Trồng màu trên nền đất lúa cho năng suất, lợi nhuận cao

Trong vài năm trở lại đây, biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp dẫn đến tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn tiến sâu vào nội đồng nên nông dân không 'mặn mà' sản xuất lúa vụ 3. Theo cơ cấu mùa vụ canh tác lúa của ngành Nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã cơ cấu mùa vụ sản xuất lúa 2 vụ/năm, không xuống giống lúa vụ 3 và chuyển sang trồng màu dưới chân ruộng để thích ứng biến đổi khí hậu và tăng thu nhập cho nhiều hộ dân.

Thời điểm mới bắt đầu đưa dưa hấu trồng trên nền đất lúa, ông Lâm Hiền, ấp Kiết Lợi, xã Lâm Kiết, huyện Thạnh Trị (Sóc Trăng) chọn trồng dưa vào dịp tết Nguyên đán để cung ứng thị trường Tết, nhưng 5 năm trở lại đây, ông chuyển sang trồng dưa hấu vụ nghịch, nghĩa là thu hoạch xong vụ lúa Đông - Xuân sớm, mới xuống giống trồng dưa hấu để kịp cho vụ lúa Hè - Thu trong năm, nhằm đảm bảo cho việc sản xuất 2 vụ lúa, 1 vụ màu. Cũng giống như các vụ mùa dưa hấu của những năm trước, sau khi thu hoạch xong lúa Đông - Xuân sớm (năm 2022 - 2023), ông Hiền tiến hành cải tạo ngay diện tích đất là 9 công để gieo hạt dưa hấu (ngày mùng 9 tết Nguyên đán năm 2023). Đến thời điểm hiện tại, dưa tăng trưởng rất tốt và đang cho trái, vì đang có trái nên dưa cần nhiều nước và dinh dưỡng nên gia đình tập trung tưới nước cho dây dưa 2 lần/ngày, bổ sung thêm phân bón cần thiết cho dưa.

Ông Lâm Hiền, ấp Kiết Lợi, xã Lâm Kiết, huyện Thạnh Trị (Sóc Trăng) tích cực chăm sóc ruộng dưa hấu đang cho trái của gia đình. Ảnh: THÚY LIỄU

Ông Lâm Hiền, ấp Kiết Lợi, xã Lâm Kiết, huyện Thạnh Trị (Sóc Trăng) tích cực chăm sóc ruộng dưa hấu đang cho trái của gia đình. Ảnh: THÚY LIỄU

Nở nụ cười hiền hòa, đưa ánh mắt nhìn về phía ruộng dưa của gia đình, ông Lâm Hiền bộc bạch: "Nhờ trồng dưa hấu dưới chân ruộng mà suốt nhiều năm qua, đời sống gia đình tôi luôn sung túc và ổn định. Theo tính toán thực tế, dưa hấu cho lợi nhuận cao gấp nhiều lần so với trồng lúa. Chỉ riêng vụ dưa hấu trong năm 2022, với 9 công dưa hấu cho năng suất trái là 36 tấn, giá bán 5.000 đồng/kg, trừ chi phí lợi nhuận thu về hơn 150 triệu đồng. Hiện tại, vụ dưa hấu năm 2023 đang cho trái, ruộng dưa phát triển rất tốt, nhờ thời tiết thuận lợi, dự đoán dưa sẽ cho năng suất khoảng 5 tấn trái/công, ước tổng sản lượng trái thu về là 45 tấn, nếu dưa có giá bán từ 5.000 - 6.000 đồng/kg, trừ chi phí sẽ bỏ túi số tiền gần 200 triệu đồng".

Ông Lâm Tha, ấp Trà Do, xã Lâm Kiết (huyện Thạnh Trị) cũng là hộ dân đưa màu xuống chân ruộng hơn 10 năm qua để thay thế cây lúa không xuống giống vụ 3. Ông Lâm Tha tâm tình: "Mặc dù trồng màu cực hơn so với trồng lúa nhưng bù lại lợi nhuận kinh tế cao gấp nhiều lần. Thực tế 1 công trồng dưa hấu thu về lợi nhuận từ 20 - 25 triệu đồng/vụ (hơn 60 ngày), thì trồng lúa 1 vụ (hơn 90 ngày) lợi nhuận cao lắm là 2,5 triệu đồng/công. Tuy nhiên, nông dân chúng tôi vẫn gắn bó với cây lúa, chính vì vậy nên vẫn canh tác 2 vụ lúa và chỉ trồng 1 vụ màu, khi không xuống giống lúa vụ 3".

