Trong nhóm 'chạy án', vì sao cựu điều tra viên bị cáo buộc tội lừa đảo?

Trong vụ án 'chuyến bay giải cứu', các bị cáo Hoàng Văn Hưng, Nguyễn Thị Thanh Hằng, Lê Hồng Sơn và Nguyễn Anh Tuấn do có động cơ, mục đích, chủ thể và hành vi phạm tội khác nhau nên bị cáo buộc các tội khác nhau.

Ngày 17/7, tại phiên tòa xét xử vụ án "chuyến bay giải cứu", đại diện VKS đã chỉ rõ các căn cứ buộc tội bị cáo Hoàng Văn Hưng (cựu Trưởng phòng 5, Cơ quan ANĐT, Bộ Công an). Tuy nhiên, khi được tự bào chữa, bị cáo Hưng không thừa nhận hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và phủ nhận chuyện nhận tiền của bị cáo Nguyễn Anh Tuấn (cựu Phó Giám đốc Công an Hà Nội).

Bị cáo Nguyễn Thị Thanh Hằng tại tòa. Ảnh: CTV

Bị cáo Nguyễn Thị Thanh Hằng tại tòa. Ảnh: CTV

Đại diện VKS cho rằng, Nguyễn Thị Thanh Hằng (Phó TGĐ) và Lê Hồng Sơn (TGĐ Công ty Blue Sky) đã đưa hối lộ thông qua bị cáo Nguyễn Anh Tuấn (cựu Phó Giám đốc Công an Hà Nội) với số tiền hơn 2,6 triệu USD để lo lót không bị xử lý hình sự.

Trong giai đoạn trước ngày 15/9/2022, khi bị cáo Hoàng Văn Hưng là Trưởng phòng 5 (Cơ quan ANĐT, Bộ Công an; điều tra viên thụ lý chính vụ án), bà Hằng và ông Sơn khai đã đưa cho ông Tuấn hơn 1,6 triệu USD để ông Tuấn đưa cho ông Hưng.

Mặc dù bị cáo Tuấn khai đã đưa cho ông Hưng hơn 1,2 triệu USD, nhưng kết quả điều tra vụ án và thẩm vấn tại phiên tòa cho thấy chưa đủ căn cứ kết luận ông Hưng đã nhận số tiền này.

Đối với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của cựu điều tra viên Hoàng Văn Hưng, đại diện VKS đưa ra quan điểm: Bị cáo Hưng không thừa nhận hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và nhận tiền của bị cáo Nguyễn Anh Tuấn. Tuy nhiên, căn cứ lời khai, kết quả thẩm vấn tại tòa, có căn cứ xác định bị cáo Tuấn đã nhận của bị cáo Hằng 1 triệu USD để chuyển cho bị cáo Hưng; bị cáo Hưng đã nhận của bị cáo Tuấn 800 ngàn USD.

Đại diện VKS cho rằng, bị cáo Hưng đã không thành khẩn khai báo, không ăn năn hối lỗi, không khắc phục hậu quả nên cần áp dụng hình phạt nghiêm khắc. “Truy tố bị cáo Tuấn tội môi giới hối lộ; truy tố bị cáo Hưng tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là có căn cứ”, lời đại diện VKS.

Trong mối quan hệ giữa các bị cáo Hằng, Sơn, Tuấn và Hưng, nhiều người thắc mắc tại sao các bị cáo bị truy tố với các tội khác nhau. Cụ thể, bị cáo Hằng, Sơn bị buộc tội đưa hối lộ; bị cáo Tuấn bị buộc tội môi giới hối lộ; còn bị cáo Hưng bị buộc tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trao đổi với PV VietNamNet về vấn đề nêu trên, luật sư Hoàng Tùng – Trưởng VPLS Trung Hòa (Hà Nội) cho biết: “Trong Điều 8 Bộ luật Hình sự có nêu: 'Hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật Hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội…'

Vậy nên để xem xét một hành vi có được coi là tội phạm hay không phải căn cứ vào 4 yếu tố: Tính trái pháp luật hình sự, tính nguy hiểm cho xã hội, tính phải chịu hình phạt, tính có lỗi. Trong đó dấu hiệu về tính nguy hiểm cho xã hội là dấu hiệu cơ bản, quan trọng, quyết định các dấu hiệu khác.

Khi xác định được có hành vi tội phạm xảy ra, cơ quan có thẩm quyền dựa trên các yếu tố cấu thành tội phạm bao gồm: khách thể của tội phạm, hành vi phạm tội, động cơ mục đích phạm tội và chủ thể thực hiện hành vi phạm tội để xem xét, đánh giá hành vi đó thỏa mãn tội gì và khung hình phạt nào.

Đây cũng là những yếu tố chính phản ánh đúng bản chất của tội phạm cụ thể, tác dụng phân biệt tội phạm này với tội phạm khác. Vì vậy, trong cùng một vụ án, căn cứ theo các yếu tố cấu thành tội phạm mà cơ quan có thẩm quyền có thể truy tố, khởi tố các bị can về tội và khung hình phạt khác nhau”.

Bị cáo Hoàng Văn Hưng tại tòa. (Ảnh: CTV)

Bị cáo Hoàng Văn Hưng tại tòa. (Ảnh: CTV)

Luật sư Hoàng Tùng dẫn lại một số tình tiết liên quan để làm rõ hành vi của các bị cáo:

Từ ngày 16/9/2022 ông Hoàng Văn Hưng được điều chuyển công tác từ Trưởng phòng 5 sang Trưởng phòng 2, không còn nhiệm vụ, quyền hạn, thẩm quyền trong việc điều tra giải quyết vụ án.

Tuy nhiên, ông Hưng vẫn nhiều lần làm việc với bà Hằng tại nhà ông Tuấn để cung cấp một số thông tin vụ án liên quan đến bà Hằng, ông Sơn mà ông Hưng nắm được. Điều này đã tạo sự tin tưởng cho bà Hằng và ông Sơn trong việc ông Hưng có thể giúp cho bà Hằng và ông Sơn không bị xử lý hình sự.

Ông Hưng đã không còn phụ trách vụ án của bà Hằng, ông Sơn nhưng vẫn cố tình gian dối thông tin để thực hiện hành vi chiếm đoạt số tiền bà Hằng và ông Sơn đưa với mục đích nhờ ông Hưng chạy án giúp mình không bị xử lý hình sự.

Luật sư Hoàng Tùng phân tích thêm: “Ông Tuấn không có chức năng, thẩm quyền trong việc giải quyết vụ án nhưng là trung gian, cầu nối liên lạc và thông tin giữa ông Sơn, bà Hằng (người có nhu cầu) với ông Hưng (được thông tin là người thụ lý vụ án) để các bên có thể trao đổi, làm việc với nhau. Ông Tuấn cũng là trung gian trong việc nhận tiền giữa các bên.

Vì vậy, do động cơ, mục đích, chủ thể và hành vi phạm tội khác nhau nên các bị cáo bị cáo buộc các tội khác nhau”.

Tiến Dũng

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vu-chuyen-bay-giai-cuu-vi-sao-hoang-van-hung-cao-buoc-toi-lua-dao-2166444.html