Trong thế giới của Sương

'Sương' của Lương Kim Phương gồm 30 bài, mong manh, đầy huyễn mộng. Như tên nhan đề cho thấy, 'sương' vừa là cảm xúc, vừa là thi điệu, không có bài nào tên 'Sương', nhưng 'sương' là mã của tập thơ.

Nhà văn Đốpgiencô nói về bản chất của nghệ sĩ, đại ý: hai người cùng nhìn xuống, một người chỉ thấy vũng nước, người kia lại thấy những ngôi sao. Đọc thơ Lương Kim Phương, thấy bản mệnh người thơ của chị bắt nguồn từ sự nhạy cảm như thế, phải vậy chăng:

hoa Hạ Lũng cuối vườn/ đọng những giọt ban mai trên cánh mỏng/ chẳng thấy bố cục/ chỉ vẳng một hồ nước trong vắt dưới chân núi/ nụ hôn cuối/ trên gương mặt đẫm sương đêm…/ cố nhìn chỉ thấy/ một đám mây bọc khung cửa” (Đọc sách của người cũ).

Lương Kim Phương làm nghề dạy học, nhưng có lẽ thuộc trong số ít những người dạy học còn đắm đuối với văn chương. Chạm ngõ phê bình bằng “Tái sinh trong ánh sáng” (NXB Hội Nhà văn, 2019) bước đầu gây được tiếng vang, tác phẩm đồng thời nhận Giải B của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam năm 2019.

Năm 2022, Lương Kim Phương ra mắt “Sương” (NXB Hội Nhà văn), tập thơ đầu tay của chị. Nhìn trên phương diện sáng tác, điều này không bất ngờ bởi Phương làm thơ và có thơ công bố từ lâu. Năm 2014, chị từng đạt giải Nhì (không có giải nhất) của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hải Phòng.

Với Phương, ngoài áp lực sáng tạo như một mẫu số chung của người cầm bút, có lẽ chị còn có những lý do riêng khiến mình “phải khác”. Thứ nhất là việc viết phê bình và môi trường học tập nghiên cứu sinh khiến Phương thường xuyên phải tiếp cận với tài liệu, ý tưởng mới về thơ, từ đó giúp chị hình dung đầy đủ về sự gian khổ của một con đường. Thứ hai là, sống trong không quyển văn chương Hải Phòng, mảnh đất sản sinh nhiều anh kiệt nên áp lực sáng tạo với Phương hẳn là lớn…

“Sương” của Lương Kim Phương gồm 30 bài, mong manh, đầy huyễn mộng. Như tên nhan đề cho thấy, “sương” vừa là cảm xúc, vừa là thi điệu, không có bài nào tên “Sương”, nhưng “sương” là mã của tập thơ.

Trong không gian thơ Lương Kim Phương, “sương” có hai hàm nghĩa. Một là “giọt sương”, biểu tượng của ban mai tinh khôi, cũng là sự triển hiện tứ thơ khởi nguồn “tái sinh trong ánh sáng”. Chỉ dùng phương pháp thống kê, có thể nhận ra, “sương” như một thi ảnh phủ tràn không gian mong manh, giọt đậm, giọt mờ, dùng dằng, bảng lảng, vấn vương: “sương mờ quấn phủ”, “những giọt ban mai”, “giấc mơ bay cùng sương”, “giọt sương chắt cho thân cành”, “gương mặt đẫm sương đêm”, “lãng đãng mù sương”, “mộng mị sương thu”…

Gắn với sương, là những giấc mơ hư ảo, hoang đường, huyễn dụ: “những giấc mơ từ thời niên thiếu”, “giấc mơ em không muốn tỉnh”, “những cơn mơ đã biến thành lá khô”. Và do thế, có thể nhận ra nghĩa thứ hai của sương: những xúc cảm mong manh, xa vắng, mơ hồ trong tâm hồn người con gái. Cũng bằng phương pháp thống kê, có thể thấy, những mảng từ vựng, danh - động - tính từ cùng trường nghĩa phủ kín tập thơ, chập chờn như “sợi tơ sen”, gợi cảm, nữ tính, phảng phất u buồn: mùa thu, lá khô, hoa lạc tiên, heo may, chạng vạng; trầm tích, thánh đường, giọt chuông; bầy chim ngói, chuồn chuồn; cơn mơ, hoang đường, ảo ảnh, ảo giác, mộng mị, giấc ngủ; rơi, đánh rơi, vỡ, chìm; sợ, tuyệt vọng, cô độc, tiếc nuối…

