Trồng rừng… giữa dịch Covid-19

Tháng 8, khi những cơn mưa nặng hạt đã thường xuyên hơn, thì những vùng đất hạn trong tỉnh cũng bắt đầu đủ ẩm, có thể xuống giống cây rừng…

Trồng rừng… giữa dịch Covid-19

 Trồng rừng.

Trồng rừng.

Tôi đi trồng rừng

Những con số về các ca mắc bệnh Covid – 19 cứ tăng lên từng ngày trong thời gian này khiến những ai ở Bình Thuận, vốn đã từng trải qua cảm giác lo sợ ấy vào mấy tháng trước, càng thấy lo hơn gấp bội. Đeo khẩu trang, rửa tay, tránh nơi đông người… là những gì người dân đang thực hiện. Bất chợt, tôi cũng muốn đến một nơi ít người và câu chuyện của anh Lý Mạnh Dũng - Trạm trưởng Trạm Lâm nghiệp Sông Móng, thuộc Xí nghiệp Lâm nghiệp Hàm Thuận Nam đã thôi thúc tôi. Anh là người đã có 13 năm đam mê, gắn với nghề rừng, khoe nơi quản lý đang vào mùa xuống keo lai và năm nay, có hơn 10 người ở Bà Rịa – Vũng Tàu đến trồng. Tôi ngạc nhiên, vì tên gọi nghề trồng rừng xuyên tỉnh. Thật mà, năm nay thông qua 1 người thầu trồng rừng ở vùng Xuyên Mộc, xí nghiệp giao trồng rừng trên 57 ha với giá 2 triệu đồng/ha. Xuyên Mộc và Hàm Thạnh giáp ranh nhau nên họ di chuyển qua cũng gần. Bây giờ, Hàm Thạnh đã có những trận mưa nặng hạt. Đất đã đủ ẩm, sẵn sàng đón cây keo lai từ vườn ươm để xuống giống. Nghe tôi mong muốn được tham gia trồng rừng, như được trốn dịch bệnh giữa núi rừng mênh mông thì không còn gì lý tưởng bằng. Anh Dũng cười khì: “Nói thật nha nhà báo, trồng rừng cũng khó nhọc lắm, nhất là ở vùng khô hạn như Hàm Thạnh, nên đòi hỏi kỹ thuật, chứ không phải giâm cây xuống đất là sống được đâu”.

Cuối cùng, tôi được anh Dũng dẫn vào địa phận rừng trồng ở Khoảnh 6, tiểu khu 285 Sông Móng. Bao quanh khoảnh đất trống rộng lớn là rừng xanh tốt thẳng tắp từng hàng. Rừng trồng này đã hoàn chỉnh, đang kỳ phát triển. Lứa cây trồng sau cùng đã hơn 1 năm tuổi, mới được rong cành, tỉa cây nên ai nghĩ nơi này khó trồng rừng. Bất ngờ một người đàn ông từ đám đất trống đi về phía tôi và anh Dũng với giọng nói sang sảng, có vẻ rất hoạt ngôn: “Chú Dũng ơi, ở đây có vẻ khó trồng hơn vùng rừng Hàm Tân, vì đất cứng. Đất này phải cày, phơi lâu thì mới trồng thuận lợi được”. Rồi quay sang tôi: “Trồng cây keo lai xuống không có gì khó, nhưng để cây đảm bảo tỷ lệ sống mới quan trọng”. Anh Dũng giới thiệu luôn: “Chú này là người nhận thầu trồng rừng ở đây. Có thể chỉ nhà báo trồng cây”.

Người đàn ông ấy giới thiệu tên là Nguyễn Quốc Phú. Ông tự nhận có thâm niên với nghề rừng gần 20 năm, vì từng là công nhân lâm nghiệp ở Vũng Tàu đã nhanh nhảu chỉ bày tôi chi tiết: “Sau khi làm đất xong, phải tiến hành cuốc hố theo quy cách là cây cách cây 1,5m, hàng cách hàng 3m”. Nghe con số này, tôi chợt liên tưởng đến khoảng cách giữa người với người trong thời điểm dịch Covid-19 đang xảy ra. Thực tế cây trồng để sinh trưởng tốt cũng có những kỹ thuật của riêng nó. Ông Phú nói tiếp: Hố đào phải cuốc theo hàng được giăng dây, yêu cầu thẳng hàng và theo cự ly quy định. Trước khi trồng, cho một lớp đất mặt xuống đáy hố. Sau đó xé bỏ vỏ bầu PE, đặt cây ngay ngắn, bầu cây thẳng vào chính giữa hố đào, từ từ lấp đất và ấn chặt xung quanh gốc. Tôi thực hiện theo như học trò nghe lời thầy giáo. “Chú ý không lấp đất đầy hố mà lấp thấp hơn mặt đất tự nhiên từ 2 - 5cm để tận dụng lượng nước mưa và mùn”- ông Phú nói thêm. Cuối cùng, tôi cũng trồng hoàn chỉnh một cây rừng mất chừng 3 phút. Nếu cây chắc chắn sống, chu trình sinh trưởng kéo dài 5 - 6 năm thì thu hoạch.

Khi tôi thắc mắc tại sao không bón phân lót ở thời điểm này, ông Phú liền giải thích: “Khí hậu ở vùng đất này rất nóng, mưa nắng thất thường. Nếu bón lót ngay từ bây giờ, cây sẽ nóng và dễ chết. Thay vào đó, sau khi trồng 10 ngày, chúng tôi phải kiểm tra, trồng giặm lại và bón phân chăm sóc, đảm bảo tỷ lệ sống của cây rừng”. Nếu quá trình trồng rừng, thời tiết nắng nóng ngắt quãng thì sẽ tạm ngưng trồng cây.

