Trồng rừng gỗ lớn - vượt qua thách thức để phát triển bền vững. Bài 3: Tạo động lực từ chính sách, hoạt động hỗ trợ

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra mục tiêu: xây dựng Quảng Trị trở thành trung tâm cung cấp gỗ nguyên liệu và chế biến gỗ từ rừng trồng của khu vực miền Trung. Để thực hiện mục tiêu này, giai đoạn 2022 -2025 tỉnh xây dựng vùng nguyên liệu rừng trồng gỗ lớn có chứng chỉ FSC trên địa bàn 5 huyện gồm: Hải Lăng, Cam Lộ, Triệu Phong, Gio Linh và Vĩnh Linh với khoảng 5.000 ha. Qua đó nâng diện tích rừng loại này lên khoảng 28.000 ha, đến năm 2030 phấn đấu đạt 30.000 ha. Để phát triển rừng trồng nguyên liệu gỗ lớn cần có thêm chính sách, hoạt động hỗ trợ, tạo động lực để nhiều hộ dân tham gia.

Liên kết trồng rừng gỗ lớn FSC

Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Lương Điền, xã Hải Sơn là một trong những HTX trên địa bàn huyện Hải Lăng liên kết với Công ty TNHH Nguyên liệu giấy Quảng Trị (Cụm công nghiệp Hải Thượng) xây dựng rừng có chứng chỉ FSC. Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Lương Điền Lê Văn Phước cho biết: “Toàn HTX có 170 ha rừng các loại, trong đó HTX liên kết với công ty triển khai xây dựng rừng có chứng chỉ FSC đối với 22 ha rừng tràm đã trồng hơn 2 năm. Người dân được lợi rất nhiều trong việc liên kết này. Công ty cam kết thu mua sản phẩm, còn trong trường hợp sản lượng gỗ rừng có chứng chỉ FSC phải bán ra ngoài thì cũng sẽ mang lại giá trị cao hơn gỗ rừng thông thường”.

Đánh giá trữ lượng cây rừng gỗ lớn - Ảnh: T.T

Đánh giá trữ lượng cây rừng gỗ lớn - Ảnh: T.T

Đến tháng 5/2023, huyện Hải Lăng có 7 xã với 282 hộ dân đăng ký hơn 2.500 ha liên kết với Công ty TNHH Nguyên liệu giấy Quảng Trị xây dựng rừng có chứng chỉ FSC. Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hải Lăng Văn Ngọc Tiến Đức cho biết: “Mục tiêu của huyện là năm 2023 liên kết với doanh nghiệp để xây dựng 4.000 ha rừng có chứng chỉ FSC. Theo đó, địa phương sẽ nỗ lực tuyên truyền để người dân hiểu được lợi ích của việc trồng rừng có chứng chỉ FSC, tổ chức lại sản xuất và nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất theo hình thức liên doanh, liên kết, từng bước hình thành vùng sản xuất gỗ lớn tập trung”.

Để việc liên kết hỗ trợ xây dựng rừng có chứng chỉ FSC được triển khai hiệu quả, Công ty TNHH Nguyên liệu giấy Quảng Trị đã hợp đồng với Trung tâm nghiên cứu và tư vấn quản lý tài nguyên (ở Thừa Thiên Huế) hướng dẫn người dân giải pháp kỹ thuật chăm sóc rừng trồng, quy trình xây dựng rừng có chứng chỉ FSC để nâng cao giá trị rừng trồng.

“Chúng tôi đã thỏa thuận liên kết với các hộ dân, HTX trồng rừng của hai huyện Hải Lăng và Cam Lộ với tổng diện tích hơn 10.000 ha. Khi rừng trồng đã đáp ứng tiêu chuẩn, được cấp chứng chỉ FSC thì công ty sẽ thu mua với giá ngang bằng giá thị trường để làm nguyên liệu cho nhà máy sản xuất viên nén”, Phó Giám đốc Công ty TNHH Nguyên liệu giấy Quảng Trị Nguyễn Trung Kiên cho biết.

Triển khai liên kết trồng rừng FSC với các hộ dân, Công ty Cổ phần Tổng công ty Thương mại Quảng Trị (Sepon Group) hỗ trợ 100% kinh phí để tập huấn về mặt kỹ thuật chăm sóc, hỗ trợ cây giống, thuê chuyên gia đánh giá cấp chứng chỉ FSC, thu mua gỗ rừng FSC có giá cao hơn 15% so với giá thị trường, đặc biệt thu mua gỗ non bị đổ ngã do bão.

Theo Chủ tịch HĐQT Sepon Group Hồ Xuân Hiếu, các doanh nghiệp cần có những cam kết mạnh mẽ để đồng hành với người dân khi có rủi ro xảy ra, cũng như khi có những biến động về thị trường tiêu thụ. Ngược lại, người trồng rừng cũng cần phải nâng cao ý thức trong việc thực hiện trồng rừng gỗ lớn, cũng như cam kết đồng hành với doanh nghiệp để tránh tình trạng phá vỡ liên kết về thị trường và giá cây gỗ gây thiệt hại cho doanh nghiệp.

