Trong vụ án hình sự, các biện pháp bảo vệ người làm chứng được pháp luật quy định như thế nào?

Bạn đọc Trịnh Văn Khuông ở xã Viên An, huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội, hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết, trong vụ án hình sự, các biện pháp bảo vệ người làm chứng được pháp luật quy định như thế nào?

Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 486 Văn bản hợp nhất Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2021. Cụ thể như sau:

1. Khi có căn cứ xác định tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người được bảo vệ bị xâm hại hoặc bị đe dọa xâm hại do việc cung cấp chứng cứ, tài liệu, thông tin liên quan đến tội phạm thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng quyết định áp dụng những biện pháp sau đây để bảo vệ họ:

a) Bố trí lực lượng, tiến hành các biện pháp nghiệp vụ, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ và các phương tiện khác để canh gác, bảo vệ;

Ảnh minh họa: Báo Pháp luật Việt Nam

Ảnh minh họa: Báo Pháp luật Việt Nam

b) Hạn chế việc đi lại, tiếp xúc của người được bảo vệ để bảo đảm an toàn cho họ;

c) Giữ bí mật và yêu cầu người khác giữ bí mật các thông tin liên quan đến người được bảo vệ;

d) Di chuyển, giữ bí mật chỗ ở, nơi làm việc, học tập; thay đổi tung tích, lý lịch, đặc điểm nhận dạng của người được bảo vệ, nếu được họ đồng ý;

đ) Răn đe, cảnh cáo, vô hiệu hóa các hành vi xâm hại người được bảo vệ; ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi xâm hại theo quy định của pháp luật;

e) Các biện pháp bảo vệ khác theo quy định của pháp luật.

2. Việc áp dụng, thay đổi các biện pháp bảo vệ quy định tại khoản 1 điều này không được làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người được bảo vệ.

* Bạn đọc Nguyễn Trần Việt ở xã Mỹ Quý, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp, hỏi: Chủ thể quyền sở hữu trí tuệ có quyền yêu cầu tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong các trường hợp nào?

Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 206 Văn bản hợp nhất Luật Sở hữu trí tuệ năm 2022. Cụ thể như sau:

1. Khi khởi kiện hoặc sau khi khởi kiện, chủ thể quyền sở hữu trí tuệ có quyền yêu cầu tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong các trường hợp sau đây:

a) Đang có nguy cơ xảy ra thiệt hại không thể khắc phục được cho chủ thể quyền sở hữu trí tuệ;

b) Hàng hóa bị nghi ngờ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hoặc chứng cứ liên quan đến hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có nguy cơ bị tẩu tán hoặc bị tiêu hủy nếu không được bảo vệ kịp thời.

2. Tòa án quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo yêu cầu của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ quy định tại khoản 1 điều này trước khi nghe ý kiến của bên bị áp dụng biện pháp đó.

QĐND

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ban-doc/thu-ban-doc/trong-vu-an-hinh-su-cac-bien-phap-bao-ve-nguoi-lam-chung-duoc-phap-luat-quy-dinh-nhu-the-nao-778667