Vượt khó - phủ rừng

Giọng của ông Phú lại sang sảng lên, khi nhìn thấy ở bên kia có người thao tác chưa đúng quy cách. Trên khoảnh rừng ấy, tôi thấy một tốp lao động trên 10 người đang làm việc, khoảng cách khá xa nhau. Người đào đất, người giăng dây, đào hố, người trồng cây, người đi thu gom bao bì đựng hom giống… Họ là những lao động phổ thông cùng thôn, xóm với ông Phú, từ Xuyên Mộc (Bà Rịa - Vũng Tàu) lần đầu ra Bình Thuận nhận khoán trồng rừng. Để đảm bảo tiến độ trồng rừng mùa mưa, công nhân ở đây làm việc từ 6 giờ sáng đến 11 giờ trưa, buổi chiều từ 1 giờ rưỡi, tùy theo thời tiết. Bình quân mỗi ngày trồng được khoảng 5.000 cây (tương đương hơn 2 ha/ngày). Quá trình trồng ấy đều có ít nhất 2 người của trạm giám sát, hướng dẫn kỹ thuật trong suốt quá trình trồng. Anh Dũng nhìn quanh rồi phấn khởi nói: Trạm đã ra quân trồng rừng từ giữa tháng 6, nhưng do nắng nhiều nên phải đến đầu tháng 8 có mưa, mới trồng tập trung. Với tiến độ và thời tiết hiện nay, đến cuối tháng này trạm sẽ hoàn thành, chấm dứt trồng rừng mùa mưa.

Ở trạng thái trồng chạy theo thời tiết nên nhóm lao động trên đã mấy tháng nay chưa về nhà. Họ ngủ nhờ ở lán trại của Trạm Lâm nghiệp Sông Móng. Tôi bỗng chú ý đến một cô gái trẻ măng, chắc khoảng 18 tuổi. Hỏi chuyện, biết em tên Như, theo ba mẹ ra đây trồng rừng. Như chia sẻ: “Do nghỉ học sớm nên em đã đi trồng rừng từ vài năm trước. Lúc đầu, em lúng túng lắm, vì sợ trồng sai, cây không sống nổi. Nhưng nhờ học hỏi theo kinh nghiệm mà ba mẹ hướng dẫn nên cũng sớm thành nghề”. Cách đó không xa, ông Nguyễn Thanh Thản, ba của Như cũng đang cắm cúi đào đất, quệt vội mồ hôi trên tà áo, vừa ngẩng đầu lên như canh chừng con gái. Cả gia đình họ có 3 người, mỗi công lao động nam giới được 300.000 đồng/ngày, còn lao động nữ 270.000 đồng/ngày. Nếu chăm chỉ, tiết kiệm, mỗi tháng gia đình họ sẽ kiếm được khoảng 20 triệu đồng. Trong bối cảnh rất nhiều lao động phổ thông bị mất việc làm, không có thu nhập do ảnh hưởng dịch Covid-19, thì họ vẫn có việc làm lại an toàn giữa núi rừng như thế này là điều hạnh phúc.

Cách đó khoảng 20 km, tại khu vực đồng cát Hàm Mỹ, có một nhóm trồng rừng khác hơn 10 người đều là đồng bào dân tộc thiểu số do ông Nguyễn Văn Hiệp, dân tộc Rai (đã đổi họ) trú tại thôn 3, xã Hàm Cần nhận thầu. Do ở gần nhà, nên những người này bớt vất vả hơn số lao động từ tỉnh khác nên sáng đi chiều về. Và thu nhập thì cũng khá so với các ngành nghề khác dưới đồng bằng vào thời điểm này. Như nhận ra câu tôi muốn hỏi về lao động, ông Nguyễn Hoàng Cẩn - Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bình Thuận đang xuống kiểm tra địa bàn ở Xí nghiệp Lâm nghiệp Hàm Thuận Nam thông tin rất dễ hiểu. Rằng trồng rừng cần lao động thời vụ với số lượng lớn, đã vậy lại phải thực hiện trong thời gian dài vài tháng nên việc tìm kiếm lao động trong tỉnh không dễ. Đa số người địa phương đều đi làm công thanh long ở gần nhà, ngày làm ngày nghỉ nên rất khó đảm bảo công việc. Vì vậy, đa số lao động trồng rừng ở đây chủ yếu là các tỉnh lân cận như Bà Rịa - Vũng Tàu và Ninh Thuận, còn lại số ít lao động địa phương. Mùa trồng rừng năm nay nhìn chung khó khăn hơn những năm trước, vì nắng hạn kéo dài. Diện tích mà công ty phải trồng trên địa bàn tỉnh là gần 1.400 ha. Đến thời điểm này toàn công ty mới trồng được 554 ha tại Hàm Tân, Hàm Thuận Nam và Bắc Bình. Việc hoàn thành trồng rừng sớm hay muộn còn phải phụ thuộc vào thời tiết.

Chia tay những người trồng rừng, tôi chợt nghĩ chuyện trông mưa không chỉ là nỗi lòng của nông dân mà còn là nỗi trông chờ của những người làm nghề trồng rừng.

KiỀu HẰng

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/kinh-te/trong-rung%E2%80%A6-giua-dich-covid-19-130218.html