Trọng tài VAR có thiên vị không?

Một số liệu gần đây về các trọng tài ở Premier League cho thấy trung bình họ đưa ra 245 quyết định mỗi trận.

200 quyết định trong số đó là phán xét các hành vi va chạm cơ thể và kỷ luật. Điều này tương đương với việc (trọng tài - PV) đưa ra quyết định sau mỗi 22 giây.

Trên thực tế, các trọng tài đưa ra quyết định nhiều hơn gấp 3 lần so với một cầu thủ trung bình chạm bóng. Hiệu suất làm việc của trọng tài trên sân thật đáng kinh ngạc.

Có trọng tài VAR thì vẫn hơn

Người ta thấy rằng các trọng tài và trợ lý của họ mắc khoảng 5 lỗi mỗi trận, nghĩa là họ đúng khoảng 98% thời gian. Điều này đồng nghĩa chỉ có 2% sai. Đó là con số quá tốt. Nhưng mọi người đều nhắm vào số lượng sai sót rất nhỏ này, để chỉ trích các trọng tài.

Có lẽ do một tâm lý mặc định rằng: đã là trọng tài thì phải đúng một cách hoàn hảo, không được sai. Hoặc do tâm lý từ các CĐV, có những tình huống trọng tài đúng, nhưng họ vẫn cho là sai. Và do một điều nữa: hầu như sai sót đó toàn nhắm vào các tình huống có thể thay đổi cục diện trận đấu.

Nay có các trọng tài VAR hỗ trợ, sai sót của trọng tài chính chắc chắn giảm thiểu. Sẽ không có những pha bóng gây tranh cãi như từng xảy ra trong lịch sử. Ví dụ, ở pha ghi bàn của Geoff Hurst trong trận chung kết World Cup 1966, bóng thật sự ở trong khung thành chưa?

Hay không thể có pha ghi bàn kiểu “Bàn tay của Chúa” nổi tiếng của Diego Maradona tại trận Anh gặp Argentina ở tứ kết World Cup 1986. Bốn năm sau, lại chính Maradona dùng tay đỡ bóng ngay trước khung thành giúp cho đội nhà không thua bàn trước Liên Xô.

Hoặc sẽ không có pha đỡ bóng bằng tay của Thierry Henry đưa bóng trở lại sân giúp đội Pháp ghi bàn quyết định loại Ireland ra khỏi World Cup 2010. Dù khán giả thích hay không thích thì có trọng tài VAR vẫn khiến trận đấu công bằng hơn.

 Câu chuyện trọng tài là đề tài gây tranh cãi sau trận Australia thắng Việt Nam 1-0 tối 7/9. Ảnh: Việt Linh.

Câu chuyện trọng tài là đề tài gây tranh cãi sau trận Australia thắng Việt Nam 1-0 tối 7/9. Ảnh: Việt Linh.

VAR giúp trọng tài chính loại bỏ định kiến

Những điều gì có thể ảnh hưởng đến quyết định của trọng tài? Đầu tiên là hiệu ứng đám đông. Các đội chủ nhà có xu hướng nhận ít thẻ vàng và đỏ hơn và có nhiều thời gian bù giờ hơn khi tỷ số không có lợi cho họ.

Bầu không khí do đám đông tạo ra có thể ảnh hưởng đến quyết định của trọng tài. Những sân có khán giả cuồng nhiệt, hét to, ảnh hưởng đến trọng tài nhiều hơn.

Sự thiên vị này tăng với những sân không có đường chạy quanh sân ngăn cách sân bóng với khán đài. Ví dụ, sân Old Trafford và Goodison Park có thể khiến các trọng tài dễ bị ảnh hưởng hơn so với sân của West Ham.

Nếu sân không có khán giả như trong đợt dịch Covid-19, trọng tài ít bị ảnh hưởng hơn. Và với các trọng tài VAR ngồi trong phòng xem video, họ không mảy may bị ảnh hưởng bởi hiệu ứng đám đông.

Thứ hai là hiệu ứng cơ thể. Một nghiên cứu gần đây điều tra thành kiến của các trọng tài có liên quan đến kiểu cơ thể của cầu thủ. Những người được cho là phạm lỗi có chiều cao hơn trung bình lớn hơn so với cầu thủ bị phạm lỗi.

Nghĩa là các trọng tài có xu hướng coi các cầu thủ nhỏ con là “nạn nhân”. Khi có một tình huống phạm lỗi khi tranh bóng không rõ ràng, trọng tài có nhiều khả năng sẽ quy lỗi cho cầu thủ cao hơn.

Khi các cầu thủ nhỏ hơn ngã xuống đất, mọi người có xu hướng coi đó là phạm lỗi. Tuy nhiên, khi các cầu thủ cao lớn ngã xuống đất, mọi người có xu hướng gán cho nó một bối cảnh không phạm lỗi. Về điều này, các trọng tài VAR có thể cải thiện bởi họ không đứng trong sân, nên thành kiến cũng ít hơn.

Thứ ba là xu hướng thiên vị đồng hương. Điều này xảy ra ở các trận đấu cấp CLB, chứ không ở các trận ĐTQG. Nghiên cứu các trận trong 12 mùa giải Champions League cho thấy trọng tài có xu hướng khoan dung hơn với một cầu thủ có cùng quốc tịch. Số quyết định có lợi cho họ đã tăng lên 10% và thậm chí lên đến 15-20% trong một số trường hợp.

