Trong tâm dịch nCoV, kiên định mục tiêu kép
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh trong vai trò Tư lệnh ngành Công Thương đã khẳng định chiến lược này sẽ được quán triệt từ lãnh đạo Bộ Công Thương đế lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ. Mặc dù là Bộ đã sớm vào cuộc một cách quyết liệt trong việc thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ trong việc thực hiện mục tiêu kép là chống dịch cúm Corona đi kèm với việc bảo đảm mục tiêu tăng trưởng mà không đặt ra việc điều chỉnh thế nhưng tình hình cả trước mắt và lâu dài, tình hình thực tế vẫn đòi hỏi cần tiếp tục rà soát, đánh giá các tác động của dịch bệnh đến hoạt động phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Khi chống dịch như chống giặc!
Những nhóm công việc vì sức khỏe người dân, vì ổn định kinh tế
Trong 2 tuần qua, các đơn vị thuộc Bộ như Tổng cục Quản lý thị trường, Vụ Thị trường trong nước, Cục Xuất nhập khẩu, Cục Công nghiệp, các Vụ Thị trường Á – Phi , Âu – Mỹ và cùng với đó là Vụ Kế hoạch, Văn phòng Bộ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, công văn hỏa tốc để kịp thời bám sát thực tế, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan bảo đảm nguồn cung hàng hóa, sản phẩm vật tư trong tâm dịch, bình ổn thị trường với các mặt hàng trọng điểm, đồng thời kết nối, giải tỏa xuất nhập khẩu, phát huy vai trò của hệ thống thương mại nội địa nhằm khắc phục tác động của dịch Corona.
“Ngay từ mùng 2 Tết, Cục Xuất nhập khẩu đã vào cuộc cùng đó đến ban hành đến 16 – 17 văn bản chỉ đạo, phối hợp và có cả văn bản cảnh báo”- Cục trưởng Phan Văn Chinh nói.
Trong vai trò đầu mối, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Dương Duy Hưng cho biết, các đơn vị hữu quan của Bộ đã phối hợp nhịp nhàng theo mấy nhóm công việc và cũng có thể coi là những “hướng tuyến” trong chiến lược “chống dịch như chống giặc” mà Chính phủ đã chỉ đạo nhằm xử lý các vấn đề trực tiếp đến ảnh hưởng đến phát triển công nghiệp, thương mại, năng lượng, giảm thiểu tác động bệnh dịch, bảo đảm sản xuất kinh doanh.
Nhóm đầu tiên là nhóm cùng với các bộ, ngành kiểm soát dịch bệnh. Lực lượng Quản lý thị trường đã nhanh chóng xung trận với tâm thế quyết liệt và được Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đánh giá rất rất cao trong nỗ lực phối hợp xử lý gần 3.000 vụ việc liên quan đến những hành vi mà Bộ trưởng Trần Tuấn Anh gọi là vô đạo đức nhằm giữa lúc cao điểm dịch cúm Corona để trục lợi như găm hàng, nâng giá bán, thậm chí là hô hào không bán hàng. Cùng đó là nhóm bảo đảm nguồn cung sản phẩm phòng chống bệnh với việc Cục Công nghiệp liên tục làm việc làm việc với các doanh nghiệp sản xuất khẩu trang và cùng kênh cung ứng của Bộ Y tế bảo đảm nguồn cung khẩu trang.
“Năng lực cung cấp khẩu trang trong nước hiện đạt đến 15 triệu chiếc 1 ngày trong khi nhu cầu của người dân là 10 triệu chiếc”- ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp cho biết
Nhóm tiếp theo là nhóm khơi thông xuất nhập khẩu. Ở đây Cục Xuất nhập khẩu, Vụ Thị trường trong nước liên tục bám sát “trận địa” tại các cửa khẩu để kịp thời cùng địa phương giải tỏa hàng, đề xuất quy trình bảo đảm một mặt khơi thông hàng hóa, mặt khác vẫn kiểm soát chặt dịch bệnh. Cùng với đó phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp logistics để kịp thời hỗ trợ bảo quản nông sản khi mà đường chưa thông. Đặc biệt Cục Xuất nhập khẩu đã đề xuất quy trình để cụ thể hóa tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là giao nhận hàng tại cửa khẩu với việc lo riêng đội hình lái xe, bốc vác riêng biệt một mặt bảo đảm giao nhận hàng, một mặt sinh hoat mang tính cách ly tại chỗ. Quy trình này đang được các địa phương như Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh nghiên cứu và đưa dần vào thực hiện.
