Trong khủng hoảng Covid-19, nước ngoài gia tăng 'thâu tóm' doanh nghiệp ViệtTrong khủng hoảng Covid-19, nước ngoài gia tăng 'thâu tóm' doanh nghiệp Việt
Có sự gia tăng mạnh về lượt mua cổ phần và góp vốn vào doanh nghiệp Việt Nam của nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian diễn ra dịch bệnh do Covid-19.
SaraminHR, nền tảng tuyển dụng niêm yết trên sàn KOSDAQ gần đây đã đặt chân vào thị trường Việt Nam thông qua việc công bố đầu tư chiến lược vào nền tảng tuyển dụng IT TopDev. Giá trị thương vụ không được tiết lộ, tuy nhiên theo thông tin từ TopDev, SharaminHR sẽ đóng góp vào chiến lược phát triển của công ty trong thời gian tới.
Lý do SaraminHR rót vốn vào TopDev vì đây là một nền tảng tuyển dụng và việc làm dành riêng trong lĩnh vực công nghệ thông tin (IT), nơi sở hữu hàng trăm ngàn hồ sơ lập trình viên, với các khách hàng là hầu hết các công ty công nghệ tại Việt Nam và khu vực.
Khó khăn của người này, cơ hội đầu tư của kẻ khác
Cũng không khó hiểu về việc đầu tư của nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc này bởi lẽ ngành IT của Việt Nam được đánh giá là đang trên đà phát triển mạnh kéo theo nhu cầu về nhân lực trong ngành này tăng đột biến, phong trào startup cùng với chuyển đổi số (digital transformation),...
SaraminHR đã từng thành công tại Hàn Quốc với những nền tảng công nghệ Big Data và Trí tuệ nhân tạo (AI). Đại diện Saramin cho rằng thương vụ đầu tư chiến lược vào TopDev là bước đầu tiên trong kế hoạch mở rộng thị trường toàn cầu của Saramin.
SaraminHR chỉ là một trong số hàng trăm doanh nghiệp nước ngoài đã rót vốn đầu tư hoặc mua cổ phần của doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian diễn ra dịch bệnh do Covid-19 gây ra.
Chỉ tính riêng trong tháng 3 vừa qua, tháng bị ảnh hưởng của dịch bệnh do Covid-19, cũng là khoảng thời gian có lượng nhà đầu tư ngoại rót vốn đầu tư, mua cổ phần của doanh nghiệp Việt Nam tăng cao.
Cụ thể theo Cục Đầu tư nước ngoài, trong tháng 3, cả nước có đến 940 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị vốn góp là hơn 1,172 tỉ đô la Mỹ.
So với cùng kỳ năm ngoái, số lượt doanh nghiệp ngoại thâu tóm hoặc đầu tư vào doanh nghiệp trong nước tăng đến 324 lượt (tăng gần 35%) và hơn 662 triệu đô la (tức tăng hơn 56%). Và nếu so với hai tháng liền kề trước đó thì số vốn góp và mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong tháng 3 rồi cũng vượt xa.
Bàn tay sắt không ngại bắt dao đang rơi
Trao đổi với TBKTSG Online về vấn đề này, luật sư Trương Thanh Đức, Công ty Luật Basico, cho rằng nhiều cổ phiếu trên thị trường chứng khoán giữa mùa dịch Covid-19 bị rớt xuống thê thảm khiến nhà đầu tư ngoại có tiềm lực tài chính mạng và có nhiều kinh nghiệm trên thương trường có thể nhanh chân "thâu tóm".
Tất nhiên, dịch bệnh này không chừa bất cứ một ai, nhưng theo luật sư Đức, "sức khỏe" của phần lớn nhà đầu tư ngoại được đánh giá bền bỉ hơn doanh nghiệp trong nước vốn chủ yếu có quy mô nhỏ, sức đề kháng thấp dễ bị tổn thương.
Nếu như trong điều kiện kinh doanh bình thường, các nhà đầu tư ngoại khó có thể mua được cổ phiếu giá thấp hoặc thậm chí không thể mua được cả ở giá cao vì doanh nghiệp không bán ra.
Nhưng tình hình dịch bệnh hiện nay đã khác, nhà đầu tư nào có tiềm lực tài chính giờ đây có thể mua được cả hai gồm cổ phiếu giá thấp và cổ phiếu doanh nghiệp mà trước đây họ không mua được, luật sư Đức phân tích.
