Trọng Lân rũ bỏ mác 'trai đểu' để trở thành nam chính trưởng thành
Từ những vai phụ đầy định kiến, Trọng Lân đang cho thấy nỗ lực thoát khỏi hình ảnh cũ để bước vào những tuyến vai chính diện, có chiều sâu và gần gũi hơn với đời sống.
Suốt nhiều năm kể từ khi xuất hiện trên truyền hình, Trọng Lân là cái tên gắn liền với những vai “trai đểu”, “bad boy”, thậm chí bị khán giả liệt vào danh sách những nhân vật bị ghét nhất màn ảnh nhỏ. Thế nhưng từ những vai phụ đầy định kiến, nam diễn viên sinh năm 1993 đang cho thấy nỗ lực thoát khỏi hình ảnh cũ để bước vào những tuyến vai chính diện, có chiều sâu và gần gũi hơn với đời sống.
Gắn liền với hình ảnh phản diện
Trọng Lân bắt đầu được chú ý khi tham gia bộ phim truyền hình nổi tiếng "Người phán xử" (2017). Trong vai Bá Anh – con trai một ông trùm, dù chỉ xuất hiện với thời lượng không nhiều, Lân vẫn gây ấn tượng bởi nét diễn ngông nghênh, hỗn hào, đúng chất “cậu ấm giang hồ”. Đây là vai diễn đầu tiên định hình cho phong cách “trai hư” gắn liền với anh suốt nhiều năm sau đó.

Trọng Lân (phải) khởi đầu nghiệp diễn với những vai trai hư, trai đểu. Ảnh: VFC
Ngay sau đó, anh tiếp tục ghi dấu ấn với vai Phong “Cấn” – con trai của ông trùm Thiên Thai trong "Quỳnh búp bê". Phong là một công tử ăn chơi, nghiện ngập, bạo lực và xem thường phụ nữ. Nhân vật này tạo nên nhiều tranh cãi, nhưng cũng giúp Trọng Lân nổi bật hơn trong dàn diễn viên trẻ. Cách thể hiện ánh mắt lạnh lùng, thái độ ngạo mạn, cùng những tình huống bạo lực đã khiến Phong trở thành một trong những vai phản diện gây ám ảnh.
Giai đoạn từ 2017 đến 2020, Trọng Lân liên tiếp đảm nhận các nhân vật mang tính cách tiêu cực. Từ Cường trong "Cô gái nhà người ta" đến những vai tình cũ thủ đoạn, người yêu ích kỷ, Lân dần bị “đóng khung” vào những hình tượng nhân vật bị khán giả...không ưa. Trong một bài phỏng vấn, anh từng chia sẻ rằng có đến 9/10 vai mình đảm nhận là phản diện và gần như phim nào cũng có cảnh bị ăn tát. Đây cũng là lý do khiến anh từng cảm thấy bản thân bị lặp lại và mong muốn có cơ hội thử sức với những dạng vai đa dạng hơn.
Thoát khỏi “mác phản diện”, bước đầu làm nam chính
Dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp của Trọng Lân đến vào năm 2022, khi anh đảm nhận vai chính trong "Lối về miền hoa" – bộ phim truyền hình dài tập phát sóng giờ vàng. Nhân vật Lợi “đầu bò” là một thanh niên quê có phần nông nổi, bốc đồng, nhưng lại ấm áp và chân thành. Đây là lần đầu tiên anh rũ bỏ hoàn toàn hình ảnh trai hư để hóa thân vào một nhân vật chính diện, gần gũi và đời thường.

Trọng Lân trong "Lối về miền hoa". Ảnh: FBNV
Dù vẫn còn hạn chế về diễn xuất ở một số phân đoạn nội tâm, Lân đã nhận được nhiều lời khen về sự tiến bộ. Quan trọng hơn, vai diễn này giúp anh thay đổi cái nhìn của khán giả, mở ra một hướng đi mới trong lựa chọn nhân vật – không còn là kẻ phản diện, mà là người đàn ông bình thường, có cả điểm mạnh lẫn yếu điểm.
Trọng Lân chia sẻ: “Nhiều khán giả nhận xét, đây là ‘cú lột xác’ của Trọng Lân. Tôi rất hạnh phúc vì những phản hồi tích cực từ khán giả… Tôi cảm thấy may mắn khi được đạo diễn Vũ Minh Trí tin tưởng giao vai chính xuyên suốt cả bộ phim”.
Trọng Lân tiếp tục theo đuổi hướng đi này trong "Không ngại cưới, chỉ cần một lý do" – một bộ phim lãng mạn hiện đại, nơi anh vào vai một chàng trai trẻ dần trưởng thành vì tình yêu. Cách xây dựng nhân vật không quá kịch tính, nhưng đủ để Lân thể hiện sự mềm mại và tự nhiên hơn trong lối diễn.
“Cầu vồng ở phía chân trời” – bước trưởng thành đáng chú ý
Năm 2025, Trọng Lân tái xuất màn ảnh với vai Tuấn trong "Cầu vồng ở phía chân trời" – bộ phim phát sóng khung giờ vàng trên VTV3. Đây được xem là một bước trưởng thành rõ nét trong hình ảnh của anh.

Trọng Lân đảm nhận vai nam chính trong "Cầu vồng ở phía chân trời". Ảnh: VFC
Tuấn là một ông bố đơn thân, một chủ quán pub nhỏ, vừa chăm sóc con gái nhỏ, vừa gồng gánh trách nhiệm với người cha già mắc bệnh lú lẫn. Nhân vật này không còn bóng dáng của những công tử ăn chơi, không có những chiêu trò phản diện quen thuộc, mà là một người đàn ông đang loay hoay giữa những áp lực thường nhật: cơm áo, tình cảm và trách nhiệm gia đình.
Dù không phải là nhân vật lý tưởng hay hoàn hảo, Tuấn là một dạng vai có “đời”, đủ để diễn viên thể hiện những sắc thái tâm lý khác nhau – từ bối rối, vụng về trong việc chăm con, đến day dứt khi đối diện với cha mình. Với vai diễn này, Trọng Lân có cơ hội thể hiện nội tâm nhân vật qua ánh mắt, cử chỉ thay vì chỉ dựa vào thoại hay kịch tính.

Ảnh chụp màn hình
Sự kết hợp với nữ diễn viên Anh Đào trong tuyến chuyện tình “ghét trước yêu sau” cũng tạo nên điểm nhấn thú vị. Cả hai từng đóng cặp trong Lối về miền hoa, nay tiếp tục phát triển mối quan hệ nhiều va chạm nhưng chân thật hơn trên màn ảnh.
Trong bối cảnh truyền hình Việt Nam liên tục sản sinh lớp diễn viên trẻ với ngoại hình và sức hút mạnh trên mạng xã hội, Trọng Lân chọn cách đi chậm nhưng chắc. Từ một diễn viên thường xuyên bị đóng khung trong những vai bị ghét, anh dần khẳng định bản thân qua những vai chính tử tế, gần gũi và phản ánh đời sống hiện thực.