Trồng tre giữ đất nơi biên thùy

Sử dụng nhiều tên gọi khác nhau, nhưng việc trồng tre trên đường biên giới đều cùng chung một mục đích để bảo vệ đường biên và giúp đồng bào nhân dân các bản giáp biên phát triển kinh tế, cải thiện đời sống. 'Phên giậu' biên cương được 'trồng' bằng sức mạnh đoàn kết quân dân, hứa hẹn mang đến những điều tốt đẹp trong tương lai gần.

Chuyện của nhiều năm trước

Những ai có dịp đi theo Quốc lộ 18C từ thành phố Móng Cái lên tới xã Quảng Đức (huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh) sẽ rất ấn tượng với vẻ đẹp của con sông Ka Long, nhất là khi được nghe kể về nguồn cội của những lũy tre phủ xanh bờ sông biên giới. Đó là thành quả của quân và dân nơi đây đã dày công trồng để bảo vệ biên giới từ nhiều năm trước. Trong trí nhớ của nhiều người lính Biên phòng từng công tác tại các đồn đóng quân dọc theo sông Ka Long thì mùa mưa, nước từ thượng nguồn đổ về đục ngầu, bờ sông nhiều đoạn bị sạt lở, dòng chảy thay đổi gây khó khăn trong việc xác định cũng như quản lý đường biên giới. Điều đó khiến những người lính biên phòng trăn trở.

Trong buổi họp giao ban vào một ngày cuối tháng 2 năm 2000, Đồn trưởng Bùi Giang Nam và Chính trị viên Vương Ngọc Thực (nay đều đã nghỉ hưu) đã đưa ra ý tưởng trồng tre dọc sông biên giới Ka Long để ngăn sạt lở, ổn định được dòng chảy từ đó dễ dàng hơn trong việc xác định và quản lý đường biên giới. Tre trồng sẽ bàn giao lại cho người dân quản lý, chăm sóc và thu hoạch măng để cải thiện đời sống.

 Hình ảnh cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Pò Hèn tuần tra dưới rừng tre dọc theo bờ sông biên giới Ka Long. Ảnh: QUỐC TOÀN

Hình ảnh cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Pò Hèn tuần tra dưới rừng tre dọc theo bờ sông biên giới Ka Long. Ảnh: QUỐC TOÀN

“Việc trồng cây sẽ mất nhiều năm nhưng nếu chúng ta không làm từ bây giờ thì sẽ không bao giờ đi đến đích”- Đồn trưởng Bùi Giang Nam nhấn mạnh. Nghe ý tưởng của người chỉ huy, cán bộ, chiến sĩ ai cũng thấy có lý nên tạo được sự đồng thuận cao trong đơn vị. Sau khi thống nhất được chủ trương, một mặt, đơn vị trích tiền mua giống tre Bát Độ, mặt khác vận động đồng bào đi đào thêm gốc tre gai, tre mai về trồng.

Trưởng thôn Thán Phún và thôn Pình Hồ (xã Bắc Sơn) lúc ấy là ông Nịnh A Bảo và Chỏng A Nhì. Hai ông chính là những người nhiệt tình nhất ủng hộ việc trồng tre dọc theo bờ sông biên giới của Đồn Biên phòng Lục Phủ. Ông Chỏng A Nhì nhớ lại: “Khi đó, việc vận động người dân tham gia trồng tre dọc bờ sông Ka Long cũng không dễ dàng. Tôi cùng Thượng úy Tạ Viết Phong (Đội trưởng đội Vận động quần chúng-PV) đến từng nhà vận động bà con đi đào gốc tre về trồng. Để làm gương, tôi cũng vào rừng đào gốc tre. Bà con thấy trưởng thôn, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) làm, nên cũng hăng hái tham gia. Được một thời gian, Đồn Biên phòng giao lại hết cho người dân chăm sóc, quản lý. Đến lúc thu hoạch măng, có được số tiền đáng kể nên bà con phấn khởi lắm” .

Hơn ai hết những người trực tiếp sống và làm nơi đây đều ý thức được việc xây dựng, quản lý bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ quốc gia. Người dân tự trồng thêm tre để giữ đất vườn nhà mình, lấy măng bán cải thiện đời sống và cùng BĐBP bảo vệ biên giới. Cứ như thế, tre bén rễ, từ từ cắm sâu vào lòng đất, gia cố bờ sông Ka Long sau những đợt lũ tràn về. Cứ thế, tre thành hàng, thành lũy và xanh ngát một màu như ngày nay. Thấy bà con ở Bắc Sơn trồng, đồng bào Dao ở xã Hải Sơn cũng làm theo. Đến nay, trong cửa hàng giới thiệu sản phẩm địa phương của Ủy ban nhân dân (UBND) xã Hải Sơn có nhiều thứ được trưng bày như trà hoa vàng, quả sim và có cả măng phơi khô đã được hút chân không. Gói măng khô mang theo câu chuyện trồng tre bảo vệ biên giới càng khiến nhiều người thích thú.