Đáng chú ý các vụ chức năng đã sớm nhìn ra việc cần thiết phải tìm thị trường thay thế mà nỗ lực trực tiếp là hai Vụ Thị trường Á – Phi và Âu – Mỹ. Kết quả bước đầu rất hứa hẹn với các tín hiệu tích cực từ các đối tác từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Indonesia.
Nhóm tiếp theo là nhóm kết nối giải tỏa thị trường trong nước. Vụ Thị trường trong nước đã chạy đua với thời gian vừa ra văn bản phối hợp, vừa trực tiếp làm việc với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất để bảo đảm cung ứng đủ hàng hóa cho thị trường nội địa, góp phần khơi thông thêm nguồn hàng để ổn định thị trường. Nỗ lực này đã được các hệ thống bán hàng lớn trong cả nước hưởng ứng với nhiều chiến dịch bán hàng không lợi nhuận.
Cũng cần nói thêm đến nỗ lực của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số với việc phối hợp với các sàn thương mại điện tử lớn xử lý việc trục lợi kiểu “online” như tăng giá bán hàng trên mạng, nhất là mặt hàng khẩu trang, nước sát khuẩn; nếu không tăng giá hàng thì tăng giá ship. Kết quả đã có hàng trăm nhà bán hàng đã bị các sàn điện tử như Lazada, Shopee xử lý. Tuy nhiên nó cũng cho thấy cần thiết có quy định về giá trần hàng. Ở tầm vĩ mô, nói như Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, những công cụ pháp lý để quản lý thị trường trong bối cảnh đặc biệt như dịch cúm Corona những ngày vừa qua cũng đã bộc lộ những điểm yếu và rất cần nhanh chóng được hoàn thiện.
Nhóm cuối cùng là nhóm đánh giá tác động đến ngành sản xuất công nghiệp thương mại, năng lượng. Ở đây cho thấy dệt may, da giày, điện tử đã có đánh giá tác động bước đầu. Điều cần nói là Bộ Công Thương cũng là một trong những Bộ đầu tiên có báo cáo toàn diện tác động chung của dịch Corona đến ngành Công Thương chỉ trong 5 ngày sau khi cuộc họp thường trực Chính phủ diễn ra, theo đúng chỉ thị của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đưa ra vào cuộc giao ban vào sáng 31/1/2020. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đánh giá công tác này đã thực hiện đầy đủ, nghiêm túc yêu cầu của Chính phủ.
“Nóng” câu chuyện tìm thị trường thay thế
Câu chuyện đa dạng hóa thị trường nhằm tránh sự phụ thuộc với hệ quả là rủi ro từ một vài thị trường vốn đã “nóng” lâu nay và khi dịch cúm Corona bùng phát, nó lại càng nóng. Đại diện Vụ Thị trường trong nước cho rằng dịch bệnh là cơ hội cho thấy nếu chúng ta làm tốt việc truy xuất nguồn gốc, sản xuất bảo đảm quy chuẩn thì việc chuyển đổi thị trường cho hàng hóa của Việt Nam, đặc biệt là nông sản sẽ dễ dàng và rút ngắn được thời gian thâm nhập thị trường.
Đại diện Cục Xuất nhập khẩu đề xuất trong bối cảnh giao thương trên bộ có thể gặp nhiều trở ngại, cần khuyến khích doanh nghiệp chuyển sang xuất khẩu chính thức qua đường biển, do vậy cần có sự hỗ trợ của Nhà nước giúp doanh nghiệp giảm thiểu chi phí.