Trong bối cảnh thị trường chứng khoán liên tục có những phiên bán tháo do những lo ngại về sự ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc giá cổ phiếu được sử dụng làm tài sản thế chấp lao dốc trở thành mối quan tâm của không ít nhà đầu tư.
Doanh nghiệp trong nước ứng phó thế nào?
Trên thực tế, theo nhiều doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán, giữa thời kỳ dịch Covid-19 này, thị giá cổ phiếu rơi về vùng giá rất thấp và không ít giá cổ phiếu rơi quá xa giá trị thật. Do đó, doanh nghiệp niêm yết trên thị trường hiện nay không những phải lo tổ chức hoạt động kinh doanh, mà còn phải lo đối ứng với tâm lý đám đông bán tháo cổ phiếu.
Nhiều doanh nghiệp có quy mô lớn đã hành động mua vào cổ phiếu của chính mình, nhằm bình ổn tâm lý cho nhà đầu tư. Và không ít doanh nghiệp lập kế hoạch chi cả ngàn tỉ đồng để mua cổ phiếu quỹ, coi đây là một “đơn thuốc” khẩn cấp nhằm cứu giá cổ phiếu, đồng thời tăng “kháng thể” cho doanh nghiệp nhằm phòng ngừa nguy cơ bị thâu tóm.
Theo cảnh báo của nhiều chuyên gia, hiện các doanh nghiệp trong nước đang đối mặt với nhiều khó khăn và dịch bệnh do Covid-19, trong đó có nguy cơ bị thâu tóm bởi các doanh nghiệp nước ngoài.
Không ngẫu nhiên mà gần đây Văn phòng UBND TPHCM cũng có thông tin về việc lãnh đạo thành phố vừa giao Sở Xây dựng đánh giá thị trường bất động sản trong thời gian qua trước làn sóng doanh nghiệp ngoại đổ xô vào thị trường nhà đất Việt Nam.
UBND TPHCM yêu cầu Sở Xây dựng làm rõ các xu hướng đầu tư trên thị trường, các bất cập trong công tác quản lý để tham mưu giải pháp quản lý, giám sát phù hợp.
Chưa hẳn đã là điềm xấu
Theo Luật sư Trương Thanh Đức, nếu dịch bệnh kéo dài thì khả năng "rơi rụng" hoặc bị thâu tóm của doanh nghiệp trong nước sẽ là rất cao.
Bỏ qua dịch bệnh do Covid-19, nhìn lại mức tăng trưởng kinh tế những năm gần đây và hướng về tương lai gần, theo ông Đức, Việt Nam có nhiều triển vọng về phát triển kinh tế và lợi thế ổn định chính trị là điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư tìm đến.
Luật sư Đức dự báo khi dịch Covid-19 đi qua, khả năng giao dịch mua bán - sáp nhập (M&A) ở thị trường trong nước sẽ tăng cao đáng kể. Hồi đầu năm nay, hãng tin Nikkei cũng cho rằng M&A sẽ tăng mạnh ở Đông Nam Á trong năm 2020 này và các công ty Việt Nam trở thành mục tiêu ưa thích hàng đầu của các tập đoàn lớn.
Các thương vụ góp vốn, mua cổ phần sẽ giúp doanh nghiệp tăng vốn điều lệ được đánh giá là tích cực, khi làm tăng nội lực tài chính của đơn vị, mở rộng và đa dạng hóa cơ cấu cổ đông, đặc biệt là cổ đông chiến lược, để tận dụng khả năng quản trị, các quan hệ kinh doanh, chuỗi cung ứng, tăng lợi thế cạnh tranh.
Ngược lại, với các thương vụ không làm tăng vốn điều lệ, thường diễn ra dưới các hình thức cổ đông trong nước thoái vốn, hoặc chính doanh nghiệp tự bán mình. Nguyên nhân có thể vì chủ công ty nhận thấy khả năng cạnh tranh đã suy yếu trong môi trường khốc liệt hiện nay, nên quyết định chuyển nhượng doanh nghiệp trước khi quá muộn.
Các cổ đông lớn cũng không tin tưởng vào triển vọng phát triển của doanh nghiệp, do đó thoái vốn dần cho những đối tác mới là các nhà đầu tư nước ngoài, vốn có tiềm lực tài chính mạnh nên sẵn sàng trả giá ở mức chấp nhận được.
Trong quí 1-2020, cả nước có 2.523 lượt góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn gần 2 tỉ đô la Mỹ, bao gồm: 455 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị góp vốn là 710 triệu đô la và 2.068 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 1,25 tỉ đô la.
(Nguồn: Tổng cục Thống kê)
Hùng Lê