Trong tháng 3, Bắc Bộ còn chịu tác động của không khí lạnh

Theo phóng viên TTXVN tại các địa phương, đợt không khí lạnh mạnh gây rét đậm, rét hại kéo dài từ ngày 19-23/2 đã làm nhiều địa bàn miền núi phía Bắc xuất hiện mưa lẫn tuyết, băng giá.

Không khí lạnh gây mưa rét ở Bắc Bộ. Ảnh: TTXVN

Không khí lạnh gây mưa rét ở Bắc Bộ. Ảnh: TTXVN

Ngày 20/2, do chịu ảnh hưởng của không khí lạnh mạnh tràn xuống, kết hợp với tác động của vùng hội tụ gió trên cao, rét đậm, rét hại bao phủ trên diện rộng ở nhiều địa phương của tỉnh Lào Cai, đặc biệt nền nhiệt ở những vùng núi cao đã giảm sâu, xuất hiện băng giá với cường độ mạnh. Xã Y Tý, huyện Bát Xát từ đêm 19 đến sáng ngày 20/2, ở những vùng thấp của Y Tý nhiệt độ đã xuống đến 0 độ C. Đỉnh núi Lảo Thẩn, xã Y Tý, huyện Bát Xát, sáng sớm 20/2 đã xuất hiện băng giá dày phủ kín cây cỏ, núi rừng. Nhiệt độ trên khu vực núi Lảo Thẩn sáng 20/2 là âm 5 độ C, băng giá phủ dày lên cây cối, mặt đất.

Núi Lảo Thẩn cao gần 3.000m so với mực nước biển, là địa điểm thường xuyên xuất hiện băng tuyết khi nhiệt độ xuống thấp, nhất là những khu vực có độ cao từ 2.600m trở lên.

Từ 6 giờ 15 phút sáng 20/2, khu du lịch Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn nằm ở độ cao khoảng 1500 m so với mực nước biển, nhiệt độ giảm mạnh xuống dưới 0 độ C, có mưa nhỏ và gió nên đã xuất hiện băng giá đông kết trên nhà cửa, cỏ cây.

Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Lạng Sơn Hà Văn Tiên cho biết, tại thời điểm 13 giờ trưa 20/2, nhiệt độ đo được tại Trạm Khí tượng Mẫu Sơn là -0,4 độ C, trời mưa nhỏ và băng giá đã xuất hiện từ sáng 20/2.

Tại tỉnh Yên Bái, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, nền nhiệt xuống thấp, vào khoảng 10 giờ ngày 20/2, đỉnh Trống Páo Sang, xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải đã xuất hiện băng tuyết, nhiệt độ xuống thấp, băng tuyết càng về sau càng dày đặc bám trắng cành cây, ngọn cỏ.

Lý giải về đợt rét đậm, rét hại diện rộng ở Bắc Bộ kéo dài từ ngày 30/1 cho tới thời điểm này, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia Hoàng Phúc Lâm cho rằng, xét chung toàn cầu và trong thời gian dài, biểu hiện của biến đổi khí hậu chính là nhiệt độ trái đất có xu hướng tăng lên. Biến đổi khí hậu cũng làm cho các hiện tượng thời tiết cực đoan (mưa lớn, nắng nóng, rét hại…) trở nên gay gắt hơn. Thực trạng rét đậm rét hại xảy ra ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trong tháng 1 và hơn nửa đầu tháng 2 là hiện tượng bình thường. Bởi tháng 1 và tháng 2 là giai đoạn chính Đông ở Bắc Bộ. Trong giai đoạn này, các đợt không khí lạnh ảnh hưởng đến nước ta nhiều và mạnh. Xét về mặt khí hậu, đây cũng là giai đoạn tập trung nhiều đợt rét đậm, rét hại trên diện rộng nhất trong năm.

Băng giá xuất hiện tại đỉnh Trống Páo Sang, xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải. Ảnh: TTXVN phát

Băng giá xuất hiện tại đỉnh Trống Páo Sang, xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải. Ảnh: TTXVN phát

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia Hoàng Phúc Lâm, trong tháng 3, khu vực Bắc Bộ còn chịu tác động của không khí lạnh và có thể gây ra các đợt rét, thậm chí còn có thể gây rét đậm, rét hại, tuy nhiên không kéo dài. Các đợt không khí lạnh ảnh hưởng đến nước ta trong giai đoạn này chủ yếu lệch Đông, do vậy, khu vực phía Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có nhiều ngày mưa nhỏ, mưa phùn và sương mù...

Trước tình hình trên, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ tiếp tục triển khai các biện pháp ứng phó với rét đậm, rét hại theo chỉ đạo tại công văn số 90/VPTT ngày 16/2/2022 và chủ động ứng phó với mưa lớn, dông, lốc, sét, mưa đá, trong đó tập trung chỉ đạo triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người, nhất là người già, trẻ nhỏ, học sinh; không dùng bếp than tổ ong để sưởi ấm trong phòng kín tránh xảy ra những sự cố đáng tiếc, gây thiệt hại về người; căn cứ tình hình thời tiết cụ thể tại địa phương chủ động cho học sinh nghỉ học.

Các địa phương chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho vật nuôi, cây trồng (đặc biệt là diện tích lúa vụ Đông Xuân mới gieo cấy); điều chỉnh linh hoạt thời gian gieo cấy diện tích lúa vụ Đông Xuân còn lại; tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn phòng, chống rét cho người, gia súc (tham khảo tài liệu hướng dẫn, truyền thông trên trang thông tin điện tử của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai).

Các tỉnh, thành phố đặc biệt là khu vực Bắc Bộ chủ động thông báo, hướng dẫn cho khách vãng lai, khách du lịch; cắm biển cảnh báo trên các tuyến đường có khả năng xảy ra băng giá, trơn trượt, đồng thời tổ chức các đoàn công tác xuống cơ sở để kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn người dân các biện pháp phòng, tránh.

Chính quyền các địa phương đã hỗ trợ, tuyên truyền người dân tăng cường các biện pháp phòng chống rét cho người và cây trồng, vật nuôi. Tổ chức che chắn chuồng trại nuôi nhốt gia súc, tăng cường thức ăn cho gia súc chống chọi với rét, che chắn những diện tích rau màu chưa đến kỳ thu hoạch. Ngoài ra, ngành Giao thông Vận tải và chính quyền địa phương khuyến cáo các phương tiện khi tham gia giao thông cần hết sức đề phòng do có sương mù dày vào buổi sáng và đường có khả năng bị trơn trượt do băng tuyết gây ra.

Thắng Trung (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/xa-hoi/trong-thang-3-bac-bo-con-chiu-tac-dong-cua-khong-khi-lanh-20220221121638924.htm