chăm sóc bỗng chốc “thất thủ”.

Ban đầu nghĩ là cây bị vàng lá, tôi xịt thuốc, xanh tươi được vài hôm thì tệ hơn trước. Một số chết, số còn lại tôi cố gắng dưỡng, mong cứu vãn được tình hình. Gắn bó với nghề trồng hoa bán Tết này gần 10 năm nay, tôi cũng như bao người trồng hoa khác luôn mong thời tiết sẽ ủng hộ mình, để gia đình có được cái Tết ấm cúng hơn” - chị Trúc Ly chia sẻ.

Nghề trồng và bán hoa Tết được ví như “canh bạc”

Từ tháng 8 (âm lịch), chị Trúc Ly đã xuống giống các loại hoa, như: vạn thọ Pháp, cúc, hướng dương, cát tường. Ban ngày cũng như ban đêm, không lúc nào chị Trúc Ly lơ là việc chăm sóc hoa. Tình hình thời tiết hay sâu bệnh là những nỗi lo thường trực đối với những người nông dân dấn thân vào nghề trồng hoa Tết như chị Trúc Ly.

Nhớ lại năm ngoái, dù trồng ít nhưng trừ hết chi phí sau mùa hoa Tết, gia đình chị Ly còn lời hơn 20 triệu đồng. Với người bán hoa Tết, đó là niềm vui, động lực để họ không ngại vất vả, cực nhọc để vun trồng thêm những bông hoa tươi đẹp phục vụ nhiều người vui Tết.

Những năm thời tiết thuận lợi, hoa “được giá” thì thắng lớn, nhưng năm thời tiết thất thường, kinh tế khó khăn, hoa không bán được thì người trồng hoa chịu lỗ. Thế nhưng, nghề trồng hoa đã gắn bó người dân ở đất Định Thành này, nên cứ đến hẹn, bà con lại tất bật với công việc trồng hoa bán Tết.

Cùng với nỗi lo trên, người trồng hoa Tết còn một nỗi lo mang tên “30 Tết”. Trồng hoa đã vất vả nhưng mãi đến 29 hay 30 Tết mà hoa vẫn còn nhiều, coi như người trồng hoa và thương lái đều lỗ nặng. Nhiều năm nay, người dân có xu hướng chờ đến những ngày cận Tết như: 28, 29, 30 (âm lịch) mới chịu đi mua hoa, với tâm lý khi ấy giá hoa sẽ rẻ hơn, người bán sẽ hạ giá để còn về với gia đình. Nếu tiểu thương không bán thì số hoa ấy, sau ngày “30 Tết” sẽ chẳng còn ý nghĩa.

“Tết nào, tôi cũng góp mặt vào chợ hoa Tết ở thị trấn Núi Sập (Thoại Sơn). Bán ở chợ tuy cực hơn, vì phải chịu cảnh “ăn bờ ngủ bụi” nhưng bù lại, nhiều người mua hơn. Song nỗi sợ mua hoa chiều “30 Tết” vẫn luôn là nỗi lo của tiểu thương chúng tôi. Nhiều năm trước, ba tôi bị ép giá chiều “30 Tết” nên rất ấm ức.

Thật ra, những ngày 29 hay 30 Tết, chúng tôi bán hoa có giá sẽ rẻ hơn là để mong kiếm thêm chút đỉnh tiền công về đón giao thừa cùng gia đình. Nhưng bà con nên thương những người trồng hoa như chúng tôi, mua hoa sớm thì cái Tết của chúng tôi tươm tất hơn, vui hơn; ai mà không mong về với gia đình. Người bán hoa như chúng tôi không sợ cực hay phải “ăn ngủ ngoài đường”, nhưng người mua nếu cứ chờ đến “30 Tết” mới mua thì… khổ cho chúng tôi lắm” - chị Trúc Ly bộc bạch.

Nhà ngay chợ hoa Tết trên đường Bùi Văn Danh (phường Mỹ Xuyên, TP. Long Xuyên), không ít lần chứng kiến cảnh người mua hoa kỳ kèo “bớt một thêm hai” khi mua hoa Tết “cuối mùa”, chị Nguyễn Thị Thu không khỏi ngao ngán. Theo chị Thu, năm ngoái chị mua vài chậu hoa mười giờ về trồng trước nhà, nghe người bán báo giá 14.000 đồng/cặp thì chị bất ngờ lắm. Thấy giá rẻ quá, chị Thu không trả giá mà mua liền 10 cặp về nhà.

“Tôi nghĩ, người trồng hoa cực khổ vun trồng, chăm sóc rất lâu mới có được những bông hoa đẹp nhất để mang ra chợ, mua đã trễ mà còn trả giá, tội nghiệp cho người bán hoa Tết. Biết được nỗi khổ này, mấy năm nay tôi toàn mua hoa từ rất sớm, trước là để có thời gian chọn cho mình những chậu hoa đẹp nhất, sau là để ủng hộ người bán, giúp họ… có cái Tết như mọi người” - chị Thu bày tỏ.

Trong tiết trời se lạnh của những ngày cận Tết, bất chợt tôi thấy ấm lòng khi nghe được câu nói của một chị đang lựa hoa để mua chưng Tết: “Mua sớm để có hoa đẹp. Nếu hoa có héo thì ra mua nữa có gì mà lo!”. Hẳn người bán hoa cũng sẽ ấm lòng khi nghe những câu nói rất thật ấy, với người trồng và bán hoa chỉ có vậy, Tết thật sự đến với họ khi hoa được bán hết. Vậy thì tại sao chúng ta không cùng nhau giúp họ có được một cái Tết sum vầy.

Bài, ảnh: PHƯƠNG LAN

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/trong-hoa-ban-tet-va-nhung-noi-lo-a262490.html