Cho biên cương thêm xanh

Năm 2021, UBND tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng và triển khai Đề án “Trồng tre bảo vệ biên giới”. Ngày 26-7-2021, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Ninh phối hợp với UBND thành phố Móng Cái tổ chức lễ phát động lễ ra quân trồng tre dọc tuyến biên giới của tỉnh. Các Đồn Biên phòng Bắc Sơn, Pò Hèn, Quảng Đức cùng nhân dân trên địa bàn trồng 2.000 gốc tre Bát Độ dọc theo bờ sông Ka Long. Sau mỗi mùa mưa lũ, gốc tre mới trồng bị chết, cuốn trôi, các Đồn Biên phòng lại tổ chức trồng dặm vào các dịp Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ hoặc lồng ghép vào các hoạt động của Đoàn thanh niên như "Ngày thứ 7 tình nguyện", "Ngày chủ nhật xanh-sạch-đẹp".

Tháng 9-2022, Đồn Biên phòng Ba Sơn, BĐBP tỉnh Lạng Sơn tổ chức triển khai mô hình “Lũy tre biên giới Việt” trên địa bàn biên giới huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn. Theo đó, Đồn Biên phòng Ba Sơn đã tổ chức hỗ trợ 3.500 cây tre giống, với tổng trị giá hơn 200 triệu đồng cho 18 gia đình thuộc Tổ tự quản đường biên, cột mốc ở xã Xuất Lễ (huyện Cao Lộng) trồng từ khu vực mốc 1189 đến mốc 1195, thuộc thôn Tân Cương, xã Xuất Lễ. Việc làm này góp phần đẩy mạnh phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”.

 Nhân dân thôn Hồ Thầu, xã Huổi Luông, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu trồng tre Bát Độ.

Nhân dân thôn Hồ Thầu, xã Huổi Luông, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu trồng tre Bát Độ.

Trung tá Đặng Hùng Cường, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Ba Sơn - tác giả của ý tưởng "Lũy tre biên giới Việt" chia sẻ: “Tôi cũng như cán bộ, chiến sĩ khác trong đơn vị luôn trăn trở với việc làm thế nào để khu vực biên giới ngày càng vững mạnh, đời sống đồng bào ngày càng khấm khá. Tôi từng nghe chuyện trồng tre để chống sạt lở bờ sông biên giới, bởi vậy muốn áp dụng ở địa bàn của mình. Ý tưởng này đã được cấp trên ủng hộ, chính quyền địa phương đồng thuận và nhất là bà con nhân dân các dân tộc trên địa bàn đồn đóng quân là xã Cao Lâu, Xuất Lễ và Mẫu Sơn. Chúng tôi đã lựa chọn tre Bát Độ từ vùng đất Tổ Phú Thọ để trồng. Theo tính toán, chỉ 2 năm sau là tạo nên những hàng rào vững chắc, đồng thời sẽ cho măng - tạo ra sinh kế không nhỏ cho bà con các dân tộc nơi đường biên này”.

Mới đây nhất, 25-2, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Phong Thổ phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Lai Châu, Đồn Biên phòng Huổi Luông (BĐBP Lai Châu) và UBND xã Huổi Luông (huyện Phong Thổ) cùng đóng góp được 90 triệu đồng triển khai mô hình “Lũy tre biên thùy”. Số tiền này để mua gần 4.000 gốc tre Bát Độ hỗ trợ nhân dân bản Huổi Thầu (xã Huổi Luông) trồng dọc theo đường biên giới từ mốc giới số 57 - 1.200m đến mốc giới số 60, dài gần 3km. Các gốc tre được trồng cách đường biên giới khoảng 20m về phía Việt Nam, ngoài phạm vi đường thông tầm nhìn biên giới phù hợp Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc. Cũng như ở Quảng Ninh, Lạng Sơn, sau khi trồng, tre sẽ được bàn giao cho các hộ dân của bản Hồ Thầu chăm sóc, quản lý để làm mô hình sinh kế...

Bài, ảnh: THANH TRÚC

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/trong-tre-giu-dat-noi-bien-thuy-720588