Trồng mắc ca tại Pha Mu đã có tín hiệu vui

Những năm qua, xã Pha Mu (huyện Than Uyên) tích cực vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từng bước đưa cây mắc-ca trở thành hướng phát triển kinh tế mới, mang tính bền vững và lâu dài. Việc đưa cây mắc-ca vào sản xuất bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực, mở ra nhiều kỳ vọng về cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân địa phương.

Trước đây, phần lớn hộ dân ở xã Pha Mu chủ yếu canh tác ngô, sắn trên đất đồi dốc, điều kiện canh tác khó khăn, năng suất thấp nên hiệu quả kinh tế không cao. Cuộc sống của bà con còn nhiều vất vả, thu nhập bấp bênh, thiếu ổn định. Nhằm tìm hướng đi mới để cải thiện đời sống người dân, năm 2019, huyện Than Uyên vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa cây mắc-ca có giá trị kinh tế vào sản xuất.

Hưởng ứng chủ trương của huyện, cấp ủy, chính quyền xã Pha Mu tích cực tuyên truyền, vận động bà con mạnh dạn thay đổi tập quán canh tác, từng bước chuyển sang trồng cây mắc-ca trên những diện tích đất dốc kém hiệu quả. Với những ưu điểm như dễ trồng, ít sâu bệnh, tốn ít công chăm sóc, cây mắc-ca nhanh chóng được người dân đón nhận.

Lãnh đạo xã Pha Mu (huyện Than Uyên) kiểm tra sự sinh trưởng phát triển của cây mắc-ca.

Lãnh đạo xã Pha Mu (huyện Than Uyên) kiểm tra sự sinh trưởng phát triển của cây mắc-ca.

Tiêu biểu là gia đình anh Lò Văn Giót ở bản Pá Khôm. Nhận thấy tiềm năng từ cây trồng mới, gia đình anh đầu tư trồng hơn 3.000m² mắc-ca. Sau vài năm chăm sóc, năm 2024, đồi mắc-ca của anh bắt đầu bói quả, thu về gần 1 tạ quả tươi. Với giá bán dao động từ 50.000 - 80.000 đồng/kg, gia đình anh có nguồn thu nhập bước đầu ổn định. Theo anh Giót, năm 2025, cây bắt đầu vào thời kỳ thu hoạch rộ, dự kiến sản lượng có thể đạt khoảng nửa tấn quả tươi, mang lại nguồn thu đáng kể, cao hơn nhiều lần so với trồng ngô hay lúa trước đây. Gia đình anh kỳ vọng cây mắc-ca sẽ là hướng đi mới giúp thoát nghèo bền vững. Tương tự, gia đình ông Lò Văn Yên (bản Pá Khôm) đã trồng 3.000m² mắc-ca và đã cho thu hoạch. Ông Yên chia sẻ: "Mắc-ca không chỉ giúp tiết kiệm công chăm sóc mà còn mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp gia đình từng bước ổn định cuộc sống".

Thành công bước đầu từ mô hình của gia đình anh Giót, ông Yên đã tạo sức lan tỏa trong cộng đồng, thúc đẩy nhiều hộ dân khác trong bản mạnh dạn chuyển đổi cây trồng. Tính đến nay, toàn xã Pha Mu có 21,15ha cây mắc-ca, tập trung chủ yếu ở các bản: Chít, Pá Khôm. Anh Vàng A Sử - Phó Chủ tịch UBND xã Pha Mu cho biết: Cây mắc-ca sinh trưởng tốt, thích nghi với khí hậu địa phương, ít sâu bệnh, chi phí đầu tư thấp. Toàn xã hiện có 14,95ha đã bước vào thời kỳ cho thu hoạch, mỗi cây có thể cho từ 3 - 5kg quả tươi. Với giá bán trung bình từ 50.000 - 80.000 đồng/kg quả tươi (tùy theo đã bóc vỏ hay chưa), người trồng mắc-ca có thể thu về 20 - 30 triệu đồng/ha/năm, mức thu nhập cao hơn hẳn so với các loại cây trồng truyền thống.

Người dân bản Pá Khôm (xã Pha Mu) cắt tỉa cành giúp cây mắc-ca phát triển cân đối, tán đều, đậu quả nhiều.

Người dân bản Pá Khôm (xã Pha Mu) cắt tỉa cành giúp cây mắc-ca phát triển cân đối, tán đều, đậu quả nhiều.

Ngoài giá trị kinh tế, cây mắc-ca còn có chi phí đầu tư và công chăm sóc thấp, thích hợp với điều kiện lao động ở vùng cao. Đặc biệt, mắc-ca có thể trồng xen với một số cây trồng khác như: ngô, lạc, đậu tương… giúp tận dụng hiệu quả đất sản xuất, tạo nguồn thu đa dạng. Không chỉ vậy, với bộ rễ ăn sâu, tán cây rộng, cây mắc-ca còn có tác dụng chống xói mòn, giữ đất, giữ nước, góp phần bảo vệ rừng và phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững.

Thời gian tới, xã Pha Mu tiếp tục quy hoạch vùng trồng mắc-ca phù hợp, phấn đấu nâng tổng diện tích lên trên 30ha vào năm 2026. Đồng thời, tích cực kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào chế biến, bảo quản sau thu hoạch, xây dựng thương hiệu sản phẩm mắc-ca gắn với phát triển du lịch nông nghiệp và chương trình OCOP.

Ánh Hồng - Bùi Chiến Nhấn để tìm kiếm tin cùng tác giả

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/kinh-te/trong-mac-ca-tai-pha-mu-da-co-tin-hieu-vui-1008245