Trọng tài mắc sai lầm: Ngoại Hạng Anh ứng xử khác V-League thế nào?
Cách ứng xử của các đội bóng và ban tổ chức giải Ngoại Hạng Anh cũng như các giải đấu khác ở châu Âu khi trọng tài mắc sai lầm không giống ở Việt Nam.
Mùa giải 2022/2023, các trọng tài giải Ngoại Hạng Anh phạm phải không ít sai lầm cơ bản dù được hỗ trợ bởi VAR. Trong trận đấu giữa Arsenal và Brentford (vòng 22 giải Ngoại hạng Anh), trọng tài phụ trách VAR Lee Mason không kẻ vạch việt vị ở pha ghi bàn gây tranh cãi của Ivan Toney, khiến Arsenal bị Brenford cầm hòa 1-1. Ông Mason chỉ kiểm tra Ethan Pinnock và bỏ qua Christian Norgaard - người phạm lỗi việt vị.
Trước làn sóng chỉ trích vì sai lầm sơ đẳng đó, Giám đốc Cơ quan Quản lý trọng tài chuyên nghiệp Anh (PGMOL), ông Howard Webb lên tiếng xin lỗi Arsenal, đồng thời thông báo cắt hợp đồng của trọng tài Lee Mason.
Đội bóng chịu nhiều thiệt thòi nhất vì các quyết định của trọng tài mùa này là Brighton. Cơ quan quản lý trọng tài Anh phải xin lỗi đội bóng này tới 3 lần kể từ tháng 12/2022 đến nay.
Trong trận đấu với Tottenham cuối tuần trước, Kaoru Mitoma bị Pierre-Emile Hojbjerg đốn ngã trong hiệp hai. Trọng tài chính Stuart Attwell bỏ qua pha phạm lỗi này. Dù trọng tài phụ trách VAR, ông Michael Salisbury đã xem lại băng hình nhưng quyết định vẫn được giữ nguyên. Giám đốc PGMOL Howard Webb thừa nhận, Brighton lẽ ra phải được hưởng một quả phạt đền.
Trước đó, PGMOL từng phải công khai xin lỗi Brighton những sai lầm liên quan đến VAR trong trận gặp Aston Villa (8/12/2022) và trận đấu với Crystal Palace (11/2). Dù không thể thay đổi kết quả trận đấu nhưng đây là cách tốt nhất để PGMOL xoa dịu các CLB và thể hiện sự công khai, minh bạch và tinh thần cầu thị.
Ở Ngoại Hạng Anh, các đội bóng có quyền phàn nàn về trọng tài miễn là họ làm điều đó theo đúng quy trình. Người hâm mộ không lạ gì việc các huấn luyện viên, cầu thủ bóng đá Anh bày tỏ sự không đồng tình với quyết định của trọng tài. Tuy nhiên, những bình luận đó không phải là công kích cá nhân, quy chụp hay kết tội trọng tài, bởi nếu họ làm điều đó, ban tổ chức và Hiệp hội bóng đá Anh (FA) sẽ phạt. Tiền vệ Ryan Babel của Liverpool từng phải nộp phạt 10 nghìn Bảng sau khi đăng bức ảnh trọng tài Howard Webb mặc áo Man Utd lên mạng xã hội.
Khi bức xúc vì vấn đề trọng tài, các đội bóng Anh có một giải pháp văn minh và hữu ích hơn. Họ gửi đơn khiếu nại. Ban tổ chức giải với tư cách là đối tác thuê trọng tài sẽ làm việc với PGMOL để bảo vệ quyền lợi của các CLB. PGMOL ghi nhận rồi họp để xem xét, đưa ra quyết định, sau đó đăng thông cáo công khai trên trang chủ và phản hồi với các CLB.
Không chỉ có Ngoại Hạng Anh, cách xử lý tình huống khi các vấn đề về trọng tài xảy ra cũng cho thấy sự sòng phẳng, cầu thị của các bên liên quan. Tại Scotland, trưởng ban trọng tài Crawford Allantừng phải trực tiếp xin lỗi HLV Derek McInnes của CLB Kilmarnock sau khi đội bóng này mất một quả phạt đền rõ ràng.
Chủ tịch Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA) trước đây là ông Sepp Blatter phải trực tiếp xin lỗi đội tuyển Anh và Mexico sau những sai lầm của trọng tài ở World Cup 2010. Sau đó 8 năm, VAR được đưa vào giải đấu lớn nhất hành tinh.
Cách giải quyết sự cố của ban trọng tài VFF, đứng đầu là ông Đặng Thanh Hạ đang nhiều người quan ngại. Có lẽ cách ứng xử của PGMOL và FIFA là một gợi ý để những người đứng đầu cơ quan quản lý trọng tài Việt Nam cần đưa ra lời giải thích một cách công khai, thậm chí xin lỗi nếu cần thiết. Trong khi đó, các đội bóng V-League cũng nên học cách phản ứng văn minh.