Nhan đề thơ Lương Kim Phương vừa gợi cảm, vừa gợi nghĩ. Ở đó, có mã ký ức thân quen, dễ chạm vào thương nhớ (“Mùa chim ngói”, “Khi vòm xoan đã tím”, “Đêm Cô Tô”, “Thị trấn bên kia sông”…), lại có những suy tưởng hiện đại rất riêng (“Ngày rất lạ”, “Trong khu vườn thư viện cổ”, “Thác”, “Nỗi buồn”, “Như giọt sương”, “Ảo mộng”, “Suy tưởng về ý nghĩ”, “Trôi trong đêm rừng”, “Gương mặt”…).

Không gian thơ Lương Kim Phương là một khung trời huyễn mộng. Nó đủ xa để tạo ra miên viễn, nhiều ban mai và đêm, và những chân trời xa thẳm. Những vệt nhòe về kỷ niệm, về tình yêu, bàng bạc, sương khói mơ hồ. Tính thơ trong “Sương” khởi sinh có lẽ từ những điều mong manh ấy: “vốc mùa đông lên lòng tay/ K có thấy những cơn gió xám hóa thành những đường chỉ tay nhằng nhịt/ những cơn mơ đã biến thành lá khô/ thả rơi đầy gối” (K và những dạ khúc).

Thơ Lương Kim Phương diễn đạt tinh tế thế giới hoang liêu trong tâm hồn người con gái. Như nỗi buồn mơ hồ trong buổi chiều nắng nhạt. Chút thoáng xót xa. Những mang mang tiếc nhớ điều gì xa xăm đã mất. Cảm giác hoang hoài trước những rạn vỡ thầm thì của thời gian: “cánh đồng sau nhà giờ thành chung cư/ bầy chim ngói không về nữa/ tháng mười đã vỡ” (Bầy chim ngói); “thị trấn êm đềm năm xưa giờ lộng lẫy thành đô thị qua cầu/ chuyến phà cuối cùng/ chở ký ức về thị trấn/ có người lên hoảng hốt/ đánh rơi cả hoàng hôn” (Thị trấn bên kia sông).

Cảm xúc trữ tình trong thơ Lương Kim Phương khá đa dạng, khi như khăn mới thêu, khi tựa nắng qua đèo, đôi khi là chút thoáng trách trầm, chút xót xa: “có những lúc/ con chỉ yêu tình yêu của mình thôi/ mải đuổi theo những điều mong manh nhất” (Chiếc roi của bố).

Bìa tập thơ “Sương” của Lương Kim Phương.

Bìa tập thơ “Sương” của Lương Kim Phương.

Phương trong “Sương” phiêu lãng như gió thoảng, vừa nghe những tàn phai. Không phải ngẫu nhiên, “Sương” có nhiều thi tứ, thi ảnh gắn với những chiêm nghiệm già dặn bất ngờ: “sáng thức giấc thấy mình mọc thêm nhiều con mắt/ con mắt trên lưng/ vẫn thấy mình ảo tưởng phía trước là tất cả/ ai nhìn giúp mình phía sau/ lại thấy thêm con mắt dưới gan bàn chân/ mỗi bước đi lại thêm phần dè dặt/ nhắc bước qua những lời nhọn sắc/ khéo dẫm vào nỗi buồn của người” (Ngày rất lạ); “những ý nghĩ bao bọc chủ nhân ru ấm làn môi/ ta hoang tưởng về hạnh phúc và sự đổ vỡ/ nào hay những ý nghĩ vẫn bên ta/ những người chết có ý nghĩ không/ có thể/ trồi lên thành cỏ” (Suy tưởng về ý nghĩ).

Như nhịp đập tất yếu của một trái tim đa cảm, giàu nữ tính, trong “Sương”, các bài thơ tình chiếm số lượng ưu trội. Thơ tình Lương Kim Phương không lẩy từ thường nhật áo cơm, cũng không hờn tủi, ghen tuông mà chỉ là những khắc khoải, mong manh, tận hiến, những quyến luyến, u hoài: “khế ước giữa chúng ta được dệt từ tơ sen; những sợi tơ sen níu vào anh”... Và rồi, trong chút thoáng xót xa, anh cũng chỉ như một cơn mơ giữa chợ hoa tan sương, còn em mong manh “như giọt sương chắt cho thân cành”.

