Trong miền ký ức
Trọn một buổi sáng đầu hè, chúng tôi có dịp trò chuyện cùng cựu chiến binh Lê Thanh Tâm, ở đường Mạc Thị Bưởi (thành phố Nam Định). Đã từng 3 lần bị thương, là thương binh hạng 1/4 với tỷ lệ thương tật 81%, người lính già không “thống kê” nổi số các trận đánh mà ông đã tham gia trong đời binh nghiệp. Ông kể: “Có những năm, ngày nào chúng tôi cũng “quần” nhau với địch. Bom ở trên đầu, đạn bay trước mắt nhưng chúng tôi không sợ. Lúc ấy chỉ có một ý nghĩ thôi thúc ý chí, phải chiến thắng kẻ thù, giành độc lập tự do cho Tổ quốc”.
Năm 1962, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chàng thanh niên trẻ Lê Thanh Tâm lên đường nhập ngũ vào Trung đoàn 88, Sư đoàn 308. Sau hơn 3 tháng hành quân, đơn vị của ông vào đến Quảng Ngãi. Trong ký ức người lính già mãi không quên, chiến trường những ngày đầu là đói và sốt rét. “Đơn vị tôi hầu như ai cũng bị sốt rét. Khi bị sốt người run lên cầm cập, sau sốt thì da ai nấy vàng bủng như nghệ. Không chỉ sốt rét, chúng tôi còn thường xuyên bị đói. Để đỡ đói, bộ đội hái rau dại, măng rừng, đào khoai, đào sắn ăn chống đói. Thế nhưng không một ai nghĩ đến việc rời chiến tuyến”, ông Tâm chia sẻ. Ký ức của người lính già còn đưa chúng tôi đến với những trận chiến ác liệt mà ông đã tham gia. Đầu năm 1965, ông Tâm tham gia đánh trận Đèo Nhông, Phú Mỹ (Bình Định). Tại đây, đơn vị ông phối hợp với một đại đội bộ đội địa phương trong 2 ngày tiêu diệt được 650 lính Ngụy, bắn cháy 10 xe tăng, bắt sống 1 xe, thu toàn bộ vũ khí, góp phần đánh bại chiến tranh đặc biệt của Mỹ. “Tuy nhiên, trung đoàn chúng tôi cũng bị thương vong khá nhiều. Trong đó, tiểu đội cối hy sinh gần hết. Riêng tiểu đội của tôi, hy sinh 2 người, bị thương 1 người”, giọng người lính già trầm xuống, nghèn nghẹn khi nhắc nhớ về những đau thương, mất mát của đồng chí, đồng đội.
Sau trận Đèo Nhông, ký ức về những ngày trận mạc của ông tiếp tục dẫn lối chúng tôi về trận đánh tại địa danh Dốc Cát, Hoài Hảo (Bình Định). Dốc Cát vốn có vị trí quân sự chiến lược quan trọng nên Mỹ, Ngụy chủ trương lập chốt đóng quân để kiểm soát con đường giao thông liên lạc của bộ đội ta giữa phía Đông và phía Tây Quốc lộ 1. Để có thể đẩy lùi quân địch ra khỏi Dốc Cát, đơn vị của ông nhận lệnh phối hợp cùng với các lực lượng đánh Mỹ, Ngụy. Đêm mùng 6, rạng sáng 7-4-1965, lực lượng chủ lực của ta đã chiến đấu ngoan cường, tiêu diệt 200 lính Mỹ, Ngụy. Cùng trong năm này, ông Tâm còn vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng. “Khi đó chúng tôi vừa kết thúc một trận đánh thì đơn vị làm lễ kết nạp Đảng cho tôi. Lễ kết nạp diễn ra ngay bên bờ suối, giữa chiến trường vẫn còn vương mùi thuốc súng. Dưới lá cờ đỏ sao vàng, giữa sự chứng kiến của những người đồng chí, đồng đội cùng vào sinh ra tử, tôi hứa nguyện trung thành với Đảng, nhân dân, giữ vững ý chí “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, ông Tâm bồi hồi nhớ lại.