Cùng đó Vụ Thị trường châu Á châu Phi và Vụ Thị trường Âu - Mỹ đề xuất cần tận dụng các thị trường mà Việt Nam đã ký các FTA. Đặc biệt Vụ Thị trường châu Á châu Phi thông báo những tín hiệu vui khi ngay trong tháng 2 này và những tháng tiếp theo, nhiều đoàn thương nhân của các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, một số nước ASEAN sẽ tới các địa phương để thực hiện công tác kết nối với các sản phẩm của Việt Nam.
Còn Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số và Cục Xúc tiến thương mại khuyến nghị trong bối cảnh dịch cúm nCoV diễn ra, để khắc phục tâm lý “ngại, sợ” trong tiếp xúc trực tiếp cần chú trọng đẩy mạnh hoạt động khai mở thị trường, xúc tiến thương mại cho hàng hóa Việt Nam trên nền tảng công nghệ số, xúc tiến thương mại điện tử và đây chắc chắn sẽ được các đối tác hưởng ứng.
Và như để khẳng định nỗ lực cao nhất của Bộ, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, đích thân các Thứ trưởng của Bộ tới đây sẽ dẫn đầu các đoàn công tác đi khai mở thị trường mà ở đó còn nhiều dư địa cho sản phẩm, hàng hóa Việt Nam.
Trong tâm dịch vẫn phải lo việc tương lai
Dịch cúm Corona mặc dù Việt Nam được đánh giá là xử lý tốt cả về chuyên môn và Bộ Công Thương được coi là đi đầu trong quán triệt việc chỉ đạo “chống dịch như chống giặc” song nhiều chuyên gia cho rằng, Bộ Công Thương là bộ chịu tác động nhiều nhất từ dịch cúm này. Tác động trực tiếp thì đã rõ nhưng tác động gián tiếp khi xảy ra cũng vẫn “dội” lại Bộ.
Trong tâm dịch vẫn cần lo toan việc tương lai là như thế.
Với tâm thế đó, Bộ Công Thương sẽ là Bộ đầu tiên thành lập Ban chỉ đạo ứng phó với dịch Corona cấp Bộ, trong đó Bộ trưởng Trần Tuấn Anh trực tiếp là Trưởng Ban chỉ đạo; các Thứ trưởng là thành viên Ban Chỉ đạo. Ban chỉ đạo có nhiệm vụ cập nhật, cung cấp và hướng dẫn cụ thể, đầy đủ và kịp thời các chỉ đạo chung của Chính phủ cũng như lãnh đạo Bộ Công Thương trong công tác phòng chống dịch bệnh và các biện pháp để tiếp tục ổn định tình hình phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Ban Chỉ đạo cũng xây dựng Kế hoạch hành động của Bộ Công Thương, tiếp nối Chỉ thị 04/CT-BCT, trong phòng chống dịch Corona một cách toàn diện và có trọng điểm, hướng tới phục vụ lợi ích của doanh nghiệp, người dân, bao gồm cả các hoạt động ngắn hạn, trung hạn và dài hạn trên cơ sở đánh giá tác động của dịch bệnh đến ngành Công Thương. Bộ Công Thương sẽ xây dựng chuyên trang về các hoạt động ứng phó với dịch bệnh Corona của ngành Công Thương, trên đó cập nhật diễn biến dịch bệnh, công khai minh bạch các thông tin chính thức về chỉ đạo và hoạt động của toàn ngành trong xử lý, giảm thiểu tác động của dịch bệnh đến phát triển kinh tế - xã hội.
Phân tích bối cảnh hiện nay, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhìn nhận, Bộ Công Thương cần tiếp tục tích cực đẩy mạnh những nỗ lực cùng phối hợp với các Bộ, ngành thực hiện đầy đủ các chỉ đạo của Chính phủ và Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch Corona, đồng thời chủ động có biện pháp phối hợp tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân và xã hội nói chung tiếp tục thúc đẩy phát triển thương mại, công nghiệp cũng như các lĩnh vực kinh tế khác, hướng tới đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2020 theo đúng Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ.