Thời gian qua, tỉnh đã thiết lập được chuỗi liên kết tiêu thụ gỗ rừng trồng có chứng chỉ FSC với các doanh nghiệp có chứng chỉ CoC như: Công ty Chế biến gỗ Thu Hằng, Công ty Nguyên Phong, Sepon Group, Công ty Scansia Pacific...

Các doanh nghiệp này cam kết bao tiêu toàn bộ sản lượng gỗ có chứng chỉ của Hội FSC Quảng Trị nói chung và các HTX nói riêng với giá cao hơn với so với giá gỗ không có chứng chỉ từ 10-15%.

Để chính sách đến gần hơn với người trồng rừng

Với mục tiêu hình thành vùng kinh doanh rừng gỗ lớn có năng suất, chất lượng cao nhằm nâng cao giá trị sản xuất, kinh doanh rừng trồng, gắn kết theo chuỗi từ trồng rừng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, tỉnh Quảng Trị đã xây dựng Đề án Phát triển rừng trồng kinh doanh gỗ lớn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2019-2025, định hướng đến năm 2030.

Tỉnh cũng đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ người tham gia trồng rừng gỗ lớn có chứng chỉ FSC như Nghị quyết số 03/2017/NQ-HĐND ngày 23/5/2017 của HĐND tỉnh (Nghị quyết 03) về hỗ trợ phát triển một số cây trồng, con nuôi tạo sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2025; Quyết định số 23/2017/QĐUBND ngày 7/9/2017 của UBND tỉnh ban hành Quy định chính sách hỗ trợ phát triển một số cây trồng, con nuôi tạo sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2017- 2020, định hướng đến 2025. Theo đó, tỉnh hỗ trợ 50% đơn giá cây giống cho các chủ rừng thực hiện trồng rừng kinh doanh gỗ lớn, khối lượng 600 ha/năm. Kết quả đã hỗ trợ 884 ha rừng trồng gỗ lớn giai đoạn 2017 - 2020.

Khai thác gỗ rừng trồng FSC đúng kỹ thuật- Ảnh: T.T

Khai thác gỗ rừng trồng FSC đúng kỹ thuật- Ảnh: T.T

Nghị quyết số 162/2021/NQ-HĐND ngày 9/12/2021 của HĐND tỉnh (Nghị quyết 162) về việc quy định chính sách hỗ trợ phát triển một số cây trồng, vật nuôi tạo sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, trong đó có chính sách hỗ trợ trồng rừng nguyên liệu chất lượng cao cho các chủ rừng trên địa bàn tỉnh.

Chính sách hỗ trợ 50% chi phí cây giống keo lai nuôi cấy mô, phân bón để trồng rừng nguyên liệu chất lượng cao. Mỗi tổ chức, cá nhân được hỗ trợ tối đa 5 ha, định mức hỗ trợ tối đa 4 triệu đồng/ha, mỗi năm hỗ trợ 1.000 ha. Nghị quyết số 73/NQ-HĐND ngày 25/6/2021 của HĐND tỉnh (Nghị quyết 73) về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án trồng, bảo vệ phát triển rừng và cơ sở hạ tầng phục vụ bảo tồn và phát triển bền vững các Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông và Bắc Hướng Hóa.

Theo đó, dự án thực hiện hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn theo chính sách tại Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg ngày 14/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành một số chính sách bảo vệ, phát triển rừng và đầu tư hỗ trợ kết cấu hạ tầng, giao nhiệm vụ công ích đối với các công ty nông, lâm nghiệp với khối lượng 1.000 ha trong giai đoạn 2023-2025.

Như vậy, nhiều chính sách hỗ trợ đã được ban hành và triển khai thực hiện trong những năm qua. Tuy nhiên, để chính sách thực sự đi vào cuộc sống, người dân tiếp cận và hưởng lợi từ chính sách thực chất, hiệu quả, thì công tác tuyên truyền cần được triển khai mạnh mẽ hơn nữa. Giám đốc HTX Lâm nghiệp bền vững Keo Sơn ( xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ) Lê Phúc Nhật chia sẻ: “Chúng tôi đã nghe nói đến các chính sách hỗ trợ của tỉnh như Nghị quyết 162, Nghị quyết 03... tuy nhiên chưa tiếp cận, sắp tới HTX sẽ nghiên cứu tiếp cận các chính sách này.