Mặc dù tham gia nhiều trận đánh lớn, nhỏ khác nhau, nhưng với ông Tâm, kỷ niệm đẹp nhất trong đời lính của ông ghi dấu ấn ở trận đánh tại Suối Đá Tượng, Phú Trị, Hoài Ân (Bình Định) ngày 17-2-1966. “5h chiều ngày hôm trước đơn vị tôi đã tiếp cận trận địa. Trước khi vào trận đánh, chúng tôi xác định đây là trận chiến rất ác liệt, có thể ra đi không về. Vì vậy, mỗi người đều chuẩn bị “hành trang” cho tình huống xấu nhất. Lúc này, tôi đảm nhiệm nhiệm vụ A trưởng. Chúng tôi đánh cả ngày 17, buổi sáng tiêu diệt gọn 1 đại đội phi pháo của địch”, ông Tâm kể. Chiều ngày 17-2, trước tình hình thương vong quá nhiều, Mỹ tiếp tục nã pháo vào trận địa của bộ đội ta đồng thời thả tiếp 1 đại đội lính nhảy dù. Mặc dù có sự hỗ trợ của máy bay, lính tinh nhuệ, xong bằng sự mưu trí, dũng cảm, trong trận Suối Đá Tượng, bộ đội ta vẫn tiêu diệt gần 200 lính Mỹ, riêng tiểu đội của ông Tâm tiêu diệt 47 lính Mỹ. “Đóng góp” vào thành tích chung của đơn vị, cũng trong trận đánh này, ông Tâm tiêu diệt 10 lính Mỹ, được phong danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ cấp 2”. Sau 7 ngày đêm chiến đấu dũng cảm, kiên cường, các lực lượng chủ lực của ta đã đẩy lùi được quân Mỹ ra khỏi Suối Đá Tượng.
Trong 6 năm trực tiếp cầm súng tham gia chiến đấu ở khắp các mặt trận từ Quảng Ngãi cho đến Bình Định, ông Lê Thanh Tâm đã trải qua vô số trận chiến. Trong đó, có những thời điểm như năm 1964, không có ngày nào ông Tâm cùng các đồng chí, đồng đội không tham gia đánh trận. Hết chống càn lại đến đánh các vị trí chiếm đóng của địch. Chúng tôi hỏi ông, ngày nào cũng đối diện với mưa bom bão đạn, ranh giới giữa sự sống và cái chết rất mong manh, các ông có sợ không? Giọng sang sảng, ông Tâm liền đọc câu thơ: “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước. Mà lòng phơi phới dậy tương lai”, như một cách khẳng định ý chí lạc quan, tinh thần bất khuất của người lính “Bộ đội Cụ Hồ” trong những tình thế sinh tử. Cũng trong 6 năm ở chiến trường, ông Tâm có 3 lần bị thương. Lần đầu là vào tháng 5-1966, trong một trận chiến giáp lá cà ở Phú Thạnh (Bình Định) ông bị lính Mỹ bắn bị thương vào đầu. Trước khi bị bắn, ông vẫn kịp ném 3 quả lựu đạn tiêu diệt địch. Vết thương nặng, ông ngất ngay tại chỗ và được đồng đội kịp thời đưa về tuyến sau, điều trị trong 6 tháng. Hồi phục sức khỏe, ông Tâm tiếp tục vào chiến trường. Lần thứ 2, trên đường đi công tác, máy bay Mỹ phát hiện, ông bị đạn bắn vào gáy. Lần thứ 3, trên đường hành quân vào Tư Nghĩa (Quảng Ngãi) chuẩn bị cho chiến dịch Mậu Thân 1968, đơn vị ông bị lính Mỹ phục kích. Trong trận đánh này, ông bị bắn vào đùi và mắt. Vết thương trở nặng, ông được điều chuyển ra Bắc điều trị và ra quân, công tác tại Ty Thương binh Xã hội Nam Hà (nay là Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) cho đến khi về hưu vào năm 2001. Ghi nhận những đóng góp của ông Tâm, Đảng, Nhà nước tặng ông nhiều danh hiệu cao quý như: Huân chương Giải phóng hạng Ba; Huân chương Chiến sĩ vẻ vang; Chiến sĩ Quyết thắng, Dũng sĩ diệt Mỹ cấp 1, 2, 3…
Mùa hè năm nay, đã tròn 56 năm từ ngày cựu chiến binh Lê Thanh Tâm tạm biệt những cánh rừng già hầu như lúc nào cũng vương mùi thuốc súng của cuộc chiến đấu. Mặc cho những cơn đau hành hạ khi trái gió trở trời, hàng ngày ông vẫn duy trì thói quen đi bộ, đạp xe, gặp gỡ những người bạn, những đồng chí, đồng đội mà ông yêu quý. Ông cũng đã có vài lần thăm lại chiến trường xưa. Và lần nào, người lính già cũng lặng người, mắt rớm nước khi chứng kiến sự “thay da đổi thịt” ở các địa danh mà ông và bao người lính khác đã phải đổi bằng máu xương, tuổi xuân để chiến đấu, gìn giữ.
Ở “tuổi xưa nay hiếm”, ông Tâm thấy mình may mắn hơn nhiều đồng chí, đồng đội, vì vậy càng thêm trân quý cuộc sống hòa bình, độc lập hôm nay. Ông càng mong mỏi hơn, các thế hệ sau phát huy truyền thống cha anh đem tất cả tinh thần, trí tuệ, lòng nhiệt huyết viết tiếp trang sử hào hùng của dân tộc, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc./.
Nguồn Nam Định: https://baonamdinh.vn/dat-nuoc-con-nguoi/202404/trong-mien-ky-uc-26d00c7/