Với tinh thần đó, tới đây, các đơn vị chức năng của Bộ được yêu cầu tiếp tục nỗ lực hơn nữa. Với Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh yêu cầu tiếp tục bảo đảm cung ứng hàng hóa, đấu tranh chống đầu cơ, găm hàng, tăng giá chuộc lợi; đề nghị Bộ Y tế, Bộ Tài chính phối hợp để yêu cầu niêm yết giá, đối chiếu với giá cung ứng của 38 cơ sở sản xuất khẩu trang y tế để có căn cứ xử lý vi phạm theo đúng quy định luật pháp.
Liên quan đến Cục Công nghiệp theo Bộ trưởng, cần thúc đẩy sản xuất vải kháng khuẩn để bảo đảm nguồn cung cho sản xuất; tiếp tục nghiên cứu, đánh giá toàn diện tác động của dịch bệnh đến sản xuất công nghiệp và các ngành kinh tế liên quan với mối quan tâm đặc biệt của Bộ trưởng là trong hệ quy chiếu là chuỗi cung ứng có sự tham gia của Việt Nam và các quốc gia khác. Đề xuất phương án cho nhập cảnh các cán bộ, lao động quan trọng đối với các dự án công nghiệp đang triển khai với điều kiện các đối tượng này đảm bảo yêu cầu về y tế và cách ly theo đúng quy định.
Một loạt các nội dung công việc cụ thể tới đây cũng được Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đặt ra với Cục Xuất nhập khẩu, Vụ Thị trường trong nước và các Vụ Thị trường Á – Phi, Âu – Mỹ. Đó là đánh giá lại quy mô khối lượng hàng hóa đã và sẽ ách tắc thời gian tới, trên cơ sở đó “tịnh” lại các địa bàn tiềm năng để xúc tiến thương mại, tìm kiếm đầu mối thúc đẩy tiêu thụ.
Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát cụ thể sản lượng hàng hóa, phối hợp với các địa phương điều tiết kịp thời sản xuất, tránh tồn đọng, gây ra thất thoát hư hỏng nông sản, điều chỉnh tiến độ sản xuất phù hợp với lưu thông hàng hóa. Cùng đó tổ chức xuất khẩu qua đường chính ngạch lượng hàng hóa dư thừa với cơ chế các bên cùng chia sẻ khó khăn, đặc biệt xem xét xây dựng cơ chế cắt giảm chi phí vận tải, logistics để giảm thiểu ách tắc.
Đối với mùa vụ rau quả sắp tới như nhãn, vải,…, tiếp tục thống kê được số lượng đánh giá để sớm làm việc với đối tác Trung Quốc và có biện pháp đơn giản hóa thủ tục, đẩy nhanh tốc độ thông quan trong trường hợp tìm thấy biện pháp y tế, kiểm soát chất lượng phù hợp.
Với Cục Xúc tiến thương mại, theo Bộ trưởng cần rà soát kinh phí dư ra từ việc hoãn hoặc hủy bỏ các hoạt động xúc tiến thương mại do dịch nCoV, từ đó có phương án chuyển đổi sang các thị trường chưa bị ảnh hưởng, tạo thuận lợi tháo gỡ khó khăn cho hàng hóa xuất khẩu.
Một mối quan tâm đặc biệt khác của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh là vẫn rất cần các kịch bản lượng định, đánh giá thấu đáo tình hình. Có được các dự báo đánh giá chuyên môn ở các mức độ khác nhau để chủ động đề xuất phương án, để có cơ chế giúp đỡ không chỉ doanh nghiệp mà cả người dân cả trong dịch bệnh và hậu dịch bệnh. Bộ trưởng cũng chỉ đạo chủ động thảo luận với với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp và người dân để chiếm lĩnh lại các chuỗi cung ứng khi dịch bệnh lắng xuống. Nói như đại diện Vụ Thị trường Á – Phi, chúng ta cần chuẩn bị sẵn ngay nguồn hàng cho khả năng khi dịch bệnh qua đi, các thị trường “hút” hàng trở lại là có thể đáp ứng được.
Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/trong-tam-dich-ncov-kien-dinh-muc-tieu-kep-132350.html