Tình yêu trong thơ Phương, do thế, luôn xa cách, thoáng chút “nửa hồn thương đau”: “tôi ươm những hạt tình yêu/ trong chiếc lọ thủy tinh/ lượt đầu tiên/ vãi lên khu vườn anh/ gió đã thổi những chiếc hạt của tôi bay mất” (Trong suốt); “thả kí ức anh vào biển vắng/ mai em theo chồng/ thả những con ốc biển anh gửi ngày xưa/ thôi người nằm lại…/ những dấu chân cuối cùng ta đã dẫm lên nhau/ kỷ nguyên nào biển cạn một đại dương muối khô/ còn những hạt muối từ nước mắt em/ từ những ban mai run rẩy” (Biển đã xóa); “giấc mơ em không muốn tỉnh/ sợ không có anh ở bên/ em ôm ngực lấp loáng trăng/ thả những nụ hôn đẫm sương đêm lên khuôn mặt anh… em chỉ tồn tại khi bên anh/ dẫu chỉ là tưởng tượng/ mong manh” (Ảo mộng)…

Trong thơ Lương Kim Phương, hình tượng “anh” trở đi trở lại, như nỗi khắc khoải xót xa về một ảnh hình, một giấc mơ xa xăm, một chân trời dĩ vãng không bao giờ trở lại: “cây tình yêu/ mọc trên nỗi nhớ chưa có bao giờ”. Dường như luôn có một khoảng trống chẳng thể lấp đầy trong tâm hồn người con gái: “mộng mị sương thu buồn những ý nghĩ của tôi/ sắp tàn như những ngọn nến bồng bềnh trôi trên nền nhà buổi tối đôi ta quấn quýt hoan lạc/ cả khi ngủ vùi trong lòng tình nhân sao vẫn thấy cô độc quá chừng” (Suy tưởng về ý nghĩ).

Thơ Lương Kim Phương giàu cảm xúc, nhưng không dễ đọc. Điều này có lẽ do chị chăm chú khá nhiều vào phương diện “tính thơ” của ngôn từ. Để làm được điều này, sự lạ hóa ngôn ngữ, làm cho ngôn ngữ trở nên mang tính thẩm mỹ hẳn là một yêu cầu tất yếu. Lạ hóa khiến thơ Phương không bị chìm trong giọng cũ, nhưng nó sẽ trượt ra khỏi đường ray mỹ cảm thông thường, và như thế, sẽ có một chút khó đọc, đương nhiên: “những mùa hoa bên những linh vật/ thở hổn hển/ chiếc lò nung lạnh lạnh/ hun lên mùi nhớ/ đôi bàn tay nghệ nhân ở xưởng nặn/ hứng lấy mùa thu/ vừa ngang qua” (Mùa thu ở làng gốm 2); “tìm đâu chiếc cốc môi anh/ em hằng uống những khao khát” (Ngày anh xa)…

Tính thơ trong ngôn ngữ thơ Lương Kim Phương còn đến từ những sáng tạo từ ngữ, những ẩn dụ chuyển đổi cảm giác giàu mỹ cảm, cái làm nên sắc diện của “Sương”: “mùi nhớ”, “những giọt ban mai trên cánh mỏng”, “nghe mùi quỳnh đang nở”, “gió đổ hương thành cơn mưa tím”, “những cơn gió đuổi nhau còn vấp/ đêm em mơ toàn mùi cỏ hăng”, “vốc một thời thiếu nữ trong tay/ khỏa những vòng hoa xoan trên nước”…

Đọc “Sương”, thấy Lương Kim Phương tránh được ba điều dễ mắc trong thơ, đặc biệt là thơ trẻ: cũ, sáo và sến. “Sương” mong manh nhưng sâu thẳm, mãnh liệt mà thầm kín, hiện đại mà thân quen. “Sương” xa vắng như làn khói chiều, giọt sương đêm, như ánh mắt hoang vắng của người con gái buổi chiều đông. Đặt cược tập thơ đầu vào “sương”, vào cái điều mong manh nhất ấy, là một sự mạo hiểm, chênh vênh, nhưng đọc “Sương”, bạn đọc có cơ sở để tin rằng, “Sương” đã không phụ công Phương. Và chúng ta cùng hi vọng.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/trong-the-gioi-cua-suong-i683715/