Theo lời tâm sự của ông Tha, trong nhiều năm đưa màu xuống chân ruộng thì có năm ông chọn trồng dưa hấu, năm chọn trồng bí đao xanh và trong năm 2023 này, ông trồng bí đao xanh đã đem về nguồn thu nhập rất tốt. Cụ thể, với diện tích 2 công bí đao xanh, xuống giống sau tết Nguyên đán và đến thời điểm hiện tại bí đao đã thu hoạch được rất nhiều đợt (bí đao từ khi trồng đến thu hoạch khoảng 60 ngày). Bình quân 2 công bí đao, mỗi ngày hái trái hơn 200kg và bí sẽ cho thu hoạch trong khoảng thời gian dài hơn 2 tháng, chỉ đến khi cải tạo đất xuống giống vụ Hè - Thu (tháng 4, 5/2023) mới thu dọn bí bỏ đi. Dự kiến, với diện tích 2 công bí đao xanh, thu hoạch xong vụ ước trên 10 tấn trái, giá bán từ 7.000 - 10.000 đồng/kg, trừ chi phí lợi nhuận hơn 80 triệu đồng. Dự định tới của ông Tha trong vụ mùa đưa màu xuống chân ruộng vào năm 2024, ông sẽ nâng diện tích trồng bí đao xanh lên 4 công, để tăng sản lượng bí cung ứng trên thị trường và tăng thu nhập cho gia đình.

Ông Lâm Tha, ấp Trà Do, xã Lâm Kiết, huyện Thạnh Trị (Sóc Trăng) rất phấn khởi khi mùa vụ trồng bí đao xanh dưới chân ruộng năm 2023 cho thu nhập ước hơn 80 triệu đồng/2 công đất. Ảnh: THÚY LIỄU

Ông Lâm Tha, ấp Trà Do, xã Lâm Kiết, huyện Thạnh Trị (Sóc Trăng) rất phấn khởi khi mùa vụ trồng bí đao xanh dưới chân ruộng năm 2023 cho thu nhập ước hơn 80 triệu đồng/2 công đất. Ảnh: THÚY LIỄU

Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, tổng diện tích trồng màu dưới chân ruộng trong năm 2022 là 1.659ha. Trong năm 2023, diện tích xuống giống màu dưới chân ruộng đến thời điểm hiện tại là hơn 644ha. Diện tích màu dưới chân ruộng tập trung tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh, khi bà con nông dân tuân thủ lịch thời vụ không xuống giống lúa vụ 3 nhằm phòng tránh hạn, mặn ảnh hưởng đến sản xuất lúa. Màu đưa xuống chân ruộng được trồng nhiều nhất là dưa hấu, bí đao xanh, hành lá, rau cải các loại, khổ qua, dưa leo… Màu trồng dưới chân ruộng chi phí đầu tư không nhiều, bởi ít gặp các loại dịch bệnh, cùng với đó hộ dân tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc sinh học nên năng suất rất tốt. Các loại màu trồng dưới chân ruộng tiêu thụ tốt trên thị trường và giá bán một số loại đảm bảo cho bà con nông dân có lợi nhuận tốt sau thu hoạch.

"Để màu trồng dưới chân ruộng đạt năng suất cao, chất lượng tốt, bà con nông dân cần cày ải, cải tạo đất và làm rãnh nước với mục đích trữ nước tưới cho rau màu, cũng như tiêu thoát nước nếu xảy ra hiện tượng mưa trái mùa. Đặc biệt đối với dưa hấu, bà con nông dân cần chú ý một số bệnh thường gặp như: sương mai, bọ trĩ, sâu ăn lá, bệnh thán thư… nhằm có biện pháp phòng và trị bệnh kịp thời" - đồng chí Trần Vĩnh Nghi - Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Sóc Trăng thông tin.

Việc đưa màu xuống chân ruộng thay thế cây lúa không xuống giống vụ 3 trong thực tế nhiều năm qua, đã đem lại nguồn thu nhập rất tốt cho bà con nông dân tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh. Do đó, để đảm bảo lợi nhuận cho nông dân khi đưa màu trồng dưới chân ruộng, trước khi gieo trồng màu, bà con có thể tham khảo ý kiến của ngành chuyên môn hay địa phương về loại rau màu trồng tiêu thụ tốt trên thị trường. Cùng với đó, bà con nông dân nên áp dụng các tiến bộ khoa học vào canh tác màu, nhất là tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc sinh học cung cấp cho màu trong quá trình sinh trưởng, vừa giúp màu tăng năng suất tốt, vừa cải tạo đất cũng như góp phần để mùa vụ lúa kế tiếp cho năng suất cao.

THÚY LIỄU

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/nong-nghiep/trong-mau-tren-nen-dat-lua-cho-nang-suat-loi-nhuan-cao-63773.html