'Trong khi chờ đợi Godot' và sự mở đầu của kịch phi lý

Hai người đàn ông tự hỏi họ có nên tiếp tục chờ đợi. Họ trở đi trở lại những suy nghĩ về cuộc đời, sự tồn tại. Sau cùng, điều duy nhất họ có thể làm là chờ đợi.

Trong khi chờ đợi Godot được viết năm 1948, nhưng phải đợi tới 3 năm sau mới được in. Vở kịch được công diễn lần đầu tiên ngày 3/1/1953 tại Nhà hát Babylone (Theấtre de Babylone), Paris, Pháp. Vở kịch được xem là tác phẩm mở đầu cho thể loại kịch phi lý.

 Sách Trong khi chờ Godot. Ảnh: Nhã Nam.

Sách Trong khi chờ Godot. Ảnh: Nhã Nam.

“Chúng ta đang chờ đợi Godot”

Trong khi chờ đợi Godot là vở kịch ngắn thuộc thể loại kịch phi lý gồm 2 hồi. Hồi một mở màn với hình ảnh Vladimir và Estragon trong buổi chiều ở nông thôn. Họ đang chờ đợi Godot. Cuộc chờ đợi ấy không biết bắt đầu từ bao giờ.

Để giết thời gian khi chờ đợi, họ tán gẫu về con người, cuộc đời, quá khứ, tương lai. Thêm hai nhân vật xuất hiện là ông chủ Pozzo và người hầu Lucky. Cặp nhân vật này xuất hiện, đấu tranh với nhau rồi rời đi. Hai kẻ lang thang tiếp tục đợi, nhưng Godot không xuất hiện. Kết thúc hồi một, hai người chia tay nhau.

Ở hồi 2, thời gian cũng lặp lại như thế, Vladimir và Estragon vẫn đợi, Godot gửi một người đưa tin đến nói hôm nay sẽ không đến. Có thể ngày mai ông ta sẽ đến. Hai nhân vật nói với nhau rằng họ rời đi, nhưng cả hai đều không nhúc nhích. Vở kịch kết thúc ở đó.

Có thể rồi ngày mai lại đến, họ lại gặp nhau dưới gốc cây trơ trụi ấy, tiếp tục cuộc chờ đợi kéo dài. Sự lặp lại ở hồi một và 2 của vở kịch đã tạo nên vòng lặp giễu nhại đồng thời cũng thể hiện tính vô nghĩa của đời sống.

Hai người đàn ông tự hỏi liệu họ có nên chờ đợi nữa hay không. Họ trở đi trở lại những suy nghĩ của mình về cuộc đời, sự tồn tại của chính mình. Sau cùng, điều duy nhất họ có thể làm là chờ đợi.

Vở kịch không có cốt truyện, diễn biến hay cao trào, chỉ có các cuộc đối thoại rời rạc, với những tranh luận về cuộc sống, sự hy vọng.

Hai nhân vật được xây dựng trong bộ dạng nghèo khổ, với bộ quần áo rách nát, khuôn mặt khắc khổ. Họ chờ đợi Godot đến để cứu rỗi cuộc đời mình, nhưng cả hai người đều mơ hồ về nhân vật này. Đôi khi, Estragon còn quên mất lý do họ lại ở đó. Vladimir luôn phải nhắc lại rằng: “Chúng ta đang chờ đợi Godot”.

Nhân vật bí ẩn Godot đã mở ra nhiều khả năng diễn giải, cũng như nhiều lớp ý nghĩa cho vở kịch. Godot có thể là chúa, là thần, là tia hy vọng, là ngày mai, thậm chí là một chủ nghĩa… Dù là gì, Godot cũng không thể hiện hữu. Con người bám vào sự hy vọng với Godot để trốn tránh thực tại cuộc sống vô nghĩa của mình.

 Trong khi chờ đợi Godot trên sân khấu Gerald W. Lynch. Ảnh: Exeuntnyc.

Trong khi chờ đợi Godot trên sân khấu Gerald W. Lynch. Ảnh: Exeuntnyc.

