Trồng rau màu cho lợi nhuận cao gấp từ 2-3 lần

Trung bình mỗi năm, nông dân trồng rau màu ở các huyện, thành phía Đông tỉnh Tiền Giang đạt lợi nhuận từ 120-150 triệu đồng/ha, cao gấp từ 2 – 3 lần trồng lúa năng suất cao.

Thu hoạch rau màu tại xã Bình Tân, huyện Gò Công Tây. Ảnh: Minh Trí – TTXVN

Thu hoạch rau màu tại xã Bình Tân, huyện Gò Công Tây. Ảnh: Minh Trí – TTXVN

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, để phát huy tiềm năng và thế mạnh rau màu trong tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu, các huyện, thành phía Đông tiếp giáp biển Đông nhiều khó khăn của tỉnh: Gò Công Đông, Gò Công Tây, Tân Phú Đông, thành phố Gò Công đã quan tâm tổ chức lại sản xuất theo hướng chuyển đất trồng lúa ở những địa bàn khó khăn, thường xuyên ảnh hưởng hạn mặn sang trồng rau màu.

Cùng với đó, tiến tới hình thành các hợp tác xã chuyên canh rau gắn với chuyển giao khoa học kỹ thuật nông nghiệp cho bà con nông dân, nhân rộng mô hình trồng rau màu theo tiêu chí VietGAP hoặc trồng rau an toàn nhằm bảo vệ sức khỏe và môi trường cũng như tăng sức cạnh tranh của nông sản hàng hóa trên thị trường.

Theo đó, các huyện, thành phía Đông tỉnh đã thành lập được hàng chục hợp tác xã chuyên canh rau thu hút hàng ngàn thành viên các vùng chuyên canh rau. Điển hình như: Hợp tác xã rau an toàn Thạnh Hưng (Gò Công Tây), Hợp tác xã nông nghiệp thương mại dịch vụ Phú Quới (Gò Công Tây), Hợp tác xã nông nghiệp tổng hợp Hòa Thạnh (Gò Công Tây), Hợp tác xã rau an toàn Bình Nghị (Gò Công Đông), Hợp tác xã rau an toàn Tân Đông (Gò Công Đông)…

Đồng thời, nhằm liên kết sản xuất, giải quyết đầu ra cho sản phẩm của nông dân, các hợp tác xã đã tăng cường ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với các siêu thị, các chợ đầu mối trong ngoài tỉnh như: Metro, Mega Market, Bách hóa Xanh… Trung bình, mỗi hợp tác xã cung cấp cho các đầu mối liên kết tiêu thụ từ 5-7 tấn rau/ngày. Nhờ vậy, nông dân an tâm tổ chức sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp thương mại dịch vụ Phú Quới (huyện Gò Công Tây), Võ Minh Luân cho biết, hợp tác xã thu hút khoảng 130 thành viên, diện tích canh tác rau VietGAP gần 15 ha. Thông qua liên kết sản xuất, trung bình mỗi ngày, hợp tác xã cung ứng cho các siêu thị, bếp ăn tập thể trong ngoài tỉnh từ 4 đến 5 tấn rau an toàn VietGAP.

Ông Võ Minh Luân đánh giá, với vòng quay từ 8 – 10 vòng/năm, trung bình mỗi năm, nông dân trồng rau màu ở các huyện, thành phía Đông đạt lợi nhuận từ 120-150 triệu đồng/ha, cao gấp từ 2 – 3 lần trồng lúa năng suất cao. Nhờ trồng rau màu, nhiều hộ nông dân đã vượt khó, thoát nghèo và tạo dựng cơ nghiệp vững bền.

Điển hình như: nông dân Trần Minh Công, cư ngụ tại xã Yên Luông, huyện Gò Công Tây đã chuyển 4.500 m2 đất trồng lúa sang trồng chuyên canh rau màu. Mỗi năm, ông Công quay khoảng 10 vòng rau màu, trừ chi phí, còn thu nhập trên 200 triệu đồng.

"Nhờ chuyển đổi sang trồng rau màu, gia đình ông tránh được nguy cơ thiên tai hạn mặn hàng năm, thu nhập ổn định, đời sống được cải thiện một cách rõ rệt nên rất an tâm tổ chức thâm canh mang lại hiệu quả cao", ông Trần Minh Công cho biết.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tỉnh Tiền Giang Võ Văn Men, trong vụ Hè Thu 2024, nông dân các huyện, thành phía Đông: Gò Công Đông, Gò Công Tây, thành phố Gò Công đã trồng được khoảng 14.300 ha rau màu các loại.

Nông dân địa phương cũng đã thu hoạch đạt sản lượng trên 303.000 tấn rau màu các loại cung ứng thị trường trong ngoài tỉnh. Qua đánh giá, nhờ phát triển cây màu trên nền đất lúa, trong mùa khô 2024, mặc dù, thiên tai hạn mặn trên diện rộng nhưng nông dân trồng rau màu không bị thiệt hại, vẫn có thu nhập cao và cuộc sống ổn định.

Gò Công Tây là một trong những địa bàn trọng điểm về trồng rau màu tại khu vực phía Đông tỉnh Tiền Giang. Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gò Công Tây Lê Thị Thanh Minh, từ đầu năm đến nay, nông dân trong huyện trồng được trên 1.220 ha rau màu thực phẩm, chủ yếu là hành, hẹ, bầu, bí, mướp,... Với năng suất bình quân khoảng 24 tấn/ ha, địa phương đạt sản lượng trên 26.000 tấn rau màu các loại.

Chủ tịch UBND huyện Gò Công Tây Huỳnh Thanh Bình cho biết, trong nỗ lực phát huy tiềm năng và thế mạnh ngành hàng rau màu theo hướng thích ứng biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai, huyện quy hoạch các vùng sản xuất rau tập trung tại các xã Bình Tân, Yên Luông, Thạnh Trị, Long Bình, Vĩnh Hựu, Bình Nhì…

Đáng mừng là trong vụ Hè Thu 2024, rau màu có giá nên đã mang lại cho nông dân địa phương một nguồn lợi kinh tế khá. Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Tiền Giang, ước tính trong vụ Hè Thu 2024, nông dân trồng rau màu tại các huyện, thành phía Đông tỉnh thu lãi bình quân trên 137 triệu đồng/ha, gấp 4 lần so với trồng lúa thâm canh năng suất cao.

Minh Trí/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/trong-rau-mau-cho-loi-nhuan-cao-gap-tu-2-3-lan/346287.html