Vừa qua, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông quốc gia, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai xây dựng mô hình vườn ươm cải tiến sản xuất cây giống keo lai nuôi cấy mô tại HTX trị giá 900 triệu đồng. Trong đó HTX được hỗ trợ 70% giá trị cơ sở vật chất nhà xưởng và giống cây. Hiện tại HTX đã ký cam kết sản xuất rừng có chứng chỉ FSC với Công ty TNHH MTV Gỗ Nguyên Phong với diện tích 345 ha, công ty bao tiêu sản phẩm”.

Cần nhiều giải pháp đồng bộ

Chia sẻ về những giải pháp căn bản để duy trì phát triển diện tích rừng gỗ lớn FSC gắn với bảo vệ môi trường, nâng cao giá trị kinh tế từ rừng, Chủ tịch Hội Các nhóm hộ có chứng chỉ rừng Quảng Trị Hoàng Đức Doanh cho rằng: “Hiện nay cần thiết phải rà soát lại diện tích rừng trồng trên địa bàn tỉnh, lựa chọn những vùng đất phù hợp, ít bị ảnh hưởng của thiên tai để hình thành vùng trồng cây keo gỗ lớn cung cấp cho các cơ sở chế biến gỗ.

Chú trọng công tác tuyên truyền về chứng chỉ rừng, gắn việc phát triển rừng với việc quản lý rừng bền vững, cấp chứng chỉ rừng, coi đây là giải pháp trọng tâm trong quá trình thực hiện. Nâng cao năng suất, chất lượng giống cây trồng, xây dựng các mô hình trình diễn để nông dân học tập từ phương thức trồng và phương thức quản lý. Xây dựng chính sách hỗ trợ cho nông dân trong việc chuyển đổi mô hình trồng từ gỗ dăm sang gỗ lớn, hỗ trợ nguồn vốn vay và chính sách bảo hiểm rừng trồng”.

Đề án phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2022-2026, định hướng đến năm 2030 đã được ngành chức năng chủ trì xây dựng hoàn thành đang chờ UBND tỉnh phê duyệt. Trong đó đặt mục tiêu duy trì phát triển diện tích rừng gỗ lớn FSC gắn với bảo vệ môi trường, nâng cao giá trị kinh tế từ rừng, giai đoạn 2023-2030 dự kiến diện tích rừng trồng sẽ cấp chứng chỉ khoảng 22.700 - 25.200 ha. Đây chính là đề án quan trọng có ý nghĩa định hướng đầu tư, quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, sản xuất, kinh doanh lâm nghiệp bền vững trong thời gian tới, khai thác tốt các nguồn lực, lợi thế để lâm nghiệp trở thành ngành kinh tế chủ lực, hiện thực hóa mục tiêu đưa Quảng Trị trở thành trung tâm cung cấp gỗ nguyên liệu và chế biến gỗ từ rừng trồng của khu vực miền Trung.

Để tiếp tục thực hiện các đề án về phát triển vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng, tỉnh định hướng trong giai đoạn 2021-2025, diện tích rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC từ 26.000-28.000 ha, đến năm 2030 là khoảng 30.000 ha. Nhiều giải pháp, chính sách được tỉnh đề ra để triển khai đồng bộ như tuyên truyền hiệu quả việc phát triển rừng, trồng gỗ lớn, phát triển vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng có chứng chỉ FSC, khuyến cáo chủ rừng sử dụng nguồn giống có năng suất, chất lượng trong trồng rừng.

Nhân rộng và phát triển các mô hình liên kết sản xuất với mục tiêu gắn kết chặt chẽ sản xuất với thị trường, tăng cường vận động tuyên truyền và nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất theo hình thức liên doanh, liên kết. Từng bước hình thành vùng sản xuất nguyên liệu gỗ rừng trồng tập trung có quy mô diện tích lớn để tạo điều kiện thuận tiện cho hoạt động đầu tư cơ sở hạ tầng, chế biến, thực hiện quản lý rừng bền vững, đánh giá cấp chứng chỉ rừng FSC.

Huy động và gắn kết các nguồn lực, lồng ghép các chương trình, dự án, đề án để nâng cao hiệu quả trong công tác phát triển rừng và vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng có chứng chỉ FSC. Tổng kết và chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật về thâm canh rừng gỗ lớn, mô hình có hiệu quả. Đưa vào sử dụng những giống cây keo mới có năng suất cao, chất lượng gỗ tốt, có sức chống chọi, thích ứng với các điều kiện bất lợi của thời tiết cho công tác trồng rừng.

Thực hiện cơ chế, chính sách, hỗ trợ cây giống keo lai nuôi cấy mô, vật tư, phân bón để phát triển vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng chất lượng cao, tiến tới được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC.

Thanh Trúc -Hà Trang - Lê An

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/nong-lam-ngu/trong-rung-go-lon-vuot-qua-thach-thuc-de-phat-trien-ben-vung-bai-3-tao-dong-luc-tu-chinh-sach-hoat-dong-ho-tro/177152.htm