Tác phẩm mở đầu của thể loại kịch phi lý

Kịch phi lý là khái niệm gắn với loạt hiện tượng trong văn học Tây Âu những năm 50-60 của thế kỷ 20. Khái niệm “phi lý” xuất phát từ triết học chủ nghĩa hiện sinh về sự vô nghĩa của cuộc sống.

Trong khi chờ đợi Godot đã khai phá một cõi người triền miên vô nghĩa, và nhàm chán. Mỗi ngày đều lặp đi lặp lại trong sự chờ đợi. Godot cũng giống như ngày mai, con người không thể nào tới được. Con người chỉ có thể “sống mòn” trong mỗi ngày lặp lại như vậy.

Albert Camus từng suy tư trong Thần thoại Sisyphus về hành động lặp đi lặp lại việc lăn tảng đá lên đỉnh núi mỗi ngày của Sisyphus, đem nó soi chiếu với cuộc sống nhàm chán vô nghĩa của con người mỗi ngày. Hành động chờ đợi Godot cũng nằm trong dòng chảy suy tư ấy. Nó là dòng tư tưởng của chủ nghĩa hiện sinh xuất hiện trong văn học nghệ thuật sau Chiến tranh thế giới thứ hai.

Từ hệ thống sáng tác của Beckett, đặc biệt với tác phẩm kịch Trong khi chờ đợi Godot, lúc bấy giờ giới phê bình xuất hiện thuật ngữ “Beckettian” dùng để biểu đạt cái nhìn ảm đạm về cuộc đời với một tinh thần hài hước sâu cay, đến từ chính các sáng tác của Samuel Beckett.

Với vở kịch phi lý Trong khi chờ đợi Godot, Beckett cũng nỗ lực lược bỏ ngôn ngữ, mở rộng khoảng lặng, để người đọc, người xem có thể tự đặt ra những diễn biến tiếp nối cho riêng mình.

Khi trao giải Nobel cho Beckett năm 1969, đại diện Viện Hàn lâm Thụy Điển đã viết: “Đến cuối vở, cũng như đến cuối đời mình, ta vẫn không biết gì về Godot. Đến khi màn hạ, chúng ta không hề có gợi ý nào về cái thế lực mà chúng ta vừa chứng kiến sự hành tiến của nó. Nhưng chúng ta biết một điều, điều mà toàn bộ sự khủng khiếp của trải nghiệm này không thể tước đoạt khỏi ta: Đó là sự chờ đợi của chúng ta”.

Trong khi chờ đợi Godot đã thể hiện sự vô nghĩa của đời sống, nhưng đồng thời từ ấy người đọc cũng có thể cảm nhận được rằng việc được sống mỗi ngày cũng đã là một điều thật sự ý nghĩa rồi. Nó cũng chính là bản chất sâu xa của chủ nghĩa hiện sinh trong văn học nghệ thuật.

Samuel Beckett (1906-1989) sinh ra ở Dublin. Từ năm 1938, ông định cư tại Paris và bắt đầu sáng tác bằng tiếng Pháp từ năm 1945. Năm 1951, ông cho ra mắt tiểu thuyết tiếng Pháp đầu tay Molloy và năm sau là tác phẩm Trong khi chờ đợi Godot. Vở kịch được công diễn lần đầu năm 1953 tại Paris, do Roger Blin dàn dựng, không lâu sau được dịch và diễn trên khắp thế giới.

Tác phẩm đã có ba bản dịch tại Việt Nam: Trong khi chờ Godot, Mai Vi Phúc dịch, NXB Kỷ Nguyên (1969); Chờ đợi Godot, Đình Quang dịch, NXB Thế Giới, (1995); Trong khi chờ Godot, Vũ Đình Phòng dịch, tạp chí Văn học nước ngoài (1997).

Bản dịch mới nhất Trong khi chờ đợi Godot do Siu Pham chuyển ngữ, Nhã Nam phát hành cuối năm 2020.

Thủy Nguyệt

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/trong-khi-cho-doi-godot-va-su-mo-dau-cua-kich-phi-ly-post1173312.html