Trong veo những cánh chuồn

Nắng chiều còn hắt lên vạt mỏng, những cánh chuồn mỏng te bay chầm chậm trong gió. Những ngày đầu hè oi nồng đến khó chịu, đám trẻ đi học về sớm đã được mẹ tắm táp xong chạy ào ra đường chơi. Hàng rào bông bụt là nơi đám trẻ tụ lại để tìm hoa chơi mỗi chiều, nay mới vừa ồn ào đó bỗng im bặt.

Thì ra cả đám nín thở nhìn theo thằng bạn lớn nhất đang khom người rón rén tiến lại gần một chiếc lá. Chỉ cần nhìn theo dáng chụm tay chỉ đưa ngón cái và ngón trỏ của thằng nhỏ thì có thể đoán chắc được là nó đang rình bắt chuồn chuồn.

Ôi những cánh chuồn của tuổi thơ trong vắt, chiều nào rủ nhau đi tìm bắt. Những con chuồn chuồn ớt to dài mình đỏ chon chót đúng với cái tên, cánh cũng có thêm tí sắc đỏ cho điệu đà. Những con chuồn chuồn voi xanh lá sọc đen cánh mỏng. Những con chuồn chuồn kim bé tí đầy sắc màu trên đồng bãi. Đứa trẻ nào cũng cố gắng rình bắt lấy để chơi, đám con trai thích bắt con chuồn ớt, chuồn voi to đùng để thể hiện lòng dũng cảm, đám con gái thì lại thích chuồn kim nhỏ bé mỏng manh. Vậy mà nhiều đứa chả có tay bắt chuồn chuồn, cứ đổ tại chuồn chuồn nhạy quá, chưa kịp tới gần thì đã thấy loáng bay, cũng có đứa thì cứ giơ tay ra là bắt được cứ như tay nó có nhựa dính. Đám trẻ chỉ cần nhìn thấy bầy chuồn chuồn bay lại bắt đầu dự đoán thời tiết xem có đúng không nên cứ luôn miệng gào tướng: “Chuồn chuồn bay thấp thì mưa/ Bay cao thì nắng, bay vừa thì râm”, rồi cãi nhau ỏm tỏi. Những con chuồn chuồn hiền lành thường bay rợp theo đàn vào mỗi buổi chiều, chỗ nào có ao chuôm là hay thấy chuồn chuồn dìu nhau đi đẻ, những cái đuôi chỉ chạm nước rất khẽ, vẩy lên một vòng sóng nhỏ rồi lại bay lên, rồi lại hạ xuống một cách nhịp nhàng.

Những ngày đang còn phải đi học, đám trẻ chả có thời gian để bắt chuồn chuồn nên khi vừa được nghỉ hè, cả đám lại lom khom đi bắt. Cầm đôi cánh mỏng te trong tay để quan sát đôi mắt lồi to nhiều màu sắc như đang quay tròn làm đám trẻ thích thú, nhưng chỉ bắt chơi một lúc rồi trả lại trên cây vì bà không cho lũ trẻ ngắt cánh chuồn. Bà bảo, con chuồn chuồn rất có lợi vì ăn sâu bọ, nó đẻ con thì con nó ăn lăng quăng mà lớn, chả gây hại gì cho ai nên các cháu đừng gây hại cho chuồn chuồn.

Minh họa: MẠNH TIẾN.

Minh họa: MẠNH TIẾN.

Rồi thằng bạn thì thào bảo chuồn chuồn có thể dạy bơi được đấy, nó quả quyết vậy, bảo là được bố dạy là chỉ cần để chuồn chuồn cắn rốn là có thể bơi được. Cả lũ nửa tin nửa ngờ, cây chuối làm bè đã lăn ra gần hồ rồi lại tần ngần đứng lại, đợi thằng bạn đi bắt con chuồn voi to nhất về để cắn rốn cho biết bơi. Cả đám xếp hàng lần lượt tiến lên, mắt nhắm tịt, thằng bạn bảo yên tâm chuồn chuồn cắn nhẹ lắm, như kiến thôi, mà gãi cái hết ngứa là biết bơi, chả phải bám vào cây chuối nữa.

Cái trò dại dột để chuồn chuồn cắn rốn dường như đứa trẻ nào cũng trải qua, cái cảm giác đau đau, ráp ráp vì đôi chân đầy gai của chuồn chuồn cào vào da rồi sau đấy là hai cái răng sắc lẻm sẽ bập vào một cái khiến đứa nào tốt miệng hét lên làm đám sau run lập cập. Vậy mà để tỏ rõ máu anh hùng và để chứng minh rằng mình không phải là đứa nhát cáy, đứa sau sẽ lại nhắm mắt tiến lên tiếp tục để chuồn chuồn cắn rồi nhảy ùm xuống ao nhỏ. Vẫn chìm nghỉm nếu không bám vào bè chuối, thế mà có đứa nào hỏi lại nhắm mắt truyền nhau cái bí quyết đau đau ấy rồi quả quyết, tao biết bơi là do chuồn chuồn cắn rốn...

Những ngày tháng thơ dại trôi qua, những cánh đồng rợp cánh chuồn ngày bé chỉ còn trong ký ức trôi dạt dần về phía ngoại ô mà chả ai kịp biết. Để ngày tháng nào đó vô tình gặp lại những cánh chuồn mỏng manh trong gió lòng bỗng thấy rưng rưng, những cánh chuồn ấy bây giờ chở cả niềm nhung nhớ về những triền xanh hoa mộng để bất thần giơ hai ngón tay ra chụm lại, định chạm vào để đánh thức ngày xưa…

Tản văn của LÊ THỊ KIM SƠN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/trong-veo-nhung-canh-chuon-618488