 Sterling được cho là "ngã giả vờ" trong trận gặp Đan Mạch tại Euro 2020. Ảnh: Reuters.

Sterling được cho là "ngã giả vờ" trong trận gặp Đan Mạch tại Euro 2020. Ảnh: Reuters.

Nhưng các trọng tài VAR vẫn có định kiến riêng

Thứ tư là hiệu ứng “đội chơi bẩn”. Trước khi bắt trận đấu, các trọng tài thường bỏ ra thời gian để nghiên cứu về hai đội bóng nhằm điều khiển trận đấu tốt hơn.

Chắc chắn họ sẽ có định kiến về những đội nào hay chơi xấu, thực hiện tiểu xảo lên đối thủ, hung hăng phản đối, gây áp lực lên trọng tài. Khi phải đưa ra quyết định nhanh chóng, các định kiến trong tiềm thức sẽ ảnh hưởng nhất định.

Các trọng tài ngồi trong phòng VAR cũng khó tránh khỏi định kiến này, vì họ cũng nghiên cứu các đội bóng.

Thứ năm là hiệu ứng “đội bóng lớn”. Đây là hiệu ứng gây định kiến nặng nề nhất lên các trọng tài trên sân. Các quyết định đối với Maradona ở trận gặp Liên Xô và với Henry kể trên bị ảnh hưởng bởi hiệu ứng đội bóng lớn.

Nhiều nghiên cứu chỉ ra điều này, với điển hình là một nghiên cứu thực hiện ở giải vô địch quốc gia Na Uy. Họ nghiên cứu các tình huống có khả năng dẫn đến phạt đền của hai CLB mạnh nhất giải, là Rosenborg và Molde trong một mùa giải.

Trong các tình huống có khả năng đó, có 10 tình huống hai đội này được hưởng phạt đền là rõ ràng đúng, nhưng trọng tài cho họ hưởng 11 quả phạt đền, nghĩa là vượt tiềm năng thực tế 110%.

Ngược lại, hai đội này phạm lỗi có thể dẫn đến 8 quả phạt đền rõ ràng cho đội khách, nhưng trọng tài chỉ thổi 1 quả phạt đền. Nghĩa là, số quả phạt đền thực tế mà các đội nhỏ được hưởng khi gặp hai đội lớn kia chỉ là 12,5% (tức là 1 chia 8).

Các trọng tài VAR cũng bị ảnh hưởng bởi hiệu ứng đội bóng lớn này. Nhất là trong các tình huống mù mờ, không có đường phân giới rõ ràng giữa phạm lỗi hay không phạm lỗi.

Quả phạt trong trận Anh gặp Đan Mạch tại Euro 2020 là một ví dụ. Raheem Sterling có vẻ như chủ động ngã vào chân hậu vệ Đan Mạch khi đang đi bóng vào vòng cấm, nhưng cả trọng tài VAR lẫn trọng tài chính đều đồng thuận rằng đó là quả phạt đền.

Tuyển Anh vừa là đội chủ nhà, đội bóng lớn hơn Đan Mạch. Nếu đổi lại, cầu thủ Đan Mạch thực hiện pha bóng đó trong vòng cấm địa đội Anh thì sao? Câu trả lời là không chắc có quả phạt đền.

Nhiều khi hiệu ứng chủ nhà không bằng hiệu ứng đội bóng lớn. Lớn ở đây có thể chỉ là quen thuộc, tham gia sân chơi nhiều năm và có nhiều mối quan hệ hơn.

Hãy xem lại bàn thắng duy nhất từ cái lưng của trung vệ Sasikumar trên sân Hàng Đẫy tại trận chung kết Tiger Cup 1998 vào lưới đội chủ nhà Việt Nam. Trọng tài trên sân và cả VAR sau này hoàn toàn có thể loại bỏ bàn thắng đó theo nguyên tắc “thủ môn được bảo vệ hơn trong vòng cấm”. Nhưng họ cũng có thể công nhận bàn thắng đó, mà không sai, như họ đã làm.

Vị thế của từng đội bóng trên sân rõ ràng chi phối quyết định của trọng tài. Với vị thế của đội bóng Việt Nam hiện tại ở Đông Nam Á, có thể sẽ không bị xử thua trong tình huống đó.

Tương tự, vị thế của đội bóng Việt Nam hiện tại ở đấu trường châu lục chưa cao để thoát khỏi những chi phối và định kiến kiểu này, khi so với các đội có tên tuổi hơn.

Trọng tài trong phòng VAR cũng là con người. Họ cũng bị chi phối bởi định kiến, tình cảm và nhiều loại chi phối khác. Chỉ tới khi người ta áp dụng AI (trí tuệ nhân tạo) để làm việc phán quyết đúng hay sai, thì mới loại bỏ được các loại chi phối trên ở trọng tài ngồi phòng VAR.

Nhưng nếu dùng AI để thay trọng tài trong phòng VAR, quyết định cuối cùng vẫn thuộc trọng tài trên sân. Nhìn chung, không thể có loại “một giải pháp cho tất cả vấn đề”, và không thể có thứ gì hoàn hảo.

Highlights vòng loại World Cup: Việt Nam 0-1 Australia Bàn thắng duy nhất của Rhyan Grant giúp đội khách Australia giành 3 điểm trước Việt Nam ở vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á tối 7/9.

Chính Phong

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/trong-tai-var-co-xu-ep-tuyen-viet-nam-post1260531.html