Trồng sen Nhật lấy củ, hướng sản xuất mới ở xã Ngọc Thanh
Vài năm gần đây, nhiều nông dân trên địa bàn xã Ngọc Thanh (Kim Động) mạnh dạn chuyển đổi diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang trồng giống sen Nhật lấy củ, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Gia đình anh Nguyễn Đình Hòa ở thôn Duyên Yên, xã Ngọc Thanh là hộ trồng sen lấy củ đầu tiên và lớn nhất xã với diện tích gần 7 mẫu. Những ngày này, các thành viên trong gia đình anh tất bật ở ngoài ruộng để thu hoạch củ rồi vận chuyển về nhà cân cho thương lái.
Kể về cơ duyên đến với cây sen, anh Hòa cho biết: Cách đây 5 năm, qua mạng Internet, tôi tình cờ biết đến mô hình trồng giống sen Nhật ở huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương. Mô hình này thích hợp với đất ruộng thấp, trũng, không đòi hỏi cao về kỹ thuật mà lại nhanh cho thu hoạch với năng suất và hiệu quả kinh tế cao. Tôi đến tận nơi tham khảo và mua giống về trồng. Vụ đầu tiên, nhờ chăm bón đúng kỹ thuật nên cây sen phát triển rất tốt, đầu ra thuận lợi, trừ chi phí tôi thu lãi hơn 200 triệu đồng trên diện tích 5 sào.
Kết quả vụ đầu tiên thành công ngoài mong đợi, anh Hòa tiếp tục trồng vụ thứ hai, vụ thứ ba… Đến nay, anh thuê thêm ruộng của người dân trong thôn và các địa phương lân cận để mở rộng diện tích trồng sen lên gần 7 mẫu. Anh Hòa chia sẻ: Kỹ thuật trồng sen lấy củ không khó, không cầu kỳ như nhiều loại cây trồng khác. Nhưng cần chú trọng khâu chọn giống để sau thời gian chăm sóc sẽ thu hoạch được những củ sen to, trắng, nạc, ăn giòn, bùi. Ngoài ra, trong quá trình chăm sóc cần chủ động phòng trừ sâu ăn lá để cây giữ bộ lá và quang hợp tốt; lưu ý để nước mặt ruộng khoảng 5 - 10cm nhằm hạn chế cỏ dại phát triển và giữ độ ẩm cho đất. Sau khoảng 5 - 6 tháng trồng, sen sẽ cho thu hoạch củ, năng suất đạt từ 1 đến 1,2 tấn củ/sào, với giá bán buôn trung bình 35.000 đồng/kg, trừ các chi phí cho thu lãi từ 25 – 30 triệu đồng/sào, cao gấp nhiều lần so với cấy lúa.
Nhận thấy mô hình trồng cây sen Nhật lấy củ của gia đình anh Hòa mang lại hiệu quả kinh tế cao, thích hợp với đồng đất trũng ở địa phương, nhiều nông dân trong xã đã tìm đến để học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, mua củ sen giống về trồng.
Gia đình anh Nguyễn Đình Hòa ở thôn Duyên Yên, xã Ngọc Thanh thu hoạch củ sen
Năm nay là vụ thu hoạch củ sen thứ hai của gia đình anh Trịnh Đình Hinh ở thôn Duyên Yên. Gia đình anh trồng 8 sào sen, vụ thu hoạch năm ngoái cho sản lượng hơn 8 tấn củ. Anh Hinh cho biết: Năm 2021, tôi mua củ giống tại hộ anh Hòa rồi cải tạo diện tích ruộng của gia đình thuộc khu vực chuyển đổi để trồng cây sen. Việc cải tạo khá đơn giản, chỉ cần đắp gọn bờ xung quanh để giữ nước, sau đó san phẳng mặt ruộng, không làm thay đổi quá nhiều kết cấu ruộng cấy nên chi phí đầu tư khá thấp.
Vụ thu hoạch sen củ thường bắt đầu từ tháng 8 (dương lịch) đến hết tháng 2 năm sau. Theo chia sẻ của các hộ nông dân ở xã Ngọc Thanh, giống sen Nhật lấy củ có rất nhiều ưu điểm: Cây sen chỉ cần trồng một lần cho thu hoạch được nhiều vụ, thao tác trồng rất đơn giản, khi sen tàn thì tiến hành tháo kiệt nước, cấy dặm vào những gốc cũ đã thu hoạch hoặc bị chết rồi bón thêm phân NPK để cung cấp dinh dưỡng cho cây sen vào vụ tiếp theo. Giống sen này rất dễ chăm sóc; ít sâu bệnh; không bị chuột phá hoại như các giống sen lấy hạt, lấy hoa khác; thích hợp với chân ruộng trũng, chi phí đầu tư thấp (trung bình 5 triệu đồng/sào) và đặc biệt thị trường tiêu thụ rất thuận lợi. Ngoài nguồn thu chính từ bán củ, các hộ trồng còn có thêm thu nhập từ bán cây giống, lá sen hoặc từ dịch vụ chụp ảnh lưu niệm...
Chị Hài, một hộ trồng sen ở thôn Ngọc Đồng cho biết: Hiện nay nhu cầu sử dụng củ sen rất phổ biến, vừa làm thực phẩm, vừa sử dụng làm thuốc chữa bệnh nên người trồng sen không lo nguồn tiêu thụ. Thương lái đến tận đầu ruộng để thu mua, rồi cung cấp đến các chợ, siêu thị, nhà hàng, công ty chế biến thực phẩm trên địa bàn trong và ngoài tỉnh. Nhà tôi hiện có hơn 3 mẫu trồng sen, năng suất năm nay ước đạt khoảng 30 tấn củ. Từ đầu tháng 8, thương lái đã đến đặt hàng với mức giá ổn định như năm trước nên chúng tôi rất phấn khởi.
Xã Ngọc Thanh hiện có khoảng 30ha trồng sen các loại, trong đó diện tích cây sen Nhật lấy củ chiếm trên 30%. Ông Đỗ Thành Công, Chủ tịch UBND xã cho biết: Những năm qua, thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhiều nông dân đã năng động, tích cực, sáng tạo, tìm tòi và phát triển những mô hình sản xuất mới trên diện tích đã được quy hoạch, trong đó mô hình trồng giống sen Nhật lấy củ trên đất trũng thực sự mang lại hiệu quả kinh tế cao, thân thiện với môi trường, mở ra hướng sản xuất mới phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương.