Trọng tâm là nâng cao chất lượng và phù hợp với xu thế thế giới

Nhân lực y tế là một bộ phận rất quan trọng, điều kiện quyết định chất lượng và hiệu quả hoạt động của hệ thống y tế. Với tỷ lệ 8 bác sĩ/10.000 dân, Việt Nam không còn nằm trong nhóm báo động về tình trạng thiếu bác sĩ. Tuy số lượng bước đầu được giải quyết nhưng vẫn còn mối lo về chất lượng; trong khi đó việc đổi mới đào tạo bác sĩ phải đạt được hai mục tiêu: Nâng cao chất lượng và phù hợp với xu thế của thế giới.

Thay đổi để hội nhập

Nhân lực y tế là một bộ phận rất quan trọng, do vậy việc đổi mới để tạo ra được đội ngũ bác sĩ giỏi về lâm sàng, có năng lực nghiên cứu, được quốc tế công nhận luôn là yêu cầu hàng đầu. Khẳng định tầm quan trọng của vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng: “Công tác đào tạo nguồn nhân lực y tế cần phải có những giải pháp hợp lý để tập trung thực hiện mục tiêu bảo đảm và nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực y tế đáp ứng yêu cầu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, hướng tới hội nhập quốc tế. Bởi vậy, cần khẩn trương hoàn thiện các quy định pháp luật và triển khai khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân, khung trình độ quốc gia trong đào tạo nhân lực y tế; phát huy trách nhiệm, vai trò của các bệnh viện trong đào tạo, phát triển bệnh viện đại học; thành lập Hội đồng y khoa quốc gia; tổ chức thi, cấp chứng chỉ hành nghề có thời hạn phù hợp thông lệ quốc tế...”.

 Bác sĩ hướng dẫn cho người dân cách theo dõi huyết áp của mình. Ảnh: QUANG MINH.

Bác sĩ hướng dẫn cho người dân cách theo dõi huyết áp của mình. Ảnh: QUANG MINH.

Để đổi mới căn bản, toàn diện đào tạo phát triển nguồn nhân lực y tế theo hướng tiếp cận với các phương thức đào tạo của các nước tiên tiến trên thế giới, dự thảo Nghị định về đào tạo chuyên sâu trong lĩnh vực sức khỏe mà Bộ Y tế đang xây dựng và trình Chính phủ thay vì đào tạo y khoa trong thời gian 6 năm, sau 4 năm đào tạo, sinh viên ngành y sẽ được công nhận là cử nhân y khoa; từ đó, sẽ chia thành hai hệ, đó là hệ nghiên cứu (thạc sĩ, tiến sĩ) và hệ theo lâm sàng (khám, chữa bệnh) cùng đào tạo trong 2 năm. Cũng theo dự thảo Nghị định; những người theo học lâm sàng để trở thành bác sĩ y khoa, tương đương trình độ thạc sĩ nhưng chưa được hành nghề, người có bằng bác sĩ y khoa phải tiếp tục thi đánh giá năng lực và tham gia thực hành nghề nghiệp trong một năm mới được cấp chứng chỉ hành nghề. Còn hệ nghiên cứu sẽ do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý, quy định cụ thể.

Vì sao phải thay đổi, mô hình đào tạo hiện nay có những bất cập, hạn chế như thế nào, và nếu thay đổi mô hình đào tạo thì nội dung chương trình đào tạo sẽ phải thay đổi như thế nào? Theo ý kiến của GS, TS Phạm Minh Thông, nguyên Trưởng Bộ môn Chẩn đoán hình ảnh, Đại học Y Hà Nội, nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, mô hình đào tạo cũ mà tất cả các trường đại học y đang thực hiện là mô hình đã tiến hành ở các nước phát triển cách đây vài chục năm, và họ đã dừng mô hình này chuyển sang mô hình mới. “Ưu điểm của mô hình cũ là chúng ta có thể đáp ứng nhanh được nhu cầu của xã hội. Bác sĩ y khoa học 6 năm có thể ra trường rồi đưa về các cơ quan thực tập và tiến hành làm việc; sau đó, quay lại trường để thi, học chuyên khoa I; tiếp tục vài năm làm việc và thi lên chuyên khoa II. Tuy nhiên, bất cập của mô hình là người học không liên tục. Thực tế ở các bệnh viện, sinh viên học 6 năm ra trường vẫn chưa đủ khả năng để làm việc, chủ yếu nắm kiến thức về lý thuyết và chưa có kiến thức chuyên khoa, chưa thể làm việc ngay được, bắt buộc phải học tiếp. Chính vì vậy, những người học chuyên khoa II thường là những người đã lớn tuổi (thường từ 50 tuổi trở lên). Chính vì đào tạo không liên tục nên chất lượng bác sĩ không được đồng đều. Đặc biệt, ở vùng sâu, vùng xa thường thiếu bác sĩ nên không có bác sĩ nào đi học. Vì vậy, có nhiều bác sĩ tuyến cơ sở sau khi ra trường không quay lại học tiếp dẫn đến chất lượng bác sĩ của cả nước, của các tuyến không đồng đều. Đây là yếu điểm của mô hình cũ”, GS, TS Phạm Minh Thông cho biết.

Bác sĩ của thế kỷ 21 cần sự đầu tư về con người, tài chính

Ðể nhân lực y tế đáp ứng được nhu cầu của hệ thống y tế hiện nay, cần có chương trình đào tạo kiểu mới và thầy giáo kiểu mới. Theo đó, chương trình đào tạo kiểu mới sẽ tạo nên những năng lực cần có của bác sĩ thế kỷ 21, bao gồm cả kỹ thuật và thực hành; nhất là chú trọng tới "Kỹ năng thúc đẩy sức khỏe". Nghĩa là phải đi trước một bước, không đợi phát bệnh mới chữa mà phải quản lý sức khỏe ngay từ đầu, rồi từ đó khuyến cáo, giáo dục, hướng dẫn, điều chỉnh lối sống, giúp người dân nâng cao ý thức giữ gìn sức khỏe. Tuy nhiên, để làm được điều này thì cần phải đầu tư nguồn lực cả về con người và tài chính.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Minh Lợi, Phó cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và đào tạo, Bộ Y tế cho biết: Bộ Y tế cũng như Chính phủ đã có nhiều chủ trương, chính sách lớn. Trong năm 2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 111/2017/NĐ-CP để khẳng định vai trò kết hợp chặt chẽ giữa cơ sở đào tạo và cơ sở y tế trong đào tạo về chuyên sâu, đặc biệt là thực hành tay nghề cho cán bộ y tế. Vấn đề tiếp theo là khi thay đổi, đổi mới chương trình, đổi mới về phương pháp đào tạo sẽ cần các nguồn lực đầu tư về con người, về cơ sở vật chất. Riêng về cơ sở vật chất, Bộ Y tế cũng đã tìm các nguồn hỗ trợ từ các dự án của ADB, World Bank và các dự án khác để hỗ trợ cho các cơ sở đào tạo. Vấn đề tiếp nữa là chuẩn bị về đội ngũ, đổi mới sao để đồng bộ giữa đội ngũ giảng viên nhà trường cũng như đội ngũ giảng viên bệnh viện để cùng tiếp cận phương pháp, phương thức đổi mới nhằm giúp cho chất lượng đào tạo nhân lực y tế thay đổi.

DIỆP CHÂU

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/y-te/trong-tam-la-nang-cao-chat-luong-va-phu-hop-voi-xu-the-the-gioi-602899